Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Lương Thư Trung

Về bông điên điển và vài khía cạnh khác trong cuốn
 “Hương Vị  Ngày Xưa” của tác giả Trần Văn Chi .

SachTranVanChi2.jpg
Là một người già nhà quê, biết được giáo sư  Trần Văn Chi viết về “hương vị ngày xưa” thuộc vùng sông rạch miền Tây của tôi, thiệt tình là tôi rất đổi mừng rỡ. Tôi mới tò mò và tìm mua cuốn sách của thầy để đọc hầu tìm ra những điều tôi chưa nghe ai viết ra hay kể lại về đời sống làng quê ngày xa xưa ấy. Và rồi, tôi có được quyển sách “Hương vị ngày xưa” (1) của giáo sư.

Sách không dày, chỉ vỏn vẹn 209 trang, nhưng tôi phải đọc gần một tháng mới xong, và nay có mấy lời chân thật xin bộc bạch cùng giáo sư và chư liệt vị vài ý kiến ngắn dưới đây, nếu có điều gì không phải, xin giáo sư  và qúy vị niệm tình bỏ qua cho.

Trước hết, nhìn một cách tổng quát, giáo sư rất có lòng với người nhà quê cùng đời sống nơi chốn quê mùa qua những món ăn xưa cũ cùng hương vị từng món ăn mà giáo sư lúc nào cũng nâng các món ăn ấy lên hàng “độc đáo”, “ấn tượng”, “quốc hồn, quốc túy”. Được giáo sư khen các món ăn nhà quê, dân quê tụi tôi ai mà không mừng; nhưng, thưa giáo sư, thiệt tình ra, những món nhà quê như “dưa bông điên điển”, như “cá lóc nướng trui”, như “thịt ba rọi luộc” hoặc nhiều món ăn khác mà giáo sư đưa lên hàng “tứ quí” trong bài viết về “mắm ba khía”, thì thú thiệt với lòng rằng, chúng tôi chưa dám mừng vội qua những từ ngữ thuộc vào hàng “cao lương mỹ vị” như vậy.

Trở lại với những trang sách “Hương vị ngày xưa”, tôi xin lần lượt ghi ra đây vài điều mà tôi thấy và biết, nó rất khác với các trang sách của giáo sư đã viết:

Ví dụ, “Bông điên điển, món ngon mùa nước nổi”, trang 123, giáo sư viết:”Cây điên điển là loại cây có thân xốp, nhẹ, có thể dùng làm đế giày, mọc hoang ở miệt Hậu Giang. Có nhiều người chưa hề nghe và thấy cây điên điển ngay cả người gốc miền Lục Tỉnh”

Thưa giáo sư, thiệt tình ra, cây điên điển “có thể dùng làm đế giày” hay không thì tôi không biết, nhưng “cây điên điển có thân xốp, nhẹ”, không phải là loại cây “mọc hoang ở miệt Hậu Giang”, mà phải trồng mới có. Về các cách trồng, cùng mùa màng của loại cây điên điển này, nó không phải khó khăn gì, nhưng phải sống với thực tế vùng ưa thích trồng giống cây cho bông vàng vào mùa mưa tháng bảy mới có cơ ghi lại một cách tường tận. Qua những năm tháng lớn lên ở nhà quê, và đã từng trồng qua và sống với loại cây này, nay tôi xin mạo muội trích lại các cách trồng cây điên điển qua lá thư mà tôi viết cho nhà văn Lưu Nhơn Nghĩa vào ngày 05  tháng 4 năm 2006, khi nhà văn họ Lưu còn sanh tiền, đã có nhã ý hỏi tôi về bông điên điển, để giáo sư tường lãm:

Kính gởi anh Nghĩa Tri Tôn,
Mấy hôm rày tui bận dời trại ruộng anh Nghĩa à, rồi lại nhận được cái "meo" của anh, tui vừa mừng lại vừa lo. Mừng là có thơ của anh là biết anh đang mạnh lại; lo là lo ba cái vụ bông điên điển đó mà.

(………….)
 Nhưng tui biết chắc một điều là cây điên điển thuộc loại tiểu mộc, có thân xốp, cao khoảng từ một tới bốn thước. Chúng có lá đối nhau, mỗi lá gồm từ 20 tới 60 lá phụ hẹp có đốm tím ở bên dưới  và bông kết thành chùm gồm từ 8 tới 10 bông màu vàng nghệ,
mỗi bông dài chừng 2 phân (2). Giống lá của loài cây này có cái đặc điểm là ban ngày
chúng mở ra hít thở không khí. Chính vì vậy mà khi mình vào trong một đám điên điển thấy cái mùi thơm đặc biệt của lá và cái mát mẻ của hơi thở mà nó thở ra hít vô đó. Nó mát kỳ lạ lắm mà tui thì chữ nghĩa ít quá không biết sao giải thích cho rõ hơn được. Tới chiều lúc mặt trời gần lặn, mấy cái lá đối nhau nhỏ li ti ấy nó tự động xếp lại nhe anh Nghĩa. Tức là nó nhắm mắt ngủ suốt đêm để sáng hôm sau lại mở mắt ướt sương mù và đón mặt trời mọc.

Người ta trồng cây điên điển bằng hai cách. Nếu anh muốn trồng bằng hột thì lúc trái điên điển già mình hái vô và lấy hột phơi khô và chờ tháng hai tháng ba đất cày bừa xong mới tủ rơm đốt cho cháy rụi rồi vãi hột. Một công đất tùy theo muốn sạ dày hay thưa mình để dành hột giống từ vài ba lít cho một công. Khi sạ xong, chờ mưa xuống hột sẽ nứt nanh và mọc thành cây.   Sau này có máy bơm nước mình bơm nước lên khỏi cần đợi mưa, điên điển lên sớm hơn.

Tới tháng Bảy nước tràn đồng thì bông điên điển bắt đầu trổ vàng rực. Bông điên điển buổi sáng còn búp, trưa nở, chiều gần tàn. Nên hái bông điên điển thường hái buổi sáng hoặc buổi trưa.  Vì bông điên điển búp thì ngọt, nở rồi lại bớt ngon, mà sắp tàn thì bông lại lạt nhách, ăn không bằng bông búp.

Qua tháng tám, tháng chín, người ta bắt đầu đốn điên điển phơi khô làm củi.  Củi điên điển vì thân cây xốp nên lửa cháy bạo nhưng mau tàn. Nhưng mỗi nhà trồng được một công điên điển mình có thể chụm nấu cơn trọn một năm nhe anh.

Đó là tui kể sơ qua vụ trồng điên điển bằng hột. Còn cách trồng nữa là mình trồng bằng hom; tức là trồng bằng các nhánh non của chính cây điên điển. Số là vào khoảng tháng sáu, tháng bảy, khi cây điên điển sắp già và trổ bông, mình muốn lấy nhánh non làm hom, anh phải đạp cho cây điên điển cò xuống. Thân cây điên điển nằm dài theo mé nước, rồi nó nẫy những mầm và đăm chồi lên. Những chồi này lớn nhanh.  Vào tháng chín, tháng mười nước sắp giựt, vì 25 tháng chin âm lịch nước phân đồng, mùng 10 tháng 10 nước giựt, mình dọn đất sạch sẽ rồi chặt mấy chồi điên điển mà mình định làm giống bó lại từng bó, dựng dưới đất bùn. Các chồi này gọi là hom điên điển giống như hom mía giống vậy mà. Khi thấy các hom này ra rễ là mình đem cắm xuống miếng đất mà mình đã dọn sẵn trồng cây điên điển. Cắm hom theo khoảng cách tùy theo mình muốn trồng dày hay thưa nhưng thường thường cách nhau chừng năm tấc, xa lắm là một thước vì cắm dày quá điên điển sẽ ít nhánh và cây không lớn, mà cắm thưa qua thì lại phí đất.

Đất trồng điên điển hồi thời tui với anh còn nhỏ thì miệt trên mình đất gò, đất xấu làm rẫy không tốt là trồng. Có người trồng vài ba công sát mé vườn vì hồi xưa đất nhiều người thưa nên đất xài hổng hết. Sau này dân đông mà đất không nở nên người ta trồng điên điển theo bờ mương, bờ kinh xáng, ít ai trồng ở bờ sông vì điên điển không thích xuống sông sâu nước chảy anh Nghĩa à. Nó là giống hương  đồng cỏ nội nên nó chịu sống trên bờ kinh, bờ mương hoặc đất gò, đất ruộng. Đó là đặc điểm của loài bông này nhe anh.  Nếu thỉnh thoảng anh thấy cặp bờ sông mà có loại cây này thì cũng giống như tui có hôm lên thăm Sài Gòn vậy mà, không giấu được gót chân đóng phèn của mình!!!

CAY_DIEN_DIEN   BONG_DIEN_DIEN
     Cây điên điển                                                                       Bông điên điển

Anh Nghĩa Tri Tôn thân,
Về các món ăn từ bông điên điển thì nhiều. Anh ăn sống chắm nước cá kho hoặc mắm kho cũng được. Nó có mùi vị của giá sống. ăn giòn giòn mát miệng. Bông điên điển làm dưa ăn giống dưa giá. Bông điên điển nấu canh chua với cá lóc, cá rô càng ngon. Bông điên điển nấu canh thường với cá trê ăn giống canh cá trê nấu với bông so đũa. Rồi bông điên điển mà xào thịt heo ba rọi ngọt ơi là ngọt.  Bông điên điên xào với tép, bỏ thêm chút thịt heo  hoặc thịt gà làm nhưn bánh xèo ăn hết sẩy.  Nhưng anh xào nấu món gì ăn cũng ngon ráo trọi kể cả luộc chắm tương chao ăn cũng ngon như thường vì nó có vị mát, ăn vô là khoẻ re cái bụng.

Ngoài ra, cây điên điển còn trị được bịnh dời ăn. Người ta bẻ cái đọt điên điển, ở đó có mũ điên điển chảy ra và thoa lớp mũ lên chỗ dời ăn vài ba lần là lớp da bị dời ăn từ từ khô lại và hết hồi nào mình hổng có hay.

M ấy hàng cùng anh và hẹn anh trong lá thư sau vậy.”(3)

Trở lại cuốn sách “Hương vị ngày xưa”, cũng trong phần bông điên điển này, tác giả có kể:”Trời vừa dứt mùa mưa, nước dâng cao hơn thì bông điên điển bắt đầu rơi rụng. Cả dề bông điên điển nổi lềnh bềnh trên mặt nước, tấp vào bờ sông, bềnh bồng theo con nước đẹp vô cùng. Rồi có người nghĩ ra cách chế biến bông điên điển thành thức ăn mà tới nay trở thành “quốc hồn quốc túy”; và tác giả kể tiếp: “Người ở đây sáng sớm bơi ghe cặp bờ sông vớt bông điên điển đem về làm chua, bán lại cho thương lái. Bông điên điển vớt đem về rửa sạch, lưa bỏ bông hư, để ráo nước và ngâm nước muối, hai ngày là thành dưa chua bông điên điển ăn được rồi”(4)

Thiệt tình ra, tôi không biết tác giả kể đi vớt bông điên điển trôi tấp vào bờ sông ở miệt nào để về làm dưa chua như vậy; nhưng riêng vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Định Mỹ. Núi Sập, Ba Thê, Vĩnh Chánh, Phú Hòa, Mặc Cần Dưng, Hang Tra, Trà Kiết, Vĩnh Hanh,
Lấp Vò, Kinh Xáng Bốn Tổng và nhiều nơi khác  mà tôi biết cách nay có tới hơn sáu bảy chục năm qua, tôi chưa từng thấy ai đi vớt bông điên điển về làm dưa như vậy bao giờ. Nếu có muốn làm dưa hay đem ra chợ bán, bông điên điển phải được hái một cách nhẹ nhàng, kẻo không thì bông điên điển sẽ bị bầm giập, làm cho bông hết ngon. Dù là loại bông nhà quê, nhưng không ai nở “dùng chiếc dầm, đập nhẹ vào cành, vào thân thì ôi thôi có biết bao bông điên điển rớt xuống khoan ghe ! Cành thấp thì dùng tay rung nhẹ cũng tha hồ mà hứng bông.”(5)

Đó là bàn về  bông điên điển, lần dỡ thêm nhiều trang sách khác của tác giả, tôi lại thấy còn có nhiều chỗ tác giả hơi đi ra ngoài đề của bài viết. Lấy ví dụ bài “Làm mai, hỏi nợ, gác cu, cầm chầu” (6) , dường như tác giả quên mình định viết gì. Suốt bài viết dài 22 trang, dường như tác giả chỉ bàn về “Hát Bội”, không đá động gì đến các chữ trong tưạ bài như “làm mai, hỏi nợ, gác cu”; riêng “cầm chầu” thì tác giả chỉ lướt qua vài hàng “Cầm chầu là một nghệ thuật, bắt buộc người cầm chầu phải thong hiểu tuồng tích, nghệ thuật để thưởng phạt đào kép trước bàn dân thiên hạ. Cầm chầu xem ra rất khó, không làm sao vừa lòng mọi người và luôn bị chê trách.”

Thêm vào đó, đọc qua trên 200 trang sách của tác giả, tôi có nhận xét chung là tác giả sợ mình viết không hết những gì muốn viết, nên nhiều trang sách đang bàn về chuyện này, tác giả sợ không kể thì quên, nên tác giả lại bỏ đó và bắt qua câu chuyện khác. Do vậy mà người đọc dù có cảm thông với tấm lòng của tác giả về các “hương vị ngày xưa”, nhưng mạch văn không liền nhau nên nhiều khi“hương vị ngày xưa” cũng dễ “bị” thiếu cái chất  mặn mòi của nó. Về trường hợp này thì dường như trang sách nào trong cuốn “Hương vị ngày xưa” cũng có những đoạn như vậy, không nhiều thì ít.

Chẳng hạn, đang nói về “bông điên điển”, vì sợ quên sẽ thiếu, tác giả lại bàn những món bông ăn được như “bông bí, bông bầu, bông mướp, bông cải trắng, cải ngọt, cải xanh, bông chuối, bông vạn thọ, bông so đũa, bông súng”. Trong số các loại bông mà tác giả vừa kể, thiệt tình là tôi chưa biết “bông mướp”, “bông vạn thọ” có ai đã từng ăn chưa, riêng tôi thì mới nghe lần đầu qua cuốn “Hương vị ngày xưa” này.

Trong cuốn “Hương vị ngày xưa”, tác giả viết về trái sầu riêng :”Trái xoài riêng tên mới nghe tưởng có họ hàng với xoài nhưng hoàn toàn “người dưng nước lả”. Có người kêu là sầu riêng vì cái tên sầu riêng đã được chọn làm tên cho vở kịch, vở cải lương nên được nhiều người kêu hơn xoài riêng”(7)

Thật ra, ở làng quê tôi, ai ai cũng gọi trái “sầu riêng” vì tên loại trái này nó có tên như vậy từ hồi nào tới giờ chứ không phải người ta kêu “sầu riêng” nhiều vì có vở kịch hay vở cải lương cùng tên như vậy. Ngay trong bộ sách Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ, cũng gọi là “sầu riêng” chứ không phải “xoài riêng”(8)

Ở một chỗ khác, tác giả gọi mảng cầu có gai là “mảng cầu Tàu”, thực ra, mảng cầu có gai dân quê gọi là “mảng cầu xiêm”; cây “bình bát”, tác giả gọi là “cây chùm bát”(9) vân…vân … Về có cách gọi tên các loại cây không giống nhau như vậy hổng biết có phải do mỗi nơi gọi mỗi khác chăng ?

 Nhưng cái khiếm khuyết không kém quan trọng trong quyển “Hương vị ngày xưa” này là các trang sách có qúa nhiều lỗi chánh tả.. Dường như trang sách nào cũng có vài ba hoặc  năm bảy lỗi chánh tả; trong bài “Nước  mắm và món chấm” nơi trang 29, có cả thảy 39 chữ “mắm” tác giả đều viết thành “mấm” hết.

Và còn nhiều lắm, không kể xiết… Xin lược ghi lại một số chữ thường dúng mà tác giả thường viết đi viết lại nhiều lần như dưới đây, thay vì :

“mắm”, tác giả viết thành “mấm”  “bạc hà” thành ”bạt hà”  ”có vẫy” thành “có vải”  “mùi khét của vẫy cá” thành “mùi khét của dãy cá”  “da trơn láng” thành “da trơn lán”  “rau lang” thành ‘rau lan”  “giấm” thành “dấm”  “xắt không nhuyễn” thành “sắt không nhuyễn lắm”  “lòng heo xắt mỏng” thành “lòng heo sắt mỏng”  “phải xắt hơi to” thành “phải sắc hơi to”  “mùi cay của ớt” thành “mùi cai của ớt”  “lén lút” thành “lén lúc”  “nước sôi tráng bình” thành “nước sôi trán bình”  “lòng bàn tay” thành “lồng bàn tay”  “tàng ẩn” thành “tàn ẩn”  “tấm mẳn” thành “tấm mẫn”  “phảng phất” thành “phản phất”  “chưng mâm ngũ quả” thành “chưn mâm ngũ quả”  “ngọt lịm” thành “ngọt liệm”  “đẹp láng”  thành “đẹp lán”  “bóng láng” thành “bóng lán”  “con người tất bật” thành “ con người tất bậc”  “quết bánh phồng” thành “quyết bánh phồng”(10)
SachTranVanChi.jpg
Hai trang 30 & 31 với 21 chữ “mắm” viết thành “mấm”

Đành rằng, là con người không ai hoàn hảo 100%, ngay cả tự điển có lúc các tác giả hoặc nhà in còn phải làm bảng đính chánh những chữ in sai như  cuốn Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Của in năm 1895 cũng có bảng “Sai Sót” in ngay nơi trang đầu khi vào tập; cuốn Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị in năm 1951 với bảng “In Sai” ở trang cuối cùng; hoặc bộ Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ in năm 1970 cũng có bảng “Đính Chánh” ở cuối sách và còn nhiều sách lắm, nói gì một vài sai sót lẻ tẻ của tác giả Trần Văn Chi . Và ngay trong bài viết này cũng vậy, có thể còn có nhiều sai sót, nhứt là lỗi chánh tả, nhưng điều mà tôi muốn ghi lại ở đây là nó sai ở mức độ vừa phải nào đó còn có thể chấp nhận được, nhưng sai quá nhiều thì quả là hơi kỳ kỳ, nếu không muốn nói là tác giả vô tình làm mất niềm tin nơi người đọc cho các cuốn sách khác của tác giả sau này. Vả lại sách đã in lại lần thứ hai và tác giả biết sách còn một số lỗi và không chịu tu sửa , vẫn cứ cho in tiếp và chỉ xin lỗi suông, và tác giả không hề có một chữ đính chánh nào, quả là điều đáng buồn biết bao !

Sách in lần thứ hai này do dùng bản in cũ nên một số lỗi về hình thức và nội dung chưa được sửa. Thành thật xin lỗi.”(Lời tựa in lần thứ hai, trang 5)

Đọc xong cuốn “Hương vị ngày xưa” của tác giả Nam Sơn Trần Văn Chi, tôi mới nghiệm ra một điều là viết về nhà quê coi đơn giản vậy mà rất khó viết vì nó đòi hỏi cái chất liệu thật nhiều hơn là hư cấu, nó cần cái vốn trải nghiệm của chính tác giả hơn là óc giàu tưởng tượng, nó cần cái quan sát gần hơn là đứng từ xa mà nhìn ngắm rồi hạ bút cho câu văn trôi chảy; có như vậy mới mong tác giả nói hết được những gì mình muốn nói và muốn viết về cái chất quê mùa ấy hầu mang lại cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau đọc được những điều rất giản dị nơi làng quê cách nay sáu bảy chục năm một cách gần gũi, chân xác ; bằng không, những tài liệu, sách vở viết chưa đúng với thực tế đời sống nơi làng quê cùng với ruộng đồng, nghĩ cho cùng, nó có hại nhiều hơn là có lợi vậy!

Mặc-Cần-Dưng (Long Xuyên), ngày 20-02-2010



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét