Đình Châu Phú – Dấu Ấn Thời Mở Đất Phương Nam
Trong công cuộc khai mở đất phương Nam vào thế kỷ 18, cha ông ta đã để lại nhiều công trình, di tích văn hóa lịch sử trên một miền đất từng là vùng hoang hóa mênh mông ngập nước, rừng rậm, đầm lầy, lau sậy bạt ngàn với đầy dẫy thú dữ cùng lam sơn chướng khí.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể nói An Giang là vùng đất còn ghi lại nhiều dấu ấn rõ nét nhất trong quá trình mở mang đất nước ở phía Tây Nam Tổ quốc. Năm 1757 chúa Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738_1765) lập các đạo Đông Khẩu (Sa Đéc), Tân Châu (Tiền Giang), Châu Đốc (Hậu Giang) do Nặc Tôn hiến để đền ơn. Lấy đất Giá Khê (Rạch Giá) lập đạo Kiên Giang, và Cà Mau lập đạo Long Xuyên. Cuộc khai mở đất phương Nam kết thúc. Lúc nầy cương thổ của Đàng Trong đã đến tận Hà Tiên, Phú Quốc.
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã nêu ra tại cuộc hội thảo về Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại An Giang vào năm 93 của thế kỷ trước như sau:
“Lịch sử là chuyện đã xảy ra. Nam tiến là điều có thật, ngay từ thế kỷ thứ 9, thứ 10. Nguyễn Hữu Cảnh làm nốt phần việc mà lịch sử Nam tiến đã mở ra, ông định cương vực phía Nam Việt Nam, đại thể như cương vực hiện thời của nước ta…
“Lịch sử là chuyện đã xảy ra. Nam tiến là điều có thật, ngay từ thế kỷ thứ 9, thứ 10. Nguyễn Hữu Cảnh làm nốt phần việc mà lịch sử Nam tiến đã mở ra, ông định cương vực phía Nam Việt Nam, đại thể như cương vực hiện thời của nước ta…
Đình thần Châu Phú tọa lạc trong nội ô thị xã, ở góc đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Thoại thuộc phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc. Đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh và các quan tướng có công khai mở đất phương Nam như: Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, Vệ Thủy Binh Đỗ Năng Tàu và Nguyễn Văn Sanh… Đình Châu Phú là một trong những ngôi đình lớn và đẹp nhất đồng bằng Nam Bộ, đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Khuôn viên đình rộng rãi, thoáng đãng. Đình được kiến trúc theo phong cách truyền thống Việt Nam. Mái đình lợp ngói âm dương màu đỏ, trên nóc gắn tượng bát tiên và lưỡng long tranh châu. Bên trong đình có đỉnh đông, hoành phi liễn đối trạm trổ công phu, sắc sảo. Đình có cấu trúc theo kiểu nhà trính với nhiều hàng cột tròn, to bằng vòng tay người ôm được kê tán lư tròn. Đặc biệt, gỗ toàn là “gõ sừng”, đây là loại danh mộc ngày nay hầu như đã tuyệt chủng. Đình Châu Phú được xây dựng từ thời ông Thoại Ngọc Hầu cai quản vùng này khoảng từ 1820 đến 1828 – Kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế cũng được đào trong thời kỳ đó.
Tranh chánh điện, giữa và trên cao thờ bài vị Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Phía dưới là bài vị Thoại Ngọc Hầu, kế nữa là bài vị ông Vệ Thủy Đỗ Đăng Tàu và Lê Văn Sanh. Giữa đình còn có tượng Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh và hai vị quan văn võ hầu.
Phương Nam là vùng đất trẻ, hình thành mới mấy trăm năm so với chiều dài mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc. Những tư liệu về những sự kiện quan trọng hầu như còn khá đầy đủ từ chính sử đến truyền thuyết, giai thoại dân gian:
Nguyễn Hữu Cảnh, còn có tên là Nguyễn Hữu Kính sinh năm 1650, tại thôn Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), ông là con thứ ba của Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật – danh tướng nhà chúa Nguyễn, cháu nhiều đời của Nguyễn Trãi. Theo Trịnh Hoài Đức thì nhờ Nguyễn Hữu Cảnh mà đất đai mở rộng hơn ngàn dặm, dân số có thêm bốn vạn hộ.
Năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu (Ang Saur, có sách ghi Nặc Ong Thu) đem quân tiến công Đại Việt. Chúa Nguyễn Phúc Chu lại cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh, cùng với Phó tướng Phạm Cẩm Long, Tham tướng Nguyễn Hữu Khánh đem quân lính, thuyền chiến hợp cùng tướng Trần Thượng Xuyên lo việc đánh dẹp và an dân. Và thủy binh của Nguyễn Hữu Cảnh đã tiến thẳng đến thành La Bích (Nam Vang), đánh tan quân của Nặc Thu.
Sau khi vua Chân Lạp qui hàng, Nguyễn Hữu Cảnh cho thuyền ghé lại thăm nom, khích lệ, an dân. Ông kêu gọi những người cư trú trên đất Chân Lạp và Đại Việt dù là người Khmer, Hoa hay Việt, hãy cùng nhau gìn giữ tinh thần thân thiện, tắt lửa tối đèn có nhau, đoàn kết, gắn bó giúp đỡ nhau. Tuyệt đối không kỳ thị, phân biệt màu da, tiếng nói. Tinh thần ấy đã xuyên suốt thấm nhuần trong cộng đồng xã hội người Nam bộ cho đến tận ngày nay. Những hành động khoan hòa, thiết thực, những cử chỉ ưu ái thật lòng của ông đã làm cho đồng bào vô cùng cảm mến.
Tháng 4 năm Canh Thìn (1700), Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao và báo tin thắng trận về kinh. Cồn Cây Sao sử cũ gọi Cù lao Sao Mộc hay Tiêu Mộc hoặc châu Sao Mộc, về sau dân địa phương nhớ ơn ông, nên gọi là Cù lao Ông Chưởng, nay thuộc Chợ Mới, An Giang.
Theo Gia Định thành thông chí, thì: Ở đây một thời gian ông bị “nhiễm bệnh, hai chân tê bại, ăn uống không được. Gặp ngày Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khuyến lạo tướng sĩ, rồi bị trúng phong và thổ huyết, bịnh tình lần lần trầm trọng. Ngày 14 ông kéo binh về, ngày 16 đến Sầm Giang (Rạch Gầm, Mỹ Tho) thì mất, Khi ấy chở quan tài về tạm trí ở dinh Trấn Biên (Biên Hòa), rồi đem việc tâu lên, chúa Nguyễn Phúc Chu rất thương tiếc, sắc tặng là Hiệp tán Công thần, thụy là Trung Cần, hưởng 51 tuổi. Người Cao Miên lập miếu thờ ông ở đầu châu Nam Vang. Nơi cù lao ông nghỉ bệnh, nhân dân cũng lập đền thờ, được mạng danh là Cù lao ông Lễ. Còn chỗ đình quan tài ở dinh Trấn Biên cũng lập miếu thờ.
Chính sử nhà Nguyễn (Đại Nam thực lục tiền biên -quyển VII) có ghi lại câu chuyện: “Nguyễn Hữu Cảnh đóng quân ở Lao Đôi, gặp mưa to gió lớn, núi lở, tiếng kêu như sấm sét. Đêm ấy nằm mơ thấy một người mặt đỏ mày trắng bảo rằng: “Tướng quân mau kíp đem quân về, ở đây lâu không có lợi”. Nguyễn Hữu Cảnh cười nói rằng: mệnh ở trời có phải ở đất nầy đâu?”. Khi tỉnh dậy thân thể mỏi mệt nhưng vẫn cười nói như thường để giữ yên lòng quân”. Truyền thuyết dân gian mang màu sắc tâm linh, huyền thoại vùng Cù lao Ông Chưởng kể lại rằng: ông lâm bệnh mê man trên đường từ Chân Lạp về, thuyền trôi theo dòng nước đến Rạch Sao thì tắp vào bờ dừng lại, ông bỗng tỉnh táo, oai dũng như bình thường, rời chiến thuyền lên bờ chiêu an bá tánh… và đêm ấy, ông mất tại đây! Sau khi ông mất, ông được nhiều sắc phong của các triều vua như: Gia Long (năm 1810), Minh Mạng (năm 1831), Tự Đức (năm 1852) với các danh hiệu: Đô thống chế dinh thần cơ, Thượng đẳng thần, Khai quốc công thần, Lễ Thành hầu, Vĩnh An hầu… Ngày nay có nhiều tên đường, tên trường, tên sông rạch địa danh mang tên ông như Chưởng Binh Lễ, Thượng Đẳng Lễ, Cù lao Ông Chưởng, rạch Ông Chưởng. Theo Đại Nam nhất thống chí thì “Đền Lễ công: ở thôn Châu Phú, huyện Tây Xuyên, thờ Nguyễn Hữu Kỉnh. Đền do Nguyễn Văn Thụy (tức Thoại Ngọc Hầu) dựng khi làm Trấn thủ, nay hương lửa vẫn như cũ, thường tỏ anh linh”. Vị trí ban đầu tại mảnh đất bên cạnh bệnh viện Châu Đốc, sau đó dời về đây xây cất kiên cố, hoàn thành năm 1926. Đình Châu Phú là đền thờ chính, còn giữ nhiều sắc phong của các vua nhà Nguyễn.
Hàng năm, Đình Châu Phú tổ chức lễ giỗ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào ngày mùng 6 tháng 6. Lễ Kỳ yên vào ngày 10 vào 11 tháng 5 âm lịch, thu hút rất đông khách hành hương, tham quan, vãn cảnh.
Đặng Hoàng Thám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét