Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

NƯỚC THỐT LỐT



NƯỚC THỐT LỐT VÀ THỊT DƠI

TRẦN VĂN

          - Tâu na bòn?
          - On xà-lanh bon tê ?
     Một cô bé Khờ-Me trạc độ chín, mười tuổi theo mẹ đi bán nước thốt lốt, có người gọi là nước thốt nốt.  Ở tỉnh An Giang (tỉnh Long Xuyên cũ) có một quận tên là quận Thốt Nốt, cách thị xã Long Xuyên hơn mười cây số, ở phía bến bắc Vàm Cống và sân bay của tỉnh, trên đường đi Long Xuyên - Cần Thơ.  Với nước da đen tuyền, cặp mắt to, lông mi cong vút, dạn dĩ hỏi bọn trẻ Việt Nam đang đứng xớ rớ nhìn hai mẹ con, tâu na bòn, có nghĩa là anh đi đâu đó.
     Bốn đứa trẻ trai, cũng có đứa trạc tuổi với cô bé người Miên, láu lỉnh chọc ghẹo liền bằng câu nói mà những người con trai Việt Nam ở các vùng biên giới Miên - Việt thường tiếp xúc với người Miên, để trêu ghẹo cho vui miệng, không có hàm ý tán tỉnh o mèo.  Đó là câu học tiếng Miên đầu tiên: on xà lanh bon tê?  Có nghĩa là: em yêu (thương) anh không?  Cô bé bẽn lẽn, mắc cở núp sau lưng mẹ.  Bà mẹ và cả đám trẻ cười rộ càng làm cho cô bé mắc cỡ dữ, hai tay nắm chặt vạt áo mẹ.
     Cả bốn đứa trẻ ở ấp Bà Bài trong một nhóm thân nhứt, đi đánh lộn, đá banh, bơi lội, săn bắt chim, chuột, bắt cá, ăn, chơi đều có nhau, gần nhau thân nhau còn hơn anh em ruột.
     Nhóm bốn đứa của Ngọc học được nhiều câu nói thông dụng tiếng Miên để có dịp tiếp xúc với đám trẻ nhỏ Miên xổ ra và cả những lời chửi tục tỉu.  Thông thường học tiếng nước ngoài dễ nhớ và nhớ dai là những câu nói bậy bạ, những lời văng tục, chửi thề, đám bạn của Ngọc rành sáu câu.  Mỗi khi xáp độ đánh lộn hay giành giựt cái gì đó, bọn trẻ Việt Nam xổ nho chùm như súng liên thanh nổ, còn bọn trẻ Miên rặn nói một câu tiếng Việt tía tai đỏ mặt nhưng không đâu vào đâu nhiều khi phản nghĩa nữa.  Người Việt mình có tài học và nói tiếng nước ngoài rất hay, rất chuẩn.
     Nước thốt lốt thường đựng trong những ống tre dài trên dưới bốn tấc, lớn có, nhỏ có để dễ bán giá khác nhau.  Mỗi ống tre lớn cũng đựng được vài lít nước.  Trên miệng ống, có xỏ dây để máng lên đầu đòn gánh.
     Sáng sớm từ sóc, phum (xã, ấp) của người Miên, những người bán nước thốt lốt gồng gánh nặng trĩu vai, mỗi đầu gánh có đến mười, mười lăm lít nước thốt lốt nóng hổi còn bốc khói, họ hối hả đi sang làng mạc Việt Nam bán.
     Hương vị nước thốt lốt ngọt lịm, đậm đà và thoang thoảng mùi khói.  Trước khi đem đi bán, nước thốt lốt được xông khói đun nóng lên, giữ được độ ấm càng lâu càng tốt dễ bán hơn; nước thốt lốt có mùi đặc biệt khó quên.  Trong nước thốt lốt hình như có chất ga gần giống như trong nước xá xị.  Những ngụm nước thốt lốt làm kích thích vị giác, lưỡi bị tăng tăng.
Từ thuở lên ba lên bốn tuổi, trong trí nhớ mông lung, Ngọc rất mê uống nước thốt lốt vào sáng sớm.  Ở nhà quê, vùng biên giới Việt - Miên,  nước  thốt  lốt  rao  bán  từ  tờ mờ sáng, sau đó mới đến các gánh hay xuồng bơi theo dòng kinh Vĩnh Tế bán nào bún nước lèo, nước kèn, xôi bắp, xôi nếp, bánh trôi nước mà quê của Ngọc gọi là bánh xôi nước.  Những tiếng rao lanh lảnh của các bà, các cô thôn nữ vang vang trong sáng sớm như mời gọi bao tử hoạt động mạnh sau một đêm dài ngơi nghỉ.
     Bụng đói uống nước thốt lốt âm ấm thì đã thiệt, chất ga của nước thốt lốt làm cho dạ dày và lưỡi thòm thèm một cái gì đó cho khoái khẩu và sướng dạ.  Ba của Ngọc, ông Hương Tuần, một người có uy thế nhứt trong ấp, thân hình cao lớn, mập mạp, trắng trẻo, một người có bộ tướng ngầu về nhiều phương diện, ông lại giỏi võ.  Ông Hương Tuần, theo thói quen, bốn giờ sáng thức dậy.  Thói quen nầy "di truyền" qua người con trai út là Ngọc, dù có việc hay không cũng đều thức vào giờ nầy trong suốt cuộc đời.  Ông thức sớm, làm một vố thuốc rê, loại thuốc rê vàng tươm mật của xã Long Khánh, một cù lao gần quận Tân Châu, nổi tiếng về nghề sản xuất thuốc rê, nuôi tầm trồng dâu và dệt tơ lụa : Mỹ A, Cẩm Tự láng cóong.  Ông Hương Tuần vừa làm một vố thuốc rê trong một cái ống bíp của một thằng Tây bụng phệ chủ đồn điền tặng khi nó đi chơi đến ấp Bà Bài.  Ông vừa nhóm lửa bằng cây điên điển rất dể cháy nấu một siêu nước sôi pha trà, loại trà quạu, hiệu Bông Sen, nổi tiếng thơm ngon.
     Uống vài chung nước trà đậm đặc, ông Hương Tuần ra sân nhìn trời, nếu có trăng sao và lờ mờ sáng có thể nhìn thấy quang cảnh được, ông cầm một cây ba toong, thót lên lưng ngựa, hoặc đi bộ, có vài chú khuyển chạy theo "hộ tống" để đi thăm ruộng và tiện thể gở bắt chim mắc dính câu giăng trên trời.  Khi trở về nhà lai có một món cháo chim tuyệt cú mèo đổi món lót lòng buổi sáng.  Ông Hương Tuần còn ăn trầu nữa, tóc búi tó, đầu đội nón cối, không phải thứ nón cối Việt Cộng đội sau nầy, loại nón vành to mà Tây thích đội.  Khi nào trời mưa ông Hương Tuần mới đội nón lá.  Chừng hơn một giờ thăm ruộng trở về nhà, ông phun một cái phẹt xuống đất nhả bả trầu ra.  Ông lại làm tiếp một vố thuốc rê thì cũng là lúc có người bán nước thốt lốt gánh đi tới.  Ông gọi mua vài ống, có khi đến gần chục lít vì nhà con cái đông và thường xuyên người làm công ăn ở trong nhà cũng đến năm bảy người.  Sẵn bếp lửa, ông đổ vào nửa siêu nước thốt lốt, đun sôi, để hơi lâu một chút cho nước thốt lốt sắc lại.  Ông Hương Tuần đập ba cái hột gà cho vào tô, đổ nước thốt lốt vào, dùng muỗng đánh tan hột gà, súc miệng sạch, ních một hơi gần nửa tô, còn lại, ông gọi lớn tiếng xuống nhà bếp vì bà Hương đang lo làm lông mấy con chim trời ông vừa mới đem về:
          - Má sắp nhỏ, bà ơi ra đây tôi biểu.  Bà Hương vội đến ngay coi ông sai biểu cái gì ?
          - Má thằng Ngọc uống đi cho bổ.  Ông Hương Tuần thương thằng con trai út nhứt, xem như là quí tử, nên ông gọi bà Hương là má thằng Ngọc, ông không gọi má thằng nầy, con kia vì Ngọc theo thứ tự, thứ mười.  Bà Hương kể rằng, sau khi người con cả của ông bà chết lúc hai mươi tuổi khi vừa mới hỏi vợ.  Ông buồn không còn gọi má thằng Đại nữa, từ đó ông gọi bà Hương là má sắp nhỏ.    Mãi sau nầy có lẽ ông Hương ăn nên làm ra, phất lên nên ông thương yêu Ngọc nhứt cho là nhờ sanh ra Ngọc và gọi bà Hương là má thằng Ngọc.  Không biết nước thốt lốt với hột gà bổ đến đâu, má của Ngọc dù không cao không thấp, thường uống nước thốt lốt hột gà với ông Hương nên rất mắn đẻ, cứ sản xuất đều chi mười một trự, cứ cách hai năm một cậu hoặc một cô chào đời.  Ngọc là người thứ ba được uống nước thốt lốt, có lẽ nhờ uống nước thốt lốt có hột gà nên Ngọc cao lớn nhứt trong mười một anh chị em ?  Các ống nước thốt lốt mắc trên vách ai uống bao nhiêu thì tùy thích nhưng chậm thì cũng ngẩn tò te.
     Sau màn uống nước thốt lốt,  đến  màn ăn cháo chim trời, rồi ai có công việc nấy.  Ông Hương Tuần dù biết chữ nho ít và chữ quốc ngữ thì vừa đọc vừa đánh vần, nhưng ông có óc tổ chức rất khoa học và ông nói tiếng Miên cũng như người Miên.  Sóc, như làng, ấp của Việt Nam, người Miên trồng rất nhiều cây thốt lốt, một loại như cây cọ, gần giống như cây dừa cây cau, hình như trồng trên mười năm mới có trái.  Thuở xa xưa, tỉnh Châu Đốc có năm quận: Châu Phú, Tân Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên và Hồng Ngự.  Đến thời đệ nhứt cộng hòa, thời ông Diệm quận Hồng Ngự được sát nhập vào tỉnh Kiến Phong, tỉnh lỵ là Cao Lãnh.  Trong thời kỳ nầy, tỉnh Châu Đốc được sát nhập với tỉnh Long Xuyên thành tỉnh An Giang.  Đến đệ nhị cộng hòa, Châu Đốc được trở lại như trước nhưng không có quận Hồng Ngự, mà có một quận mới là quận An Phú, một quận nằm dọc theo biên giới Việt - Miên, đây là vùng sông nước có cá nhiều nhất của tỉnh Châu Đốc.  Nhiều xã của quận Tân Châu và Châu Phú tách ra để hình thành quận An Phú nầy.
     Nơi nào có người Miên sinh sống là nơi đó có trồng nhiều cây thốt lốt.  Ở quận Tịnh Biên và Tri Tôn có nhiều xã có đến chín mươi phần trăm là người Miên, có sinh hoạt, phong tục, tập quán và lối kiến trúc chùa chiền riêng.  Quốc giáo của Miên là Phật Giáo nhưng theo phái Tiểu Thừa, còn Việt Nam đại đa số tín đồ Phật Giáo theo Đại Thừa.  Người ta chỉ nhìn nơi nào có trồng nhiều cây thốt lốt, có thể khẳng định đó là khu cư dân người Miên.  Còn người Việt mình thích trồng dừa thay vì trồng thốt lốt, không hiểu về mặt kinh tế, trồng loại cây nào lợi hơn.
     Cây thốt lốt rất cao lớn mới có bông trái.  Người ta lấy nước thốt lốt từ trên củ hủ, khoét một lỗ trong đó, đặt ống dẫn vào ống tre được buộc chặt vào thân và cành lá.  Những cây thốt lốt cao trên bảy, tám mét, người ta thường khắc vào thân cây những nấc để leo lên cho dễ. 
     Những người chuyên đi làm công việc lấy nước thốt lốt hoặc hái trái, họ có tài leo lên xuống thoăn thoắt, người nào mới trông thấy lần đầu không khỏi chóng mặt và hồi hộp.  Nước thốt lốt chỉ lấy được vào mùa nắng gắt vì mùa mưa nước lạt bách, uống không ngon.  Còn trái thốt nốt, tròn, nhỏ như trái dừa nước của các vùng nước lợ (cây dừa nước mọc theo bờ sông rạch), ăn cũng rất ngon.
     Ai có đi viếng núi Sam, Châu Đốc trong dịp Vía Bà Chúa Xứ từ hai mươi ba đến hai mươi bảy tháng tư âm lịch cũng như trong suốt mùa nắng sau Tết Nguyên Đán, thử ăn trái thốt lốt.  Cắn, nhai nghe sần sật rất sướng cái miệng, trơn dễ nuốt lại béo, ngọt.  Trái thốt lốt già người ta còn nạo lấy cơm vắt lấy nước, trộn với bột gạo làm bánh bò có thêm đường thốt lốt, có mùi thơm đặc biệt ăn rất ngon miệng. 
     Năm 1990, Ngọc có dịp trở lại vùng Tịnh Biên, sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 và cuộc chiến tranh Miên - Việt sau đó, nhiều người Miên bán nhà đất để bồng bế nhau trở về xứ Miên. Nhiều người Việt, trong đó có cháu của Ngọc cũng đang làm đường thốt lốt. Từ bối cảnh lịch sử đó, hiện nay ở vùng Tịnh Biên, Tri Tôn có nhiều người Việt khai thác cây thốt lốt, trước kia chỉ có người Miên trồng cây thốt lốt mà thôi.  Tàn cây thốt lốt, lá bẹ to, loại lá cọ, không phải như lá dừa dài. Đi cấy ruộng, thời kỳ chưa có tấm ny-lông để làm áo mưa, người dân quê cũng tạm dùng nguyên một tấm lá thốt lốt nhỏ che mưa ở giữa đồng nội. Thân cây còn đục đẽo làm xuồng.
     Công dụng cũa cây thốt lốt, từ thân, lá, trái đều có giá trị.  Nước thốt lốt còn nấu để đặc thành đường, một loại đường đặc biệt ăn thơm ngon mà người dân miền Tây rất thích.  Ai có ăn qua đường thốt lốt, nhất là ăn với dưa gang, không có loại đường nào sánh kịp. Mắm Châu Đốc sở dĩ ngon cũng nhờ chao đường bằng đường thốt lốt.
     Nghề bán nước thốt lốt cũng gia truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.  Nước thốt lốt đựng trong những ống tre dài ngắn lớn nhỏ được xỏ thành xâu máng trên hai đầu gánh cũng có đến cả chục ống.  Người đi bán nước thốt lốt gánh nặng trĩu oằn vai, khi bán phải để gánh trên vai bán từng ống cho khách hàng.  Không thế nào dựng ống nước thốt lốt xuống đất hay máng gánh vào đâu được.  Chỉ có thể đổi vai trái hoặc phải đỡ đau khi cảm thấy khó chịu.  Ẩn người bạn đầu đàn của nhóm tinh nghịch hay chọc phá và chọc chòm xóm chữi hoặc bị mắng vốn "méc má".  Có lần Ẩn bao cả bọn uống nước thốt lốt thả cửa mà Ẩn trả tiền quá ít,  người bán cự nư û:
          - À, à dơ, ít tiền không đủ.
          - Ông không lấy hả; Ẩn nói.
          - Không đủ tiền mầy ơi, tao không lấy.
          - Ông không lấy hả.  Được.  Ẩn lại la lớn:
          - Tụi bây ơi !  Chạy.
     Thế là cả bốn đứa co giò chạy thục mạng.
     Người Miên bán nước thốt lốt tức ói máu, không thế nào quăng hoặc để gánh xuống đất được mà chạy rượt theo bọn chúng, nước thốt lốt sẽ văng đổ tung tóe.  Nặng quá lại cồng kềnh làm sao mà rượt bắt kịp bọn trẻ tinh nghịch.  Chỉ còn nước dặm cẳng kêu trời và chữi:
          - Đui me (Đ. M. của Việt Nam) và những câu chữi tục tỉu khác.
     Ngọc còn nhớ rõ, nhiều bạn trẽ thường sữa những câu nói của người Miên thành tiếng lái  như đui me đổi thành đui then, có nghĩa là đen thui mà đồng thời cũng hàm ý có chữi thề trong đó vì có tiếng đui, còn có ý nghĩa khác ám chỉ người Miên có nước da đen mun. 
     Lớn lên tản cư ra tỉnh lỵ Châu Đốc, đi học trường tỉnh Ngọc cũng hay chọc ghẹo bọn học trò trường Tàu, gặp dân Tàu gốc Triều Châu mà người mình thường gọi là người Tiều, Ngọc thường xổ một tràng tiếng Tàu, thứ tiếng Tàu nầy gọi là tiếng tào lao :
          - Xa xí nán bò chằng ếch, có nghĩa là ba bốn người không có tắm, ám chỉ bọn nầy ở dơ, gặp con gái gốc Triều Châu mà nói như thế thì chỉ có nước nghe chữi.  Tụi nó xổ ra cả tràng liên thanh, tụi mầy chữi tụi mầy nghe, tao điếc con rái, không thèm nghe.  Bọn Ngọc có nghe được gì đâu.  Còn gặp dân Tàu mà gốc Quảng Đông, chỉ nói được tiếng Quảng, bọn trẻ cũng thường trêu ghẹo bằng ngôn ngữ lái của Việt Nam nhưng có âm rất giống tiếng Tàu hoặc nửa tiếng Tàu nửa tiếng lái.
          - Xám cô dành sực dách cô sườn tại, có nghĩa là ba người (xám cô dành), xực là ăn, dách cô là một (cái trái...), sườn tại là tiếng lái xài tượng, một loại xoài trái to nhứt trong các loại xoài, ít chua, dòn ăn với nước mắm đường có nhiều ớt hoặc quết với mắm ruốc của bà Giáo Thảo ở Vũng Tàu, dân bợm nhậu và các bà các cô ăn quên thôi.  Ai trông thấy các gánh bán xoài tượng có tô mắm ruốc to với ớt chín đỏ mà lại không chảy nước bọt ?
     Còn nữa, bọn trẻ Việt Nam thường chọc phá trẻ con Tàu mà ở miền Tây Nam Bộ, người Tàu đa số là gốc Triều Châu.  Triều Châu chỉ là một huyện của tỉnh Quãng Đông mà cũng có ngôn ngữ riêng.  Hai ngôn ngữ Tiều và Quãng khác nhau như tiếng Việt với tiếng Tây, Tàu vậy.  Mạnh ai nấy hiểu.
          - Quảng Đông ăn cá bỏ đầu,
            Triều Châu thấy vậy xỏ xâu đem về.
     Dân Triều Châu nghe câu nầy thì cũng tức hộc xì dầu, chửi tục nữa.
Người ta cũng thường chọc ghẹo dân "Bò Líu", tỉnh Bạc Liêu và chọc cả dân Việt nữa:
          - Bạc Liêu là xứ quê mùa
            Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.
     Ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá gần như một trăm phần trăm người Tàu là người Tiều, cho nên khi đi xe đò hay ở những nơi công cộng, người ta nghe thấy vô vàn câu nói pha trộn tiếng Việt, tiếng Tiều mà người Việt chính cống cũng đều hiểu: Ý, Củ, Nứng, Chệt, Xẩm, Hia... mà người bình dân thường có những câu chọc ghẹo trào phúng:
          - Ngầu lôi tăng kể, âm phát ra như là tiếng Tiều chính hiệu nhưng không phải, đó là tiếng lái, ngầu lôi tăng kể nghĩa là ngồi lâu tê cẳng. 
     Từ món ăn, cách nói, tập tục của cư dân miền Tây pha trộn ba dòng máu chính là Việt, Tàu và Miên.  Có những đặc thù riêng mà các miền khác của đất nước không có.  Đặc biệt là sự pha trộn của nhiều sắc dân Tàu, Miên kể cả người Chàm ở miệt Châu Đốc, sống chung hòa bình càng làm thêm phong phú truyền thống văn hóa của người Việt.
     Cây thốt lốt còn là nơi thu hút dơi sinh cư, những tàu lá già, vàng cụp xuống là nơi lý tưởng để dơi làm tổ sinh đẻ.  Ở Sóc Trăng, Trà Vinh những nới có nhiều người Miên ở, đất ở vùng nầy có lẽ không thích hợp lắm cho cây thốt lốt cho nên người Miên ít trồng. 
     Ở những khuôn viên chùa Miên là có trồng năm, mười cây thốt lốt, cũng là nơi trú ngụ của loài dơi.  Hằng ngày người ta quét gom lại cứt dơi để làm phân, một thứ phân bón tốt nhứt cho cây thuốc lá (thuốc rê) và dưa hấu.  Hơn nữa, những cây thốt lốt ở gần chùa các vị tăng sĩ không cho người dân quấy phá hay bắt ăn thịt nên dơi càng ngày càng nhiều. 
     Các chùa nầy có tên là chùa dơi ở Sóc Trăng, Trà Vinh... nghe hai tiếng chùa dơi thì người ta hình dung ngay đó là chùa Miên, Phật Giáo Tiểu Thừa, có vô số dơi cư trú ở trong chòm lá của cây thốt lốt cao vút.
     Thịt dơi cũng là món ăn ngon của dân quê.  Người ta phân biệt hai loại dơi chính: dơi sen và dơi quạ.  Nghe chữ quạ biết đó là dơi đen và to con hơn dơi sen màu lông chuột.  Người ta thích ăn dơi quạ hơn vì to con, thịt nhiều.  Có người nói rằng huyết dơi quạ pha với rượu đế uống trị được bệnh ho lao, đau phổi nặng, nhưng lấy được huyết dơi cũng rất khó, tốn nhiều công sức, Ngọc chỉ nghe nói nhưng chưa khi nào thực hiện được.  Còn thịt dơi thì trắng ngần, nấu cháo với đậu xanh ăn mát hết sẩy.  Những người lớn tuổi có kinh nghiệm cho rằng món cháo thịt dơi với đậu xanh ăn vào rất mát mẻ, bổ dưỡng tăng cường sinh lực và đêm đó có gần bà xã, thế nào cũng làm bà xã hài lòng vì trả bài thuộc làu làu. 
     Năm 1955, khi tròn hai mươi tuổi, Ngọc làm hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc xã Vĩnh Tế gần chợ núi Sam.  Phụ huynh phụ giúp, Ngọc mua cây lá cất một cái nhà trên triền núi Sam, gần nơi đây có một hang dơi thật lớn. 
     Mỗi buổi chiều, trời vừa tắt nắng, hàng chục ngàn dơi từ trong hang bay túa ra có khi tới cả giờ mới chấm dứt, làm cả một vùng trời bị một màn đen che khuất với những tiếng chít chít hòa với tiếng đập của đôi cánh tạo thành một âm thanh lạ kỳ khó quên.  Học trò của Ngọc mách kế, lấy vài cành cây loại cây có gai mà ở địa phương gọi là cây gai móc ó vì gai của nó mọc tua tủa như móng vuốt của con ó.  Đầu gai hơi cong vào nên được gọi là cây móc ó. 
     Buổi trưa là lúc dơi đang ở trong hang, học trò của Ngọc đặt vài cành gai móc ó ở vào một góc của hang dơi để chiều chúng bay ra đi ăn có hàng chục con dính vào gai, thầy trò chỉ tuyển lựa con nào lớn độ chục con hay hơn tùy theo có nhiều hay ít người ăn.  Những con nhỏ, các đệ tử tháo gỡ ra để chúng tiếp tục bay đi ăn.  Đem dơi về nhà, thầy trò làm một màn cháo dơi và có thêm món dơi xé phai trộn với rau răm trồng sẵn sau hè.
Ngọc lúc đó mới hai mươi tuổi, còn đồng trinh nên thỉnh thoảng ăn cháo dơi bổ quá mát ruột mát gan, tối ngủ cũng bắn máy bay cho bằng thích.  Trong thời gian dạy học ở núi Sam, Ngọc cho vài đệ tử ruột cùng ở chung mà các em nầy rất tháo vát, dõi dang tìm bắt các thứ đặc sãn của địa phương như cá, chim, chuột, rùa, rắn, luơn, dơi nên Ngọc cũng biết làm và thưởng thức nhiều món ăn ngon tuyệt của quê hương trong thời gian dạy học tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét