CÁ HÔ, MÓN ĂN
NHỚ ĐỜI
TRẦN VĂN
Nói về cá mắm ở miền Tây mà không đề cập đến cá hô là một điều thiếu sót.
Cá nước ngọt, có thể nói chỉ có cá hô là giống cá lớn nhứt, có con nặng hàng
trăm ký lô. Thân hình cá hô còn nhỏ trông na ná như con cá chài dinh, một loại
cá mè. Chỉ khác có cái miệng hô. Thông thường, người ta làm cá chặt bỏ cái phần
ngoài của cái miệng cá, nào là râu ria, hàm răng ở bên trong. Cá hô nhỏ cũng
vậy, chặt bỏ cái phần hô nhô ra ngoài. Nhưng nếu cá hô lớn vài chục ký hoặc đến
một trăm ký, cái phần hô cân cũng được vài ba ký lô mà lại là phần sụn, nấu mềm
ăn ngon hết sẩy, dại sao mà bỏ?
Ai
có về Châu Đốc sẽ biết miền đất giàu có về cá, mắm và lòng hào hiệp của đa số
người dân sống ở đây. Địa lý, phong thủy đã cấu thành một miền đất hứa cho những
ai thích sống thoải mái mưu sinh, an nhàn tự tại, ngao du, tu tâm dưỡng tánh ?
Tất cả mười sáu tỉnh miền Tây bao gồm chín mươi hai quận của thời Việt Nam Cộng
Hòa, chỉ có Châu Đốc là có núi non nhiều, dù gọi là vùng Thất Sơn, bảy núi,
nhưng kể núi lớn núi nhỏ liên kết nhau mà người
dân gọi tên có đến trên mười ngọn núi. Dân ở miền nầy có câu cầu nguyện khấn vái thần
linh, người khuất mặt khuất mày :
- Nam
mô chư vị Thánh Thần năm non bảy núi về chứng giám lòng thành... vân
vân...
Chứng tỏ ở vùng nầy không chỉ có bảy núi mà còn có năm non, non cũng là
núi nhưng là núi nhỏ?
Trước Tòa Hành Chánh tỉnh Châu Đốc có một cái cầu dài bằng khung sắt, lót
ván gọi là "cầu quan". Đúng với tên của nó, đây là cây cầu dành riêng cho quan
Tham Biện, hồi xa xưa cũng còn gọi là ông Chánh, quan Đầu Tỉnh, sau nầy gọi là
ông Tỉnh Trưởng. Cây cầu quan rất dài có đến vài chục mét nối liền với lề đường
trước ngay giữa Tòa Hành Chánh tỉnh. Năm 1946, khi Pháp trở lại Việt Nam, các vị
chức sắc đầu não của tỉnh hoặc những người ở trung ương đến thanh tra hay có
chuyện gì đó quan trọng thường dùng thủy phi cơ mà có người gọi là thủy phi
thoàn (thuyền) đáp trên sông, cũng về đậu tại bến cầu quan này. Nơi đây, thường
xuyên có một hai chiếc ca-nô nhỏ của thời xưa, sau này là ho-bo chạy nhanh hơn
để cho các vị quan chức của tỉnh đi kinh lý các quận,
xã.
Tại bến cầu quan cũng là nơi công chức, học sinh thường đến đây tắm, bơi
lội. Người ta mô tả Châu Đốc có tiền tam giang, hậu thất đỉnh, mà tam giang là ở
trước cầu quan này, hậu thất đỉnh, bảy núi, kể từ núi Sam có Miếu Bà Chúa Xứ,
chùa Tây An nổi tiếng, chạy đến các núi khác và núi Tượng ở trong cùng. Trước
cầu quan, phía bên kia xã Đa Phước có một cái cồn gọi là Cồn Tiên nhô ra và bên
kia sông là xã Châu Giang, nơi có nhiều người sắc tộc Chàm sinh sống. Mọi người
nhận biết rõ ràng đây là ngã ba sông. Một hướng sông từ sông Tiền thuộc địa phận
quận Tân Châu chạy tới, một hướng từ đất Miên đến, một hướng xuôi về Long Xuyên.
Trước cầu quan là nơi giao mối ba dòng nước. Dòng nước của con sông Hậu bắt đầu từ tỉnh Châu Đốc chạy ngang qua An Giang,
Cần Thơ xuôi ra biển qua ngã Đại Ngãi của tỉnh Sóc Trăng (Ba Xuyên) qua quận Trà
Ôn của tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình).
Lộ
trình di chuyển và sinh cư của loài cá hô đi đúng hướng này. Từ Biển Hồ (Tonlé
Sap) của xứ Chùa Tháp, dòng sông Cửu Long đổ xuống miền đất thấp mà Châu Đốc là
nơi địa đầu biên giới Miên Việt, sông Cửu Long chạy xuống Việt Nam qua hai nhánh
gọi là Tiền Giang và Hậu Giang. Sông Tiền chạy ngang qua quận Tân Châu, sâu và
rộng hơn. Sông Hậu chạy ngang quận An Phú, Châu Phú. Ba quận này cùng với quận
Tịnh Biên của tỉnh Châu Đốc giáp với biên giới Miên có cá tôm nhiều
nhất.
Cá hô sống ở Biển Hồ lưu niên. Đến mùa nước
lớn, các họ nhà cá xuôi dòng về Việt
Nam
sinh trưởng. Những con cá hô cỡ năm, mười ký, có rất nhiều hầu như khắp tỉnh
Châu Đốc chỗ nào cũng có. Từ thập niên 60 trở về sau này, cá hô rất hiếm và đến
nay không biết có bị diệt chủng chăng ?
Cá
hô cỡ năm, mười ký sống ít nhứt vài năm, còn những con cá khổng lồ hàng trăm ký
có lẽ trải qua hàng bao nhiêu năm, mà lại tồn tại rất quí hiếm vô cùng. Con cá
hô nhỏ một hai ký là cá mới sanh và sống chỉ trong một mùa nước lớn. Địa thế của
tỉnh Châu Đốc do hàng trăm con sông lớn, nhỏ, kinh, rạch, mương bao quanh mà
những con cá hô lớn thường bắt được lại ở vùng sông nước sâu, giáp với tỉnh An
Giang, có lẽ nơi đây yên tĩnh và hạp với loài cá này. Riêng quận Tân Châu như là
một hải đảo, cù lao. Từ quận lỵ qua xã Phú Lâm, Long Thuận, đến xã Hòa Hảo, nơi
có Thánh Địa của Phật Giáo Hòa Hảo chạy lên xã Bình Thạnh Đông, Châu Giang, Vĩnh
Hậu... cũng là nơi có cá hô nhiều nhứt trong tỉnh. Nhưng có cá hô lớn năm bảy
chục ký và có khi được những con cá bành tổ suýt soát hai trăm ký lô lại ở vùng
từ Cái Dầu và phía cuối xã Bình Thạnh Đông chạy đến Chợ Mới, Cù Lao Ông Chưởng
của tỉnh An Giang.
Ngay người sinh trưởng ở tỉnh Châu Đốc cũng không ngờ và tưởng tượng nổi,
nếu không chính mắt nhìn thấy con cá hô nặng trên một trăm năm mươi ký lô. Cá ở
vùng nước ngọt nặng nhứt là khoảng trên dưới mười ký lô, cá bông chẳng hạn,
nhưng cũng rất hiếm.
***********
Năm 1966, trong một chuyến công tác về Châu Đốc, từ Bộ Tư Lệnh Vùng 4
Chiến Thuật ở Cần Thơ, bốn thầy trò tài xế, nhiếp ảnh viên, quay phim và Ngọc đi
trên một chiếc xe Jeep, đến Cái Dầu, cách thị xã Châu Đốc hai mươi hai cây số,
dừng xe lại nhà một người bà con mà Ngọc gọi là bà Út. Các con trai, con gái và
dâu rể, cháu nội cháu ngoại của bà Út làm nghề mua bán cá. Mùa nào có cá gì bán
cá ấy. Bà Út cũng có một vựa cá để bán lại cho bạn hàng chuyên chở đi bán ở Sài
Gòn. Nhà của bà Út cũng dùng làm vựa cá nữa. Dừng xe trước cửa nhà, Ngọc vào
thăm bà Út, cả nhà đổ xô ra chào hỏi, mừng rỡ tíu tít, bà Út nói :
- Thằng Mười, con về đúng lúc, hôm nay bà mua được một con cá hô tổ bà
nái trên một trăm năm mươi ký lô. Con ở lại ăn cơm với gia đình, ăn món cá hô
này, cả chục năm nay mới lại có một con cá hô lớn như vậy.
Ngọc chưa có phản ứng, bà Út nói tiếp :
- Vợ thằng Diệp mướn xe lam đi chở về đây. Chừng nửa tiếng trở lại nó về
tới, tha hồ mà con ăn món tả pín lù cá hô, ngon lắm Mười ơi! Đừng đi vội nghe
Mười.Bà dồn dập bảo Ngọc gọi ba nhân viên của mình vào nhà nghỉ ngơi chờ xe chở
cá hô về.
Ngọc là người sinh trưởng ở Châu Đốc cũng từng thấy nhiều lần cá hô cỡ
năm mười ký và vài lần chứng kiến cá hô ba bốn chục ký ở nhà một người bạn cùng
dạy học, ở xã Bình Mỹ, giáp với xã Bình Long (Cái Dầu). Bây giờ, lại nghe có cá
hô to tổ chản đến một trăm năm chục ký lô.
Tính hiếu kỳ, dù bận công tác, Ngọc cũng nán lại xem và ăn cơm trưa luôn
thể.
Bà Út bảo sắp nhỏ con cháu của bà nướng khô
cá nóc, cá lìm kìm để cho bốn thầy trò Ngọc lai rai chờ đem cá khô về.
Cái vụ cá nóc, Ngọc có hai kỷ niệm nhớ đời. Một anh bạn cũng là dân đá
banh với nhau lúc còn đi học tiểu học. Cả bọn hơn một chục thằng, từ sân vận
động đạp xe về cầu quan, ai cũng lật đật cởi quần áo nhảy "ùm" xuống sông tắm,
bơi lợi như rái, nô đùa la giỡn inh ỏi. Bỗng một tiếng la thất thanh kêu cầu
cứu, tất cả mọi người đổ xô lại xem coi chuyện gì, thằng Q. leo vội lên cầu, tay
bụm cái của quí máu chảy lòng ròng, mặt mày tái mét. Mọi người hỏi nó dồn
dập, nó nói :
- Cá nóc cắn "c." tao, đau quá mạng. Thằng nào chở tao đi nhà thương gấp
?
Cả bọn có dịp cười bò lăn bò càng, nhưng ai
cũng ớn không dám xuống tắm nữa. Cũng may con cá nóc chỉ có đớp được bao da qui
đầu của thằng Q. Vào bịnh viện lại gặp y tá nữ, mặt mày của thằng Q. từ xanh
sang đỏ vì mắc cỡ. Cô y tá chỉ xức thuốc đỏ có pha ten-tua-dốt để sát trùng và
cầm máu. Sau này thằng Q. có đến cả chục đứa con, không biết có phải nhờ cá nóc
thiến cái bao qui đầu khỏi phải đi bác sĩ cắt ?
Một lần khác, bảy năm sau, khi Ngọc đi dạy học và cũng mê đá banh, chiều
chiều cũng tắm ở cái cầu quan này, lại một người bạn đá banh, anh này là lính
cảnh sát. Cả bọn xuống tắm, hôm ấy anh ta không có mặc quần "xì" chỉ có mặc xà
lỏn, lại sợ ướt xuống bậc thang chót, anh ta cởi quần xà lỏn ra, tuột xuống nước
tắm bơi lội, lặn hụp đã đời. Tắm sắp xong, anh đứng trên gò cát nước ngập đến
ngực, kỳ cọ. Bỗng anh la trời như bọng, hai tay anh bụm hạ bộ ở dưới nước.
Anh nói lớn :
- Tao bắt được con cá nóc. Miệng vừa nói, tay mặt cầm con cá
nóc đưa lên
trời, tay trái tiếp tục nắm cái của quí đi nhanh đến cầu
thang.
Bọn này có đứa cũng mặc quần áo xong, chạy lại xem và giúp đỡ anh. Máu me
tùm lum, cái quần xà lỏn của anh vừa mặc đã thấm đầy máu. Ngọc chở anh trên
chiếc mobylette chạy nhanh xuống nhà thương cấp cứu. Anh cảnh sát, quên tên, anh
lại tiu nghỉu mắc cỡ đỏ mặt tía tai cũng cái cô y tá bảy năm trước chữa trị cho
thằng bạn học, nay lại chữa cho ông anh cảnh sát cũng lại bị cá nóc cắn cái của
quí. Lần này anh cảnh sát, người lớn, có lẽ cái của quí đó thơm ngon hơn đám trẻ
nhỏ nên con cá nóc ác hại cắn đứt một đoạn da qui đầu và trúng luôn một phần cái
mề của cái của quí. Vết răng con cá nóc mắc dịch còn để lại chứng tích. Anh cảnh
sát phải nằm ở lại bịnh viện chữa trị vài ngày vì máu ra nhiều quá.
Trở lại món khô cá nóc. Cá nóc chỉ có làm khô là ăn ngon nhứt. Trẻ con
hay bắt cá nóc, chọc nó phình bụng lên rồi lấy đá, hoặc lấy cây đập lên mình
nghe nổ một cái "bốp" chơi cho vui. Khô cá nóc ăn rất ngon, bùi, nhậu rất bắt.
Mật cá nóc cũng độc như mật cóc, ăn phải cũng gây ngộ độc và có thể chêtú
liền.
Hôm ấy, bọn Ngọc ăn khô cá nóc và cá lìm kìm với nước mắm me chua sống
đâm nhuyễn có thêm một chút đường, tỏi và ớt chín đỏ. Chưa uống hết một ly bia,
thiếm Hai Diệp chở về một con cá hô lớn quá. Trong cuộc đời của Ngọc chưa bao
giờ thấy con cá nào lớn như vậy, cả một khu xóm đổ xô đến xem. Đầu mình con cá
hô nằm chật cứng lòng thùng xe lam, còn cái phần đuôi dư ra gần cả thước, người
chủ xe lam dùng một sợi "dây luộc" to bằng ngón tay buộc vòng hai nấc cái đuôi
kéo lên buộc trên nóc mui xe, nếu không làm như vậy, cái đuôi con cá hô sẽ bị
kéo lê lết trên mặt lộ.
Bốn người đàn ông đem dây và đòn khiêng con
cá hô vào sàn nước, xối nước rửa sạch, bắt đầu đánh vẩy. Một cái vẩy cá hô to
gần bằng miệng cái chén ăn cơm, dầy cũng vài ly.
Hồi xưa, thập niên 50, 40 trở về trước, kỹ nghệ đồ nhựa còn phôi thai, đồ
chơi của trẻ con bằng nhựa rất ít bắt gặp. Trái cầu dùng để đá chơi, người ta
lấy vẩy cá hô đã được phơi khô làm đế trái cầu, chỉ dùng năm bảy cái vẩy cá hô
cũng vừa đủ nặng. Đá cầu nghe âm thanh "bành bạch" vui tai, người ta còn dùng
vài cái vẩy cá hô và kèm thêm một đồng xu màu đồng hoặc màu xanh xám (bằng chì
hoặc kẽm) để cho đủ nặng.
Trên các dòng sông, ghe chài chở lúa lưu thông, hồi xưa làm gì có máy
đuôi tôm để chiếc ghe chài to nặng di chuyển hàng mấy chục cây số, chỉ có sức
người hoặc sức gió căng buồm đẩy ghe đi mà thôi. Một chiếc ghe chài lớn có sức
chứa vài chục tấn trở lên phải có nhiều thành viên lực lưỡng làm công việc dùng
sào chống ghe đi hoặc lên bờ dùng dây luộc loại lớn dùng sức kéo ghe dọc theo bờ
sông, trên ghe lại có vài người dùng sào chống đẩy tiếp.
Chiều đến lặng gió, mọi người ăn cơm ngơi nghỉ cũng là lúc các chàng
thanh niên lực lưỡng chơi đá cầu ở trên mui ghe chài. Mui ghe chài tương đối
bằng phẳng, độ dốc ít và rất rộng, có ghe lớn bốn người đứng bốn góc đá cầu giao
qua lại rất ngoạn mục. Họ giao đấu cầu tài tình, những cú đá giò lái, biểu diễn
đầy tính nghệ thuật. Chúng ta đã từng thấy những cuộc vui chơi, lễ lạc hoặc
những ngày thứ bảy, chủ nhật ở Sở Thú Sài Gòn trước năm 1975, các thanh niên nam
nữ thường biểu diễn bộ môn thể thao này. Các hội Tết của người Việt ở hải ngoại,
không biết có nơi nào tổ chức biểu diễn lại trò chơi thể thao hấp dẫn, đẹp mắt
đá cầu ? Trái cầu gồm có hai phần, phần trên gồm có ba hoặc bốn cái lông vịt kết
dính lại, phần dưới là đế cầu, hồi xưa dùng vẩy cá hô, ngày nay dùng những miếng
cao su mỏng cắt tròn thay thế. Môn đá cầu vừa là một môn thể thao rèn luyện thân
thể rất tốt, vừa là một trò chơi nghệ thuật tao nhã, đẹp mắt. Con
em chúng ta ở
hải ngoại nên luyện tập chơi lại môn đá cầu nầy.
**********
Khi con cá hô làm xong, rửa sạch, hai người con trai và cô con dâu chặt
ra nhiều khúc: đầu, đuôi và thân cá, chia ra mỗi miếng chừng năm ba ký cân bán
cho bạn hàng đến mua đưa ra chợ Cái Dầu bán lẻ. Vài người bạn hàng có phương
tiện và buôn bán lớn, mua vài chục ký chở lên chợ Châu Đốc, chợ Long Xuyên bán
có giá, lời nhiều hơn. Bà Út bảo chặt để lại vài ký cái phần miệng hô để nấu
"mẵn" và khoảng mười ký thịt cá để gia đình dùng.
Bà
Út còn ra lệnh đứa cháu ngoại gái chừng mười sáu tuổi làm ba món đãi khách. Con
gái ở nhà quê dù có đi học hay không đều làm việc nhà thật giỏi, cũng như con
gái ở Việt Nam mới sang Mỹ, ai cũng biết nấu nướng làm nội trợ rất tốt, nhưng
nếu gặp con gái gốc Việt mà sinh trưởng hoặc sống ở Mỹ từ hồi còn quá nhỏ, đa số
các cô nầy việc nội trợ, bếp núc "trớt quớt", nhưng ở đời cái gì cũng có ngoại
lệ, có phải vậy không nào ?
Cháu gái, hai tay thoăn thoắt vừa đun củi nấu nước làm món canh chua
xong, dùng dao xắt lia lịa, thái mỏng cá để làm món tả pín lù. Bà Út phụ giúp
làm món nước mắm, lặt, rửa rau, xắt dưa leo, khế, chuối chát, khóm. Bà Út đem
một lò dầu hôi "rề-sô" đặt giữa bàn. Cô cháu ngoại chặt hai trái dừa lửa đổ vào
xoong cho thêm một ít tóp mỡ, nước nổi màn màn, bắt lên lò. Ngọc châm đốt vặn
cao ngọn lửa lên, chừng mười phút, nước bắt đầu lên tim, sôi. Hai dĩa rau dưa,
hai dĩa đầy ắp cá hô thái nhỏ, một dĩa bún, hai tô nước mắm nêm được cô cháu gái
bưng lên để chật trên mặt bàn. Đó mới là món ăn thứ nhứt gọi là ăn "lai rai" để
nhậu "ba sợi" trước đã. Sau còn hai món nữa, món cá hô xào khóm (thơm) và món
thứ ba cũng là món nấu lâu hơn, món canh chua mà lại canh chua nấu cái phần vành
ngoài miệng hô của nó, thay vì nấu
mẵn bà Út thay đổi món nấu canh chua, bà biết tính thằng Mười thích ăn
canh chua.
Bàn tiệc có sáu người, bốn thầy trò Ngọc, chú Hai, người con trai trưởng
làm thợ may, một thợ may thuộc hạng giỏi nhứt của thị trấn Cái Dầu, chú may được
đồ "vết" còn gọi đồ lớn rất khéo không
thua kém các tay thợ giỏi của tỉnh, anh Chi cuộc trưởng cảnh sát, nhà gần bên.
Chỉ cái món tả pín lù ăn hết cũng no cành hông rồi, đàng nầy còn hai món xào
khóm và nấu canh chua hấp dẫn nữa.
Thịt cá hô ngon nhứt, hơn bất cứ loại cá nào ở nước ngọt hay nước mặn mà
Ngọc đã ăn qua. Không biết có chủ quan hay không, theo nhận xét của Ngọc, thịt
cá hô làm món gì ăn cũng ngon mà món "tả pín lù" và món xào khóm không có món
thịt, cá nào sánh bằng.
Ở vùng quận Nhà Bè của tỉnh Gia Định, sát
nách trung tâm Thủ Đô Sài Gòn, có cá chìa vôi, hình thù cũng gần giống cá hô.
Thịt cá chìa vôi là một loại cá cao cấp quí hiếm nhứt của dân nhậu, của người
sành điệu thưởng thức các món cá.
Thật tình mà nói, người ta thường cho cái gì của quê hương mình cũng đều
hơn các nơi khác. Ngọc đã từng trải và lăn lóc thưởng thức nhiều món ăn mà lại
nhậu ít nên có nhận xét không phải rượu nói mà chính kinh nghiệm nói: Cá chìa
vôi ngon nhất đối với dân sống ở miền Đông, Sài Gòn, nhưng Ngọc là người ở Châu
Đốc, miền Tây, cho rằng cá hô mới là ngon số một, cá chìa vôi đứng hàng thứ ba
sau cá bông lớn trong món tả pín lù hay còn gọi món nhúng dấm.
Thịt cá hô không dai như thịt heo, thịt bò mà nó dai và có nhiều sụn hơn
bất cứ loại cá nào. Da cá hô dày như là
một lớp sụn mỏng, thịt vừa ngọt vừa dai, không bở như các thứ cá
khác.
Da cá hô lớn, nhai gần như da heo sữa, hơi
sần sật một chút thật ngon miệng. Món tả pín lù, có người còn gọi là "tả bí lù",
có nghĩa là "bí lù" không biết gì hết. Món ăn này ngon quá không biết đặt tên gì
vì nó rất đa dạng. Thịt cá gì, tôm mực tươi cũng làm được cả. Ngày nay ở Mỹ có
món Hot Pot na ná như món tả pín lù ở quê nhà. Nước trong lẩu nếu dùng nước dừa
tươi thay nước pha giấm đường để ăn món tả pín lù có lẽ ngon hơn. Nếu có dừa lửa
sẽ còn ngon gấp bội. Nước dừa lửa ngọt đậm đà
hơn nước dừa thường.
Cá
hô xào khóm thật ngon. Một món xào khóm khác được xếp vào danh sách các món ăn
ngon của dân nhậu là món khóm xào với ruột già (heo), lại có xắt thêm dưa leo mà
phải xắt dầy, xéo, để cả vỏ xào chung với khóm và ruột già. Còn nữa, thêm hành
củ xắt từng khúc cùng xào chung và sau cùng rắc tiêu lên... Mùi thơm bốc nghi
ngút làm thực khách thèm quá cỡ thợ mộc, nuớc miếng muốn tuôn trào
!
Cái phần vành miệng của cá hô là sụn, nấu canh chua hay nấu mẳn - một
cách nấu cũng có chất chua nhưng dùng giấm không dùng me và nêm mặn hơn nấu canh
chua. Thịt cá hô nấu món gì cũng ngon, thơm phức. Sụn của miệng hô nấu ninh kỹ
ăn nghe sần sật thật đúng là câu mà người miền Bắc thường mô tả "miệng nhai tai
nghe", vừa sướng răng sướng miệng mà còn sướng cả tai
!
Ba
món ăn thiệt đã, không phải ăn chơi mà là ăn thiệt. Ba món ca ïhô độc đáo ghi
dấu ấn kỷ niệm nhớ đời của những người từng thưởng thức những món ăn ngon của
đất nước, là triết lý của cuộc sống trên cõi đời này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét