Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Xe Lôi Châu Đốc
Nguyễn Thị Lộc Tưởng

Cuối tuần rảnh rỗi lang thang trên mạng vô tình đọc bài . Nhà văn Hoàng Anh viết:
Xe lôi Châu Đốc

“Rừng” xe lôi ngược xuôi là một trong những đặc điểm của Châu Ðốc - thị xã giáp với biên giới Cambodia.
(hình Hoàng Anh)

“Châu Ðốc là một thị xã nổi tiếng ở Việt Nam. Thị xã này thuộc tỉnh An Giang với khá nhiều danh lam, thắng cảnh, đồng thời còn là nơi phát tích của một số tôn giáo chỉ có ở miền Nam.
Châu Ðốc có hai diện mạo. Lúc ồn ào, náo nhiệt nhờ “Vía Bà” - lễ hội đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian, kéo dài từ sau Tết Âm Lịch cho đến tháng 4 Âm Lịch. Rồi đến sau tháng 4 Âm Lịch, Châu Ðốc bình lặng trở lại như nhiều thị xã khác ở miền Tây.
Vào dịp “Vía Bà”, khách thập phương từ khắp nơi đổ về khu vực Núi Sam của Châu Ðốc, một nơi cách trung tâm thị xã khoảng 8 cây số. Chiếm số đông trong lượng khách hành hương vẫn là cư dân miền Tây.
Với nông dân miền Tây, Thất Sơn (Bảy Núi) luôn là chốn linh thiêng, một vùng “địa linh” sanh nhiều “nhân kiệt”. Thất Sơn là chỗ mà Ngài Ðoàn Minh Huyên khai sáng Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, rồi Ngài Ngô Lợi, người xiển dương tinh thần Bửu Sơn Kỳ Hương để lập ra đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Thất Sơn còn là nơi Ngài Huỳnh Phú Sổ lập ra Phật Giáo Hòa Hảo (làng Hòa Hảo, nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Châu Ðốc có nhiều đặc điểm gây ấn tượng, cùng với Chùa Bà, Lăng Thoai Ngọc Hầu và một số cổ tự khác... Châu Ðốc còn một rừng xe lôi. Xe lôi vốn là phương tiện vận tải công cộng quen thuộc ở miền Tây nhưng tại Châu Ðốc, xe lôi gây ấn tượng mạnh vì số lượng xe lôi rất lớn.
Nhìn rừng xe lôi ở Châu Ðốc có thể thấy nông dân Việt Nam vẫn như xưa, đủ thứ cơ cực và cũng vẫn trong cảnh vắt mồ hôi đổi cơm áo. Thời còn thuộc Pháp, người nghèo oằn lưng kéo xe, bây giờ, sang thế kỷ 21 họ cũng oằn lưng để... đạp xe.
Người nghèo ở Châu Ðốc mong mùa “Vía Bà” để có thể chở khách hành hương kiếm tiền nuôi thân, nuôi gia đình. Hết mùa “Vía Bà”, họ cất xe lôi để đi làm thuê.
Tuy “đầu tắt, mặt tối” quanh năm, suốt tháng nhưng những người đạp xe lôi ở Châu Ðốc vẫn không đủ điều kiện cho con cái đến trường. Khi trưởng thành, dù muốn hay không, lũ trẻ này vẫn tiếp tục phải bước theo con đường mà ông cha chúng đã đi: làm việc quần quật nhưng hiếm khi nào no đủ
Ngoài xe lôi, Châu Ðốc còn khác nhiều thành phố, thị xã khu vực miền Tây Nam bộ ở chỗ có rất nhiều xe đạp ôm. Phần lớn mọi người đều đã từng thấy hoặc từng đi xe ôm nhưng đó là “ôm” những tài xế chạy xe hai bánh gắn máy. Ở Châu Ðốc, ngoài xe hai bánh gắn máy được sử dụng làm xe ôm, còn có những chiếc xe đạp được trưng dụng để cung cấp... dịch vụ chuyên chở hoàn toàn bằng cơ bắp con người.
Chạy xe đạp ôm thường là những người đã ở dưới đáy của sự cùng cực. Khách đi xe đạp ôm cũng chẳng giàu có gì hơn. Người nghèo tựa vào người nghèo, nương nhau để sống.
Dù chạy xe lôi đạp, xe lôi máy, xe ôm gắn máy hay xe đạp ôm thì những người “phu vận chuyển” ở Châu Ðốc vẫn còn nguyên các đặc điểm cố hữu của nông dân miền Tây: thân thiện, hào sảng... Cực mà vẫn cười.
Tháng 8 này, lạm phát ở Việt Nam đã lên tới 28.3%. Giá cả các loại hàng hóa cứ lừng lững ngóc lên. Tương lai của người nghèo vốn đã ảm đạm giờ càng thêm mù mịt. Ðó là chưa kể quyết định cấm “xe thô sơ, xe tự chế” để “hạn chế tai nạn giao thông, tái lập mỹ quan, trật tự đô thị”, đã ban hành nhưng tạm hoãn áp dụng, vẫn treo lơ lửng trên đầu những người nghèo chọn việc chạy xe lôi là sinh kế.”

Cám ơn nhà văn Hoàng Anh đã viết bài về đời sống của những người bị bỏ quên trong cái xã hội “hào nhoáng”. Thật ra những người hành nghề xe lôi ở Châu Đốc không chỉ là những nông dân nghèo khổ bỏ ruộng bỏ vườn mà còn có những người lỡ vận lỡ thời vì “tai trời ách nước”. Với hai bàn tay trắng may mắn họ mướn được chiếc xe lôi (ngày nay còn có tên là “xe dân biểu” dân biểu đi đâu thì đi đó) để sống qua ngày, không may thì chiếc xe đạp ngày xưa anh “đèo” em ra công viên hóng gió bây giờ là phương tiện để nuôi sống gia đình (xe đạp ôm chỉ có sau 75). Ở cái thời mà tôi còn cấp sách đến trường, dân chạy xe lôi ở vùng tôi có hai thành phần: Thành phần hành nghề chuyên nghiệp, chạy (đạp) xe lôi quanh năm suốt tháng, tuy lấy sức lao động làm kế sinh nhai “tay làm hàm nhai” nhưng họ sống thoải mái, đối với họ chạy xe lôi là một nghề như bao nhiêu nghề khác nó vẫn còn cao cấp hơn nghề khuân vác ở bến đò, bến xe, họ là những người lương thiện thật thà, đa số khách hàng của họ hằng ngày là mấy bà hàng xóm bán cá, bán rau, bán bún cần ra chợ lúc trời chưa sáng hoặc về nhà trước lúc hoàng hôn để kịp nấu buổi cơm chiều và chuẩn bị cho ngày mai. họ không lợi dụng cảnh “nai vàng ngơ ngác” của người lạ đi tìm thân nhân để “chém” thẳng tay, nếu có ai hỏi thăm đường xá họ vui vẽ chỉ dẫn tận tình chứ không hề gạt người lên xe chạy vòng vòng như mấy anh taxi. Thỉnh thoảng họ cũng “ăn hơi mắt” với khách lạ những khách ăn mặc sang trọng có vẽ “ta đây” họ “ăn mắt” cho bõ ghét, nhưng dù khách lạ hay quen nếu cần đến xe lôi trong trường hợp khẩn cấp đôi khi họ làm phước không lấy tiền. Ở xóm tôi mấy anh đạo tì thường là mấy anh chạy xe lôi, khiêng đám ma có được đồng nào đâu nhưng họ cũng bỏ công ăn việc làm giúp một tay. Thành phần thứ hai chạy xe lôi chỉ là nghề tay trái, đó là những nông dân tay lắm chân bùn sống gần thành phố, mùa khô thì cắt lúa, đào mương, mùa nước thì mướn chiếc xe lôi chạy kiếm thêm tiền gạo. Ngoài ra còn những học sinh nghèo sau giờ học mướn chiếc xe chạy để có tiền mua sách phụ giúp cha mẹ. Dù không có công đoàn nhưng tại bến xe lôi lúc bấy giờ rất trật tự, người tới trước sẽ được “tài” trước, do đó không thấy cảnh tranh giành và xe lôi không nhiều đến “rừng xe lôi” trong thành phố như bây giờ. Tôi nhớ hồi nhỏ có nhiều bữa thức khuya dậy trễ muốn kiếm một chiếc xe lôi đi cho kịp chuyến đò cũng “nổ con mắt”, có lẽ thời đó đời sống dễ dàng, người ít việc nhiều không cần phải đạp xe lôi để sống, hơn nữa nông dân đã có lúa gạo không đầy bồ thì cũng đủ ăn vào mùa nước nổi, họ chỉ cần giăng câu chài lưới là có cá ăn, đôi khi còn đem cá tôm ra chợ bán kiếm thêm tiền mua vài xị rượu đế lai rai bữa cơm chiều. Vào thời nào cũng vậy tôi nghĩ ở Châu Đốc đã hành nghề xe lôi chắc không ai có tiền sắm chiếc xe lôi để chạy vào mùa vía bà rồi đem cất.
  
Nếu là vua chúa hay quan quyền họ đều muốn cha truyền con nối nhưng chạy xe lôi chắc không ai muốn “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” cho nên có những người cha hành nghề xe lôi nuôi con ăn học nên người dù số người này đếm chưa được đầy đầu ngón  tay. Cũng có gia đình thoát khỏi cảnh bần cùng  nhưng cũng có người cố gắng cho con ăn học như bác Bảy Xe Lôi ở xóm trong, sau khi cậu con học hết lớp mười hai trường Thủ Khoa Nghĩa xin được việc làm ở tòa hành chánh, bác chưa kịp nở mặt nở mày với bà con thì 30 tháng 4  thằng con mất việc không bị tù cũng là may, dòng họ bác đã ba đời làm nghề này, cứ ngỡ đạp xe còng lưng lo cho thằng con để “đổi đời” cho dòng họ nào dè “người tính không bằng trời tính” thời thế thay đổi, thằng con bây giờ lại nối nghiệp bác, rồi cháu của bác chắc không thoát khỏi cái nghề này.

0
0   0


Với đạo luật mới làm đẹp thành phố và trật tự đô thị, các thành phố khác thì tôi không biết, chớ ở Châu Đốc nó nhỏ xíu chỉ vài con đường, nếu thực hành đạo luật này bỏ đi những chiếc xe lôi  mấy bà bán bún nước lèo, bán cá, bán tôm muốn ra chợ sáng sớm lấy gì để chuyên chở,  không lẽ sắm chiếc xe du lịch để đem mấy cái nồi bún từ cầu số hai ra nhà chợ, hoặc dùng xe bus hay taxi (không biết bây giờ Châu Đốc có taxi chưa chứ khi tôi về thì không thấy).  Vả lại xăng dầu ngày hôm nay là máu, thế giới đang sợ ô nhiễm môi trường nếu vậy thì có nên cấm xe thô, xe tự chế không? Bà Chúa Xứ cũng linh thiêng nên đạo luật này chưa áp dụng, nếu không bà con, bè bạn nghèo khó ở quê nhà làm sao mà sống. 

Nhắc xe lôi làm tôi nhớ lại hình ảnh cậu thanh niên ốm yếu không biết vì thiếu ăn hay bịnh hoạn chạy xe lôi mà tôi gặp vào năm ngoái khi về thăm quê.  Cậu mời tôi lên xe khi tôi vừa rời khỏi bến phà Châu Giang (ngày xưa là bến bắc)  tôi thấy tội lỗi quá không dám đi vì vóc dáng tôi lớn hơn cậu rất nhiều, ở đây sáng nào cũng đi bộ cả cây số ngoại trừ những hôm bão tuyết vậy thì mắc mớ chi phải lên xe để một cậu bé ốm yếu dùng sức “lôi” mình đi, tôi từ chối nhưng cậu bé cứ đạp xe kè kè theo miệng lẩm bẩm:
-Cô ơi! Đi xe đi cô, con không ăn mắt đâu, từ sáng tới giờ con chưa được cuốc nào hết làm ơn đi cô.
Nghe cậu năn nỉ tôi cầm lòng không đậu, nên hỏi:
-Có chạy nỗi hông đó? Tôi hỏng muốn lỗ đầu gãy cẳng đâu. 
Nghe tôi nói cậu mừng như bắt được vàng vội ngừng xe lại nói:
- Bảo đảm với cô, con tuy ốm yếu nhưng khỏe lắm. 
Sau khi tôi lên xe cậu vừa nói vừa cười:
- Chắc cô ở xa tới nên đi xe lôi thấy ngại, có nhiều người như cô họ nói ngồi trên xe để người khác chạy mang tội, nhưng nếu không đi càng tội hơn đó cô, vì không có khách tụi con đâu có tiền trả tiền xe, đâu có tiền mua gạo, cô đi Honda ôm nguy hiểm hơn tụi con nhiều, tụi nó chạy ẩu lắm.
Thấy cậu ăn nói hoạt bát tôi hỏi:
-Chắc cháu có đi học phải hông?
Cậu bé đổi giọng như có cái gì luyến tiếc:
-Mới nghỉ năm ngoái, con học tới lớp chín, má con bịnh không tiền nên phải nghỉ học.
- Ba cháu đâu?
- Thôi đừng nhắc tới ổng, ổng thuộc “hiệp sĩ say” hễ kiếm được bao nhiêu là nhậu bấy nhiêu.
Thấy cậu không vui tôi không dám hỏi thêm nên xoay qua chuyện khác:
- Sao không tìm việc gì làm mà chạy xe lôi, cháu có học mà.
-Cô ơi! ở đây dù cho có học tới đâu đi nữa không quen biết thì cũng như không, huống chi lỡ dở như con, con có xin làm công nhân, nhưng họ chê con ốm yếu, nhờ dì Hai kế bên nhà thấy tội nghiệp cho con mướn chiếc xe này, dì ấy tốt lắm có khi không lấy tiền xe vì biết má con cần tiền mua thuốc.

Nghe cậu nói tôi vô cùng xúc động vừa thương cậu bé vừa phục “dì Hai” ở cái thời buổi đảo điên nầy vẫn còn có người giàu lòng nhân đạo dù họ cũng chỉ đủ ăn đủ mặc. Khi tới chợ tôi moi hết tiền VN mà tôi vừa đổi buổi sáng đưa cho cậu, cậu nói:
-Cô ơi! chỉ có hai ngàn thôi cô đưa nhiều quá, lộn rồi. 
Chị bán hàng trước cửa nhà ông anh tôi xen vào:
- Đồ ngu cô cho thì lấy đi còn nói lằng nhằng.
Cậu bé mặt mày hớn hở cám ơn lia lịa. Đối với họ số tiền đó quá nhiều nhưng so với dì Hai kế bên nhà cậu, tôi thấy nó chỉ là hạt cát, còn tấm lòng dì Hai mới là bãi sa mạc.   

Boston tháng 9, 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét