Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

LÊN NÚI CẤM TÌM THUỐC

Lên núi Cấm tìm linh dược
Thuốc gốc nguyên liệu và cao đơn hoàn tán bày bán trên đường lên ấp Thiên Tuế
TT - Tôi theo lối hành hương lên núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) mong sớm tìm được “thần dược”. Đến lưng chừng núi, gần suối Thanh Long, hàng chục sạp thuốc bày ra.
Tôi dừng lại... Tắt cái máy hát, ông Tư chào khách: “Chú tìm thuốc chi? Mở hàng đi chú!”.
“Thuốc yếu sinh lý có không ông?” - tôi hỏi ngay. Thấy tôi đầu đinh na ná Việt kiều, ông Tư giả lả: “Thuốc chi cũng có, chú mua về bển hả, một thang ngâm rượu nha. Kỳ đà, tắc kè, sâm nhung, mật rắn có đủ..., bổ rẻ”.
Giới thiệu xong, ông Tư vồn vã mời tôi làm một chén rượu “cường dương” miễn phí hệt như quảng cáo sơn đông mãi võ.
Chợ thuốc trị bá bệnh
Lên thêm một đỗi đường núi, đang lúc ế hàng nên thấy tôi, bà T. - chủ một sạp thuốc - liền xởi lởi: “Có gì đâu, thuốc gốc nên giá rẻ hơn chợ đồng bằng khoảng 10%. Đây bí kỳ nam 25.000 đồng/kg, kia ngải móng trâu 300.000 đồng/kg...
Thuốc của tui trị bệnh tà, ban đen, xuất huyết... chỗ khác hiếm có lắm (?)” . “Bệnh tà là bệnh gì?”, bà T. trả lời: “Là bệnh khùng bị ma ám đó! Đang bình thường bỗng chú nói sàm, cười khà cả ngày, sắc uống là giảm liền”. Mấy cô gái đồng hành leo núi nghe vậy bụm miệng khúc khích.

Đang lúc nói chuyện với bà T. thì chị H.Liễu - người chuyên nghề lấy thuốc bán cho các sạp ngày kiếm vài chục ngàn - gợi chuyện: “Chú yên tâm đi, thuốc ở đây thanh khiết hoang dã không có phân thuốc, tánh dược cao lắm, giờ có thuốc, vài bữa đông khách không có hàng đâu”.
Hiện nay đội quân tầm thuốc chưa vào mùa hái, đào nhưng đã có chục người băng núi Tô, qua núi Dài đến núi Cấm, Bà Đội, Ông Két... trong dãy Thất Sơn, họ lên vồ xuống ảng ruồng thuốc cho các sạp bán.

Chuyện đi lấy thuốc trị bệnh, bán buôn cũng trăm bề gian truân, phải chẻ theo khe núi mà tìm. Bảy Điếc ở ấp Vồ Đầu, đệ tử thầy thuốc Nam Cao, cho biết ngày nay người đi lấy thuốc cứ gặp đâu nhổ đó.
Họ nhổ vạt cả gốc thuốc quí chứ “không như trước đây tụi tui theo nghề thuốc núi khó lắm! Thầy Nam Cao đã hành nghề thuốc từ nhỏ nên hiểu tâm tánh từng loại cây thuốc, con thuốc, mùa nào tháng nào cho thu hoạch, công dụng và cách thu hái ra sao ở vùng Thiên Cấm Sơn này, chứ không ào ạt tàn sát thảo dược như bây giờ...”.

Ngày hôm sau xuống núi hỏi chuyện mua lượng lớn thuốc bào chế, mấy tay chuyên tầm thuốc vùng bảy núi Thất Sơn bắt mặt làm quen: “Ở đây chuyên bổ thuốc cho trên 100 sạp thuốc, nhà thuốc ở chợ Nhà Bàng, chợ Tri Tôn.
Chú cần thuốc nguyên liệu loại nào... sẽ làm ăn lâu dài!”. Tôi đưa ra danh mục các loại thuốc quí: sa nhơn, kỳ nam, sâm hồng, sâm đất, cam thảo, ngải tượng, ngải móng trâu và đề nghị mua với số lượng lớn để bào chế.
Một người tên Nhiên tay chai sần đã lắc đầu: “Mấy thứ này tụi tui ruồng rồi, hiếm rồi, phải đi núi Campuchia hay ra đảo biển Tây mới có nhiều”. Nói rồi anh Nhiên chỉ đường cho tôi lên gặp mấy vị “thần y” có vườn thuốc quí vừa trị bệnh vừa dưỡng thuốc trên núi cao may ra còn thuốc.
Thần y Út Thành bên dây hồng khấu 20 năm tuổi trong vườn thuốc gia đình
Và “thần y” vệ thuốc
Đổ đường xe xuống ấp Thiên Tuế tôi gặp thầy Ba Lưới, thần y 98 tuổi, cả đời gắn bó với cây thuốc núi Cấm. Nói là linh dược vì xưa nay núi Cấm tâm linh, thanh khiết bốn mùa gió lộng, là nơi của các “chư thần chư vị” nương náu hướng tâm.
Nói xin lỗi nếu không có số mạng lên núi lấy cục đá cũng không được. Lấy của núi một thì cũng phải biết trả lại núi một tấm lòng. Ai không có lòng đồng cam cộng khổ với núi non rừng thẳm hám lợi rồi cũng có ngày mạt rệp”.
Ông Ba quở trách rồi liệt kê các loại cây quí nay đã mất dạng như dây điển núi, các loại sâm, loại ngải... Ngày nay có quá nhiều người lên núi lùng sục, tìm kiếm, bứng gốc thuốc non bán xô, bán món cho chợ núi, chợ Nhà Bàng kiệt dần thuốc núi.
Ông Ba vứt điếu thuốc về phía đoàn người đang cộ thuốc ra xe gằn giọng: “Nè! Tôi nói thiệt, đống thuốc tổ chảng đó tui hổng xài được loại nào. Mấy ông lang băm bán thuốc mồm mép dựa hơi núi Cấm linh thiêng xài xô bồ thì bao nhiêu cây cho đủ”.

Hiện ông Ba Lưới đang dưỡng trồng khoảng 3ha vườn thuốc núi. Trong vườn nhà ông vẫn còn các loại dây thuốc, cây thuốc đại thụ như trầm hương, ngải móng trâu, sâm đất, hồng khấu, đỗ trọng...
Nhờ vậy mà ông vẫn còn thuốc quí để trị “bệnh ngặt” cho bệnh nhân nội, ngoại. Ông nói: “Cũng nhờ thần dược núi Cấm, nhờ vừa trị bệnh vừa nói tâm đức cho bệnh nhân hồi hướng với tổ tông núi rừng mà nhiều con bệnh khỏe ra”.

Từ những kinh nghiệm sử dụng thuốc phong phú, các vị lương y đã đúc kết được những bài thuốc tâm đắc kết hợp những loài cây thường dùng với cây thuốc quí để làm thuốc. Cũng như “thần y” Ba Lưới, thầy Út Thành, thầy Nam Cao, cô Ba Vồ Đầu, Năm Chuột mỗi người đều ý thức gây rừng thuốc quí đang bị cạn kiệt. Riêng thầy Út Thành đã 20 năm qua cất công vệ dưỡng 2ha cây thuốc thụ già.
Đã có người trả giá 5 lượng vàng để mua cây tóc trầm hương nhưng thầy không bán mà để lấy hạt làm giống cho mọi người cùng hưởng. Dắt tôi ra triền núi, thầy Út giới thiệu: “Đây là dây càng ngác phụng giao đầu, huyết rồng, đỗ trọng... đều trên 30 năm tuổi; kia thần xạ hương, ngải quí... toàn là cây củ lâu năm to bằng cùm chân, thân người.
Thuốc mọc đâu mình dưỡng đó, càng thọ càng có tánh dược cao. Làm thầy thuốc, muốn trị bệnh nan y, nhất là các bệnh xương khớp, tê phù, liệt bại, thần kinh, gai sống, ung thư..., phải dưỡng thuốc mới có mà dùng chớ núi non đâu còn nữa”.

Mới đây vườn thuốc thầy Út Thành đã bị bọn lâm tà cưa đứt ba cây dây chiều trị gân cốt, mất đứt 4 triệu đồng. Thầy nói: “Mất tiền không tiếc chứ mất cây thuốc chỉ tội cho người bệnh”.
Thầy chỉ mong chính quyền địa phương và cư dân núi Cấm cùng nhau bảo vệ tái sinh nguồn thảo dược, linh dược, đừng để số đông người sinh nhai hám lợi trộm phá, lấy càn mà làm kiệt nguồn thuốc núi.
Bài, ảnh: QUANG VINH

Theo Viện Dược liệu học VN và giới chuyên môn, nhiều năm qua hơn 300 loại dược liệu ở vùng Thất Sơn  đã được khai thác và thu mua với khối lượng lớn để phòng trị bệnh và trao đổi với các tỉnh bạn, thậm chí xuất khẩu.
Nguồn thuốc này chủ yếu mọc hoang dại được núi rừng “ban phát”. Việc trồng trọt bảo dưỡng thuốc cũng ít người thực hiện nên  một số cây thuốc quí ngày càng hiếm.
Tốc độ khai thác luôn lớn hơn tốc độ tái sinh, do đó khả năng thu mua của các công ty dược phẩm chỉ còn 5-10%, thậm chí 1-2% so với khả năng cung cấp dư thừa trước đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét