Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013




Lá Thư Từ Kinh Xáng

Thơ hồi âm anh Hai An Phú về “Mùa nước lên”

Kinh xáng Bốn Tổng ngày 29 tháng 08 năm 2012

Kính thăm anh chị Hai,

Trước nhứt vợ chồng tui xin cảm ơn thơ hồi âm của anh Hai và kính thăm sức khoẻ anh chị cùng gia đình bình an, vui vẻ; sau nữa có mấy lời hồi đáp này hầu chia sẻ cùng anh chị một chút tình quê qua những gì anh nhắc qua các kỷ niệm “mùa nước lên” trên An-Phú mà dân quê vùng mình còn gọi là “mùa nước ngập” vì anh cũng làm tui nhớ về những ngày tuổi thơ của tui quá mạng.

Chẳng hạn như anh kể: “Nhớ khi nước “bò” từ từ lên trên mặt đường, bọn con nít chúng mình thường đi tới đi lui dưới nước cho mát chưn, da chưn ngâm nước hoài bị lở, vừa ngứa vừa rát, người lớn nói là “nước ăn chưn”.”

Thiệt vậy anh Hai! Hồi đó, vào những ngày rằm, mười sáu, mười bảy tháng Bảy âm lịch, ông bà mình có nói “mười bảy nước nhảy khỏi bờ”, ở dưới Măc Cần Dưng, nơi quê ngoại tui vào mấy năm 1947,1948, tụi tui mới có sáu bảy tuổi nên mê vọc nước dữ lắm; thấy nước bò bò lên mé sân là cứ xúm nhau lại lội xuống nước cho mát chưn như anh Hai nhắc vậy. Rồi nước ăn chưn ngứa thấy trời. Mấy chị tui mới hái lá gáo, còn có cái tên là cây “huỳnh bá”(1), đâm với một chút muối hột và phèn chua cho nát nhừ ra rồi vắt lấy nước thoa vô mấy chỗ kẽ ngón chưnbị nước ăn, nó rát gần chết nhe anh Hai; vậy mà sáng ra là mấy chỗ bị nước ăn nó khô mặt và hết ngứa, và món thuốc nam này hay lắm! Nhưng anh Hai ơi, chứng nào tật nấy, hết ngứa và hết rát mỗi khi xức lá gáo như vậy vài bữa, thế rồi gặp nước bò lên sân lại cứ rủ nhau vọc nước nữa, hổng biết sợ nước ăn rát chưn rát cẳng gì hết.

Rồi anh Hai lại nhắc: “Nhớ nước lên cao khỏi mặt đất độ ba bốn tấc, phù sa đã tràn vào đồng ruộng, nước trong dần, mình nhìn qua kẻ ván sàn nhà thấy cá ròng ròng từng bầy bơi lội tung tăng, cá lóc, cá rô đồng lội nhởn nhơ tìm mồi, chỉ cần một sợi nhợ gắn lưỡi câu móc mồi trùn thả xuống qua kẽ ván sàn nhà, con cá rô từ từ lội tới đớp mồi, xốc xốc nuốt vào, nuốt vào, rồi kéo phăng lưỡi câu, ta cố giữ sợi nhợ câu, ta kéo, nó ghì, cuối cùng ta giựt, thêm một con cá rô mề để mẹ kho tộ.”

Thưa anh Hai,

Qua cái cảnh cá lội dưới sàn nhà, rồi cảnh anh câu cá rô trên An Phú hồi đời xưa vào mùa nước lên, tui thấy nó giống y chang miệt Mặc Cần Dưng dưới tui hồi đó anh Hai à! Hồi đó, vùng Mặc Cần Dưng chạy dài vô miệt Vàm Nha, Vàm Xáng, Hang Tra, Vĩnh Hanh rồi đổ xuống Ba Bần, Kinh Xáng Bốn Tổng, Định Mỹ gần trong Núi Sập, rồi chạy tuốt qua miệt Bờ Ao, Bắc Dục, Phú Hòa, Vĩnh Chánh hay qua miệt Thốt Nốt cùng các làng mạc miệt Lấp Vò, con nước rằm tháng Tám âm lịch dâng cao, dâng cao dần làm nhà nền đất có khi bị ngập, còn nhà sàn thì nước ngập léđé tới mí ván. Nước mùa này là nước cỏ, nên nước trong leo lẻo. Cá linh, cá lòng tong đá, lòng tong mương, cá chài, cá he lội có bầy, có bầy, lượn tới lượn lui mà bắt mê. Bọn con nít tụi tui dưới này cũng câu cá như các anh câu trên An Phú vậy. Hồi đó, nhớ mỗi khi đi học thì thôi, còn dìa tới nhà rồi là quăng cái cặp đệm qua một bên, ăn vội ba hột cơm nguội là cấm đầu cấm cổ đi móc hang cua kiếm cua ốm làm mồi câu cá. Cá ở đây nó thích mồi trùn như trên anh Hai mà nó cũng thích mồi cua ốm nữa. Nhớ hồi đó, đi học ngoài trường “Đạo Đức Học Đường” bên cạnh Thánh Thất Cao Đài, xã Bình Hòa, tụi tui đứa nào cũng mang cơm theo ăn trưa tại nhàăn trưa của trường, mà tui còn nhớ cái tên rất hay và lạ là“Ngọ phạn điếm”. Do vậy mà, câu cá lòng tong, cá rô vậy mà rồi cũng có thức ăn trong những bữa ăn trưa ở“ngọ phạn điếm” của trường sơ học này nhe anh Hai! Ngày nay, mỗi lần có dịp đi ngang qua thánh thất Cao Đài vùng Mặc Cần Dưng, tui cứ miên man nhớ lại trường cũ, nhớ lại các thầy cũ, nhớ lại những bữa cơm trưa đạm bạc nhà nghèo và dĩ nhiên rồi, tôi cũng nhớ lại song thân tôi có một thời tản cư chạy giặc từ Lấp Vò chạy lên Mặc Cần Dưng cơ khổ biết dường nào cùng những ngày thơ dại của mình mà bồi hồi!

Anh Hai lại kể tiếp:“Nhớ những lần trong mùa nước lên, ngồi trên chiếc đò tác ráng chạy bình bịch ven sông, nhìn bông điên điển vàng tươi mà thèm mắm kho và rau với bông điên điển, nhớ nồi canh cá linh nấu với bông điên điển hương vị ngọt ngào.Nhớ những chiếc xuồng ba lá di chuyển đó đây. Mấy bà Miên bơi xuồng cặp sát hiên nhà bán bún nước lèo.”

Thưa anh Hai,

Miệt Mặc Cần Dưng dưới này hổng có bà Miên bơi xuồng bán bún nước lèo như trên anh Hai nhưng vào mùa nước lên tháng Tám, tháng Chín dưới này xuồng hàng bán dạo bán đủ thứ anh Hai ơi! Người bán mía, kẻ bán bắp hầm, bắp chà; người bán cá rô câu, kẻ bán bông súng, bông điên điển; người rau bán dưa môn, kẻ bán đậu hủ chan nước đường; người bán bánh lọt nước cốt dừa, kẻ bán cốc, bán ổi, bán me…, nhiều lắm không kể xiết nhe anh Hai. Rồi còn xuồng ghe từ các nơi đổ dìa miệt Luỳnh Huỳnh, Tri Tôn đốn tràm, mò tràm lụt nữa. Họ đi chừng vài ngày và khi trở dìa thì xuồng ghe nào cũng chở đầy tràm lụt, tràm xanh, thấy biết ham!

Anh Hai chắc còn nhớ“tràm lụt”? Anh Hai nhớ hồi đời xưa vùng Đồng Tháp Mười, vùng Luỳnh Huỳnh là rừng tràm bạt ngàn thiên dã, người xưa kể hễ đi vô rừng mà hổng để ý, hổng làm dấu thì khi đi ra thế nào cũng bị lạc. Vả lại, hồi đời trước, lúc đất lâm minh mông trời đất, cây rừng ít ai đốn phá làm gì do vậy rừng tràm lâu năm hổng ai đốn, nó bị gió mưa làm gãy ngã chìm trong nước năm này qua năm khác rồi bị phù sa bùn lầy lấp lên lâu dần, lâu dần nên lớp vỏ ngoài bị mục, chỉ còn cái lõi bên trong gần thành than và người ta gọi những thân tràm bị ngâm vùi lâu năm dưới lớp đất bùn ấy là tràm lụt.

Anh Hai ơi,

Ở dưới này, các vùngnhư Mặc Cần Dưng , Kinh Xáng Bốn Tổng và các làng quê khác vào mùa nước ngập này còn có thêm xuồng ghe cắt cỏ bò tấp nập trên các kinh rạch nữa, vui lắm, mà nhất là con rạch Mặc Cần Dưng chạy vô Cầu Số Năm, Tri Tôn xuồng ghe cắt cỏ đi mát nước vì miệt này hồi đó đất lâm còn nhiều nên cỏ lác còn nhiều lắm. Thời xưa ấy, nhà nào cũng nuôi bò ít nhất là một đôi, có người có tới ba bốn đôi bò để dùng vào việc cày bừa nhe anh Hai.Chính vì vậy mà mùa nước lên nhà nào cũng phải cất chuồng bò với sàn chuồng phải thiệt cao cho chuồng khỏi bị ngập nước. Và người ta phải dùng xuồng ghe cắt cỏ cho bò ăn vào mùa này. Có người tự cắt cỏ lấy, có người cắt cỏ hổng xuể, phải muớn người cắt cỏ mướn; do vậy ở đây có thêm nghề“cắt cỏ mùa”, tức là người ta chỉ mướn mình cắt cỏ cho bò hết mùa nước lên thì thôi, các mùa khác mình đi tìm công việc khác như cày bừa, cắt gặt để làm.

Các loại cỏ mùa nước lên này bò thích nhứt là cỏống, cỏ mồm lông, cỏ mồm mỡ, và lúa cua kẹp bị nổi. Hồi đời xưa vùng quê mình làm toàn lúa mùa nên khi nước ngập linh binh, lúa vọt theo nước có cọng dài tới bốn năm thước và cua thì bám vào gốc lúa để sống, nên rảnh rỗi hổng biết làm gì chúng mới quơ quơ càng kẹp vô gốc lúa chơi cho vui rồi kẹp; chúng cứ kẹp hoài năm ba lần như vậy nên cây lúa bị đứt gốc và nổi phình lên mặt nước. Cả cánh đồng lúa mùa bạt ngàn mấy chục ngàn công ấy lúa bị cua kẹp nổi biết làm gì cho hết nên dân cắt cỏ bò mới vớt lúa cua kẹp này về cho bò ăn thay cho cỏ. Cứ tùy theo ghe lớn, ghe nhỏ hoặc xuồng lớn, xuồng nhỏ mà mỗi chuyến đi cắt cỏ xa như vậy phải đi vài ba ngày mới cỏ đủ cho bòăn ít nhất cũng từ một tuần tới mười ngày đổ lên. Nếu cắt cỏ nhiều mà để lâu cỏ bịúa và bò ăn hổng ngon, còn có cỏ mới bò ăn ngon miệng lắm.

Ngoài ra, riêng về loài trâu ở đây mấy cậu tui hồi đó nuôi trâu nhiều lắm, có cậu vì ruộng trăm, ruộng thiên nên có cậu sắm tới vài chục con trâu là thường; đó là chưa kể trâu cái đẻ trâu con nên đàn trâu càng ngày càng đông. Chắc anh Hai sẽ hỏi tui trâu nhiều quá khi mùa nước ngập thì chuồng nào để trâu ở đâu cho đủ. Thưa anh Hai, loài trâu thì không ở trên những chuồng lót ván như bò được vì chúng sừng dài, thân lớn và hay cọ quẹt dữ lắm. Ngoài ra, chúng lại thích nằm nước nhiều hơn làở trên khô.Tuy nhiên, dù trâu nằm nước, nằm hầm thì nằm nhưng trâu cũng cần chỗ khô ráo để nghỉ chân nữa nhe anh Hai. Thành ra, vào mùa này, miệt ruộng tụi tui dưới này mới có mùa lùa trâu lên các vùng cao ráo như chưn núi Ba Thê hoặc vô Tri Tôn, Xà Tón để tìm chỗ cao cho trâu ở và việc dời trâu tránh mùa nước ngập như vậy, hồi đời xưa ông bà gọi là“lùa trâu đi cầm”hoặc gọi tắt là “cầm trâu”.Chữ“cầm”ở đây hổng phải là cầm cố gì mà có ý là đem trâu tới chỗ khô ráo rồi mình ở đó cất trại, cất chòi và có người ở lại để giữ nó, coi chừng chăm sóc cho nó chứ hông thôi chúng lại lội lung tung phá tán ruộng nương người khác. Sau này tui mới nghe nói vùng Cà Mau, Miệt Thứ ở Rạch Giá có chữ “len trâu” là để chỉ việc dời trâu từ nơi này qua nơi khác để tránh nước. Chắc đây là một phương ngữ miệt đó nên tui hổng rành và từ ngữ này hổng thông dụng ở vùng mình, thành ra, thiêt hư gì về mấy chữ “len trâu” này tui hổng biết chữ nào trúng nhe anh Hai.

Hồi đó, mấy cậu tui hay mướn một người thanh niên trai tráng giữ trâu, rồi cất trại cho người ta ở với gạo thóc mắm muối nồi niêu củi đuốc nấu cơm ăn; còn cá mú thì hồi xưa cá tôm nhiều lắm, nên ở nhà sắm câu lưới cho mấy người này giăng lưới giăng câu bắt cá ăn, nhiều lúc ăn hổng hết còn làm khô để dành nữa nhe anh Hai.

Ngoài ra, sẵn dịp kể anh Hai nghe chơi về ba cái vụ bắt cóc chuộc tiền nhơn mùa cầm trâu này nữa. Số là vào những năm ly loạn 1948- 1949-1950, thừa cơ hội mùa nước ngập lêu bêu, bọn thảo khấu dùng xuồng di chuyển trên đồng dễ dàng nên chúng biết chủ của mấy bầy trâu đem cầm trên miệt Ba Thê, Tri Tôn, Bảy Núi nhà ở đâu, ở đâu ráo trọi. Thế là một buổi mưa dông tối trời, đang giữa đêm, chúng cặp xuồng vào sát mé hè cậu Hai tui và dộng cửa rầm rầm kêu mở cửa. Khi nhà sợ quá phải mở cửa, chúng súng ống đầy mình và nhào vô trói thúc ké cậu Hai tui bằng dây bố và dẫn xuống xuồng chở đi mất biệt. Vài ngày sau, có người đem giấy tới ra lịnh người nhà phải đem tiền chuộc, nếu không có tiền chuộc và giao tiền tại một địa điểm nào đóở giữa đồng nước ngập lêu bêu thì chúng sẽ giết cậu tui. Ở nhà lo sợ quá, phải đem tiền đi chuộc và cậu tui mới được dìa.Cái mửng lâu lâu bắt cóc chuộc tiền này xảy ra hà rầm vào thời buổi loạn lạc ấy. Nên mùa nước lên vùng Mặc Cần Dưng và các vùng lân cận còn là mùa bắt cóc chuộc tiền mấy người khá giả trong vùng của bọn thảo khấu nữa nhe anh Hai.Nhưng rồi, như anh Hai thấy, ở trên đời này bọn gian ác đó có mấy đời còn và bọn chúng ăn những đồng tiền mồ hôi nước mắt của cậu tui rồi cũng thành đất thành bùn ráo trọi, được những gì mà tiếng ác vẫn còn hoài tới muôn đời! Phải vậy hông, thưa anh Hai? Thành ra, kể sơ sơ vài nét về mùa cắt cỏ, mùa lùa trâu đi cầm vào mùa nước ngập, mùa bắt cóc chuộc tiền để anh Hai nghe chơi cái thời làm ruộng lúa mùa đời xưa hầu san sẻ cùng anh một chút tình quê vậy!

Rồi anh Hai lại nhắc: “Rồi nhìn lại hình ảnh nước ngập trường Thủ Khoa Nghĩa, tôi chạnh nhớ tới cây cột cờ, nơi mà cứ mỗi buổi sáng Thứ Hai trong tuần, bao nhiêu cặp mắt hướng về đó như là một tụ điểm của hồn thiêng sông núi trong buổi lễ chào cờ, tôi chạnh nhớ đến quý thầy cô bây giờ đã khuất, chạnh nhớ đến bạn bè kẻ còn người mất.”

Đọc đoạn văn trên anh Hai tả, tui mới thấy tấm lòng của anh Hai nhớ nước, nhớ trường, nhớ thầy cũ, nhớ bạn xưa biết lấy gì chứa cho hết những nỗi niềm chan chứa trong lòng của anh luôn tha thiết đậm đà.Tui rất kính phục anh Hai ở chỗ là dù nay anh sống ở đâu đi chăng nữa nhưng tâm hồn anh vẫn hoài vọng về chốn cũ hoài bất tận.

Thưa anh Hai,

Sắp nhỏ nhà tui nay mai sắp cắt lúa hè-thu rồi anh Hai ơi. Lúa ngày nay mấy cháu làm mùa nào lúa hột cũng bộn nhưng trong nhà lúa hổng nhiều như hồi xưa vì lúa cắt gặt xong, suốt ra hột rồi, dù lúa còn ướt, còn xanh là chúng cân bán liền hà chứ hổng có chờ phơi khô rồi xe trâu kéo lúa về ví bồ để dành như hồi xưa nữa nên có lúa coi như hổng có là vậy. Ngoài ra, tiền bán lúa hồi xưa là tiền có được và góp nhặt để dành được hầu mua sắm trâu bò, cưới vợ gã chồng cho con cháu hoặc mua cây ván tu bổ nhà cửa; còn ngày nay tiền bán lúa còn ướt ấy đâu có đứa nào giữ lâu trong túi đâu anh Hai. Sắp nhỏ vừa cầm tiền bạc triệu đó chưa nóng bàn tay thì phải chạy ra các vựa bán thuốc sâu rầy trả tiền mua các loại thuốc sâu, các loại phân bón còn thiếu chịu hồi mùa rồi, nên thấy lúa, thấy tiền mà hổng phải lúa, hổng phải tiền của mình anh Hai ơi! Cho nên, làm lúa riết, có khi tới ba bốn mùa, nên nước tháng Bảy âm lịch rồi mà rạch vẫn còn ròng sát lòng rạch là vậy!

Thế cho nên, đọc báo chí tui thấy nói miệt ruộng bên Đồng Tháp có nơi người ta đổi lúa, đổi cá để“cắt lúa nằm”, tui nghi quá anh Hai. Tui hổng rành bên Đồng Tháp nhưng miệt Kinh Xáng Bốn Tổng của tui, như tui có thưa với anh Hai ở đoạn thơ trên là lúa suốt ra hột còn tươi xanh, chưa kịp phơi cho khô ráo là bán liền để trả nợ mua thuốc sâu, mua phân bón còn thiếu chịu nên lúa đâu có dư mà đổi. Còn cá mú một phần đồng bị ngăn bờ ngăn đập làm ruộng tới mùa nước ngập mà đồng cứ còn khô rang thì làm gì có cá mà đổi ba cái vụ“cắt lúa nằm”;đó là tui chưa kể cá bị rà điện, bị các thứ thuốc sâu rầy tiêu diệt chết hết rồi, cá rô cam tích hổng có đủ cho đàn con nheo nhóc ăn hằng bữa lấy gì có cá lóc cá trê dư mà để đổi lấy ba cái đồ quỷ dịch ấy anh Hai. Vả lại, còn mấy đứa con gái nhà quê của mình nữa, trong đó có con cháu của anh và con cháu của tụi tui, đâu phải con cái nhà nào cũng có mầm ham tiền hư hỏng hết đâu mà hễ làm gì tầm bậy tầm bạ là cứ nói“con gái miền tây”, “con gái miến tây” mình ráo trọi thì có tức hông anh Hai.

Đành rằng chuyện hư hèn như bán trôn nuôi miệng mà các ông nhà báo kể ít nhiều gì thời nào cũng có, hổng nhiều thì ít,nhưng “mía sâu có lóng, nhà dột có nơi”(2), chứ quơ đũa cả đám“gái miền Tây, gái miền Tây” là cũng hổng được công bằng cho lắm, nếu không muốn nói là các ngài ký giả này nhằm câu độc giả nên bôi bác và bêu rếu đàn bà con gái quê miền Tây tụi tui hơi nhiều, thưa mấy ông nhà báo! Nên tui đề nghị xin các ngài ký giả nếu còn chút lương tâm, các ngài nên nghĩ lại và nên chọn câu, chọn chữ mà dùng sao cho thiệt là chính xác giùm mỗi khi các ngài muốn đề cập tới sinh hoạt của dân làng nơi các làng quê để cho bà con các làng quê miền Tây của tụi tui được nhờ vậy!

Cuối thơ, một lần nữa, vợ chồng tui cầu chúc anh chị vạn sự cát tường.

Nay kính thơ,
Hai Trầu

Cước chú:

1/ Cây gáo còn có tên là cây “huỳnh bá”, một loại cây lớn, gỗ màu vàng, chiều cao có khi tới 15 thước, lá hình trái tim hoặc hình tròn tròn, bông nở rất thơm, trái chua chua, ăn với muối ớt rất ngon, mọc vùng kinh rạch miền tây của mình rất nhiều.

2/ Nguyên văn câu tục ngữ này: “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”, nhưng dân quêbình dân miền Tây Nam Phần ít ai nói“đốt mía” mà thường nói “lóng mía, mắt mía; lóng tre, mắt tre; lóng tay”, nên ở trường hợp bàn về tính chính xác của các tên gọi như“mùa nước lên”hay “mùa nước ngập” thay vì“mùa nước nổi”, như“lùa trâu đi cầm” thay vì miệt dưới hay nói “len trâu”… như trong lá thơ này, nên người viết thử dùng chữ “lóng” thay cho chữ“đốt”,cũng cùng một loại từ:danh từ, cũng cùng một nghĩa:“từng đoạn có mắt ở hai đầu”, như một cách nói lại cho chính xác hơn, hợp lý hơn với cách nói của dân quê miền Tây thường nói, ngoài ra người viết không có ý sửa lại tục ngữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét