Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ CHĂM CHÂU ÐỐC
Ðo Rohiem

PNCDoc_1.jpg
Khách thập phương có dịp ghé qua 7 làng người Chăm nằm bên kia bờ Hậu giang thị xả Châu Ðốc, vùng Tây Nam đồng bằng sông Cửu long, thường đặc biệt lưu ý đến giới phụ nữ mà cuộc sống thường ngày có những đặc điểm khác lạ so với người phụ nữ Việt trong xã hội bao quanh. Có quan sát tìm hiểu cặn kẻ, người bên ngoài mới nhận ra chủ yếu là do nề nếp sống khép kín lâu đời, chịu ảnh hưởng và mang dấu ấn sâu đậm của nền văn hóa Chăm cổ xưa còn lưu lại chứng tích ở miền Trung Việt nam ngày nay và Hồi giáo chính thống (Islam) được du nhập từ bên kia trời Trung đông.
Về cội nguồn, người Chăm Châu Ðốc nguyên là hậu duệ của các nhóm quan quân và thần dân của Vương quốc Champa tức Chiêm Thành  với vị vua cuối cùng là Pô Chơn đã lánh nạn sang đất Campuchea, nhứt là vào thời kỳ Vua Minh Mạng triều Nguyễn có những biện pháp quyết liệt cuối cùng chấm dứt sự hiện tồn của vương triều Champa tại Panduranga là mảnh đất cuối cùng ở vùng tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận miền Trung Việt Nam ngày nay. Trong lịch sử, các nhóm quan quân và thần dân Chăm này đã can dự một bên vào các mối xung đột nội bộ trong hoàng cung Campuchea, đưa đến chổ lại phải chạy nạn xuống đến vùng đất Châu Ðốc, xoay sở được sung vào hàng ngủ quan quân triều đình nhà Nguyễn và được phép định cư tại đây.
Khu đền tháp Pô Nagar ngày nay tại Nha Trang hoàn toàn do người Việt quản nhiệm trông coi việc cúng kiến thờ phượng, thể hiện truyền thống tôn thờ Pô Nagar là một thần linh làm Tổ Mẫu theo cung cách thờ phượng của Ấn độ giáo, tạo dấu ấn trong tập tục dân gian dân tộc Chăm trong thời cổ nói chung nguyên đã giao phó cho người phụ nữ một vai trò trung tâm trong cấu trúc gia đình dòng tộc. Trong cấu trúc dòng tộc này,  người con gắi út được xã hội đương nhiên giao phó chức năng nối dõi tông đường, quản nhiệm tài sản hương hỏa dòng tộc.như hiện vẩn còn được duy trì trong xã hội người Chăm miền Trung Việt Nam. Trong hôn nhân, theo chế độ mẫu hệ, gia đình đàng gái đảm trách lễ tục dạm hỏi chồng cho con gái, người con trai sang sống với bên vợ và khi chết, tro cốt thiêu được mang về chôn bên cạnh mẹ. Theo các nhà nghiên cứu cổ học, tập tục thờ mẫu từ đền tháp Chăm Pô Nagar ở Nha Trang, qua tiếp cận văn hóa dân tộc, đã lan truyền ra miền Bắc, Pô Nagar đã được người Việt chuyển đổi thành Thiên Y Ana, trở thành Thánh Mẫu Chăm-Việt được tôn thờ ở Ðiện Hòn Chén, Huế. Tập tục thờ mẫu trong lịch sử đã lan truyền  hướng về Nam, đưa đến Chùa Bà Ðen ở Tây Ninh và cơ sở thờ tự Bà Chúa Xứ Núi Sam ở Châu Ðốc.
Từ cơ sở tôn thờ Bà Chúa Xứ Núi Sam kể trên hàng năm thu hút khoảng hai triệu khách thập phương đến dâng cúng và vay tiền làm ăn, như được mô tả trong số đặc san này,đáng lý cung cách thờ mẫu rất quen thuộc với người dân Chăm Châu đốc sanh sống trong 7 thôn ấp bên kia bờ Hậu giang ở cách đó chỉ khoảng hơn 6 cây số ngàn, nhưng nếu có dịp tiếp xúc dò hỏi thì hầu hết những người Chăm này thường tỏ ra  không biết gì hay cách xa né tránh  như không có một ý niệm gì về tập tục thờ mẫu này cả. Lý do chủ yếu được xác định là chính do mọi người Chăm ở đây đều theo Hồi giáo tức Islam, sinh hoạt tâm linh tôn thờ một Ðấng Tạo Hóa duy nhứt là Allah, thôn ấp được tổ chức như một giáo xứ, có thánh đường gọi làmasjid, có hệ thống chức sắc chuyên trách điều hướng hành đạo trên cơ sở Thiên kinh Qur’An được xem là Lời Phán Truyền của Ðấng Tạo Hóa Allah, lễ thức tôn thờ Allah của họ không có tượng thờ như lễ thức thờ Mẫu cổ xưa.
Ngoài ra, còn có yếu tố ngôn ngữ; trong cuộc sống thường ngày, người dân Chăm ở đây vẫn dùng tiếng Chăm để nói chuyện với nhau; trong những thập niên trước đây, chỉ có những người có giao dịch với người Việt trong xã hội bao quanh bên ngoài mới nói rành tiếng Việt và cho con em đi học trường phổ thông. Nói chung, mọi người đều e sợ con em biến thành người Việt và khi đã sống theo nếp sống Việt rồi thì sẽ dễ dàng ngã theo các việc mà Hồi Giáo luật nghiêm cấm gọi lả “haram” chẳng những mang tội phải sa vào Hỏa ngục ở Ðời sau (harây yang ađây) mà trong hiện tại, còn là một sĩ nhục cho gia đình dòng tộc bị thôn ấp công khai lên án không tiếc lời. Chẳng hạn như sa vào tội giao hợp  ngoài hôn nhân (zina), thói tục say sưa rưọu chè, ăn những thức ăn ngoài chợ có thịt mở heo, chó, mèo, v,v…tín lý Islam tuyệt đối nghiêm cấm.
Bối cảnh văn hóa kể trên từ thuở được định cư tại địa phương đã hình thành một nề nếp truyền thống sống khép kín, riêng đối với phụ nữ thì càng có tác dụng ràng buộc chặt chẽ hơn nhứt là trong cách đi đứng, giao tiếp, người phụ nữ Chăm Châu Ðốc tham gia sinh hoạt công cộng hoàn toàn không chung đụng với nam giới. Theo tập tục, ngôi nhà được chia làm hai gian, gian bên trong dành cho nữ giới, gian bên ngoài dành cho nam giới và cả trong các buổi lễ nguyện tập thể tại các thánh đường, cũng có một khoảng không gian riêng biệt dành cho nữ giới.  Do đó, khi có khách bên ngoài là một đôi vợ chồng đến thăm, thì đàn bà ngồi tiếp chuyện riêng với đàn bà ở gian nhà trong, còn các ông thì ngồi riêng. ở gian nhà ngoài.
Trước năm 1975, do các thôn ấp Chăm Châu Ðốc hầu hết nằm dọc theo ven sông, rạch, lại là vùng hàng năm đều có mùa nước lên (nay gọi là mùa lũ), mực nước dâng cao  có khi đến hơn hai thước do lượng nước từ trên vùng Biển Hồ, Campuchea đổ xuống,  nên nhà cửa kiến trúc theo kiểu nhà sàn và mỗi nhà giới khá giả nhìn ra bờ sông đều có một nhà cầu bé nhỏ nhưng vẫn có hai mái lợp tôn trông khá xinh xắn bên dưới có kết chặt hai cái bè thả nổi bằng các  ống tre tạo cân bằng, phía day ra sông có lót tấm ván tạo một mặt bằng nhỏ để giặt giụa. Các nhà cầu nằm dọc theo sông rạch này tạo thành khu vực cấm địa vào chạng vạng tối được điểm bằng hồi trống từ thánh đường nhắc nhở kêu gọi người dân trong xóm đến dâng lễ nguyện tập thể magrib. Giới đàn ông con trai không được bén mãn bờ sông vào giờ này, để dành cho giới phụ nữ xuống mé sông tắm giặt. hoặc múc nước đựng trong những chiếc om (buk) cổ truyền, mang lên nhà trên bờ đổ vào các khạp, lu chứa nước dùng sinh hoạt  hàng ngày cho gia đình. Theo mục tiêu bảo vệ vệ sinh môi trường, tất cả các nhà cầu tí hon truyền thống kể trên, vào những năm gần đây, đã bị dẹp bỏ hết, nhưng vì thiếu nghiên cứu trù liệu giải pháp thay thế thích hợp liền ngay tức thì, một thời gian, đã gây xáo trộn không ít trong sinh hoạt gia đình bình thường của người dân Chăm Châu Ðốc, chấm dứt một tập tục lâu đời quen thuộc của giới phụ nữ theo phân công xã hội. Chỉ đến khi có điều kiện phổ biến kỹ thuật xây cầu tiêu và đưa hệ thống các ống cung ứng nước sinh hoạt đến tận trong nhà, thì mới tương đối trở lại bình thướng. Tuy nhiên, thực tế, không phải gia đình nào cũng có đủ tiền để mua ống nước hoặc xây cầu trong nhà, nên mối thiệt thòi vẫn còn là của giới nữ phải gánh chịu.
PNCDoc_2.jpg
Bối cảnh sinh hoạt khép kín kể trên cho thấy người phụ nữ thu mình trong vòng bốn vách nhà sàn, chuyên trách một nghề thích hợp nhứt là nghề dêt vải sử dụng những khung dệt cổ truyền làm ra những mẩu chăn mặc cho đàn ông gọi là chăn Sà rong, chăn mặc cho phụ nữ gọi là khanh kăk, khanh ranưngkhanh jih,…những chiếc khăn choàng tắm, khăn đội đầukhanh ma-om, v.v…cung ứng cho nhu cầu nội bộ hoặc bán ra ngoài thị trường. Lần hồi, qua thời gian, các khung dệt cổ truyền này đã được thay thế bằng các khung dệt máy tân tiến hơn.
Vì sống trong khu vực không đủ đất canh tác cho mọi người, nên chỉ một số nhỏ người dân Chăm Châu đốc chuyên về nông nghiệp trong những thửa ruộng nhỏ hẹp sau hè; đa số giới đàn ông thì trong quá khứ, có khi cả làng chuyên nghề chài lưới, cụ thể như ở La Ma, trong dân gian gọi là Pulao Ba, thuộc xã Vỉnh Trường nổi tiếng với chiếc ghe ngo trong những thập niên trước đây, bao gồm những tay chèo thiện nghệ (chèo chớ không phải bơi) hầu như luôn luôn thắng giải nhứt trong các lễ hội đua ghe hàng năm, một sinh hoạt văn hóa xưa cũ của người Chăm Châu Ðốc.nay không còn nữa Người dân Pulao Ba chuyên về nghề chài cá, đặc biệt là chài rà sử dụng chiếc chài lớn hơn chài bình thường hoặc đi nèm sử dụng một chiếc lưới mắt lưới rộng cả tấc, thả ghe trôi dọc theo dòng sông lớn chuyên bắt những con cá to thân dài có khi đến hơn một thước như cá hô chẳng hạn, thỉnh thoảng ghé qua các xóm làng ven sông tạo cơ hội tiếp xúc với người Việt,vượt qua vòng đai khép kín cố hửu của cuộc sống..
 Những năm trước đây, một số người đàn ông Chăm khác có chút vốn liếng, không làm nghề chài lưới đã sắm những chiếc ghe lớn có mui theo từng nhóm vài người cùng nhau thu mua một số hàng gia dụng rồi chèo chở đi dọc theo các sông rạch, ghé qua các thị trấn hoặc làng mạc hẻo lánh bán lẻ cho dân cư địa phương. Mỗi chuyến diễn ra hàng tháng trời, khi chèo ghe về thì có khi chở đầy ắp lúa gạo, các sản phẩm nông nghiệp đã trao đổi theo thể thức hàng đổi hàng, mang về tiêu thụ tại địa phương, để lấy lại vốn cho chuyến đi khác. Những chuyến đi xa làm ăn này không phải chỉ bằng ghe mà còn theo thể thức quảy hàng trên vai chủ yếu là hàng vải, mang đi rao bán tận các góc trời hẻo lánh khắp vùng đồng bằng sông Cửu long. Do nhu cầu sanh sống, địa bàn đi rao bán hàng dạo này có chiều hướng mở rộng có khi đến tận các địa phương Bắc Việt nam xa xôi, người chồng vắng nhà dài hạn, để lại vợ con phải lo quán xuyến gia đình con cái tại quê nhà. Nhìn kỷ, sự kiện này chứng tỏ tài đảm đang của người phụ nữ Chăm Châu Đốc trong cuộc sống xã hội, một phần nào đã xua tan thành kiến, qua thân trạng khép kín áp đặt được nhận ra từ bên ngoài cứ mặc nhiên cho rằng người phụ nữ Chăm Châu đốc tuyệt đối lệ thuộc vào chồng con trên cơ sở chế độ phu hệ của Hồi giáo.
Xem xét lại, suy luận từ bên ngoài kể trên rõ ràng sai lệch là do bởi vô tình bị ám ảnh bởi yếu tố ảnh hưởng của Hồi giáo mà qua truyền thông Tây phương, dựa vào những chứng liệu thu thập ở Trung Ðông,với rất nhiều thành kiến, liệt người phụ nữ Muslim vào thân phận thứ yếu đối với nam giới. Thực tế, người Chăm Châu Ðốc cũng như người A Rạp Trung Ðông đều theo Hồi Giáo, cùng tin và tôn thờ một Thượng Ðế Allah Toàn tri Toàn năng và duy nhứt, nhưng có một sự thật phải được xác định, không ai có thể chối cải là người Chăm Châu Ðốc không phải là người A RạpCùng một tôn giáo, nhưng khác về cội nguồn dân tộc, về lịch sử dân tộc, về ngôn ngữ thông dụng, nói chung, trên căn bản, người Chăm Châu Ðốc có một nền văn hóa truyền thống đã phát triển trong khung địa lý vùng sông nước Châu Ðốc không phải là vùng sa mạc A Rạp Trung Ðông. Do đó, mọi suy luận hoặc khẳng định vội vàng về mặt này chắc chắn sẽ sai lệch, cần chấn chỉnh.
Trong bối cảnh kể trên, và trở lại vấn đề thân trạng người phụ nữ Chăm Châu Ðốc, các nhà nghiên cứu chịu bỏ công sức và thời giờ thiết thực đi vào các công trình quan sát thực địa có hệ thống, tổ chức tìm hiểu cân kẽ thì sẽ nhận ra những sự thật thường được che phủ đối với thế giới bên ngoài, liên hệ đến thực quyền của người phụ nũ Chăm Châu Ðốc trong gia đình, có những điểm khác biệt với cuộc sống văn hóa của người Việt.  Trên căn bản, trước hết, người ta cần lưu ý đến hiện tượng phân công tự nhiên “ người đàn ông chăm lo cuộc sống giao lưu bên ngoài” – “người phụ nữ quán xuyến việc nhà con cái bên trong”.trong cộng đồng người Chăm Châu đốc Nguyên tắc phân công này hiện có như là một thỏa hiệp đương nhiên từ ngày hôn lễ, chàng rể được họ hàng nhà trai trang trọng giữa tiếng takơ hợp ca cộng đồng rập ràng theo lễ tục truyền thống đưa về bên đàng gái, để chú rể cam kết với cha vợ hoặc người waly đứng ra chủ trì lễ gả gọi là qubol, chánh thức chịu nhận cô dâu làm vợ trước sự hiện diện của hai chứng nhân và bà con trong thôn ấp cùng lắng nghe bài thuyết giảngKhutbah nhắc nhở nghĩa vụ vợ chồng chăm sóc nhau trọn đời.
Sau lễ gả có thể là tại nhà hoặc là ở thánh đường, chàng rể được hướng dẩn đến phòng bên trong nhà đàng gái được trang hoàng rực rỡ theo tập tục, cô dâu mặc trang phục cổ truyền, được các bà cụ nhắc nhở ngồi nhắm nghiền đôi mắt đến khi chú rể được dẩn đến đứng trước mặt, được bạn bè bao quanh khuyến khích đưa ngón tay trỏ chỉ vào vầng trán cô dâu,  biểu tỏ uy quyền người chồng trước khi được sắp xếp lên ngồi bên cạnh cô dâu, cùng đưa hai tay Amin kính cẩn đáp ứng bài kinh cầu do một vị bô lão đọc.
Thành vợ thành chồng qua đêm tân hôn trải qua một số lễ thức khá ly kỳ không đủ chổ để kể hết ở đây, chàng rể sống bên nhà vợ, cặp vợ chồng mới thường được dành cho một gian riêng biệt trong ngôi nhà lớn, tạo thành một tiểu gia đình, thường tự túc với sự trợ giúp buổi đầu của cha mẹ vợ, từ đó, vợ chồng cùng chung sức làm ăn cho đến khi dành dụm tiền cất được một ngôi nhà thì mới dọn ra riêng. Do đó, trong xã hội người Chăm Châu đốc, không có tục làm dâu bên nhà chồng như trong nhiều gia đình người Việt, Và đặc biệt, cũng không có tục ở rể gắn chặt vào trong cấu trúc đại gia đình vợ như người Chăm miền Trung. Và cũng do đó, nhà cửa của người Chăm Châu đốc là những ngôi nhà sàn thường được cất san sát nhau hai bên con lộ chính của thôn ấp, chính là do nẩy ra nhu cầu cất nhà riêng cho các cặp vợ chồng mới này.
Khi đề cập đến nữ giới, không thể bỏ qua cung cách ăn mặc và phong cách đi đứng với tính cách là người nữ Muslim tức Hồi Giáo được báo chí và truyền thông quốc tế đặc biệt quan tâm khai thác thời gian gần đây,nhứt là chiếc khăn đội trùm đầu còn có chiếc mạng che kín gương mặt chỉ chừa hai lổ nhỏ cho đôi mắt, nhìn từ xa con người tựa hồ như một bóng ma, nhiều người cứ cho là lối ăn mặc do Hồi giáo quy định. Sự thật, không phải vậy.
Tín lý Islam qua Thiên kinh Qur’An, không quy định một mẫu y phục chung cho người nữ Muslim mà chỉ ghi haram(nghiêm cấm) mặc quần áo không che phủ toàn thân và trong suốt, làm lộ liễu da thịt bên dưới. Theo Hồi giáo, cũng harammặc chăn áo chật chội, bó sát người, làm nổi bật các đường cong, eo, của thân thể, nhứt là các phần hấp dẩn tình dục.
Ứng dụng các tín lý này, người phụ nữ Muslim trên thế giới có trang phục chung và riêng phụ nữ Chăm Châu đốc, là lễ phục màu trắng gọi là makhna được mặc nhân các chuyến đi hành hương ở Thánh địa Makkah, nước A Rạp Sau Ði và trong những buổi lễ nguyện (sambahyăng) thường ngày. Còn trong cuộc sống bình thương thì mổi dân tộc, mổi địa phương, đều có lối ăn mặc riêng của mình. Chiếc khăn đội đầu hijab, niqab của người phụ nữ A Rạp Trung Ðông, mang dấu ấn và xuất phát từ nhu cầu của vùng đất sa mạc bảo cát cần che phủ toàn than kể cả mặt mày. Riêng người phụ nữ Chăm Châu Ðốc có lối ăn mặc riêng của mình khác hẳn lề lối ăn mặc của người phụ nữ A Rạp Trung Ðông; cụ thể, như chiếc khăn đội đầu gọi là khanh ma-om chẳng hạn, theo tập tục, là chiếc khăn mỏng được người phụ nữ Chăm Châu đốc đội luôn luôn để hai vạt thoải mái thòng xuống từ hai bên má đến ngang hàng thắt lưng, biểu tỏ tính nghiêm túc và kín đáo khi đi ra ngoài hoặc tiếp khách trong nhà. Khi cần thiết, nhứt là khi muốn được dễ dàng xoay trở trong việc làm, thì phần hai vạt bỏ thòng xuống được vén lên hai bên đầu cho được gọn gàng. Ngoài ra, khi có dịp xuất hiện trong các buổi tiếp xúc ngoài xã hội, và để đạt nét đẹp duyên dáng hơn thì người phụ nữ Chăm Châu đốc mới diện thêm một khăn săl có viền thêu bó sát quanh đầu bên dưới chiếc khăn đội ma-om.
Tập tục đội khăn, về khăn đội đầu kể trên mang tính quy chuẩn đạt sự trân quý và tôn kính lý tưởng của cộng đồng. Trên thực tế,qua các thôn ấp Chăm Châu đốc hiện nay, lác đác người ta có thể gặp một số phụ nữ không đội khăn ngoài đường hoặc do thân phận nghèo khó cũng có, hoặc theo khuynh hướng buông thà do thời cuộc những năm gần đây nhứt là trong giới phụ nữ trẻ, không nhiều lắm, nhắm vào một vài giá trị văn hóa không ràng buộc, không ở trong tầm tay bên ngoài, hẳn nhiên đã khiến gia đình phải gánh chịu những lời phẩm bình tai tiếng không tốt của thôn ấp. Những tai tiếng này là lẻ đuơng nhiên trong một cộng đồng dân tộc đang biến đôi theo tiến trình phát triển, tạo điều kiện cho người phụ nữ thoát khỏi vòng khép kín của thôn ấp, vì miếng cơm manh áo, nhưng cũng có thể vì điều kiện mở ra để tham gia nền giáo dục trường lớp phổ thông cần thiết cho tương lai trong xã hội bao quanh..
Nói đến trang phục của người phụ nữ Chăm Châu Ðốc, ngoài cái chăn mặc,(ngoài Bắc còn gọi là váy ) vấn quanh người, che phủ từ lưng xuống đến gót chân, không ai có thể bỏ qua không nhắc đến chiếc áo dài ao tah truyền thống, qua thời gianvẩn là mẩu áo dài người phụ nữ Chăm ngoài Trung, khác với chiếc áo dài Việt ở chổ không xẻ vạt, khi mặc phải.cho hai cánh tay vào tay áo và trùm từ trên đầu xuống cho xuôi theo thân người. Mẩu áo dài phụ nữ Chăm Châu đốc ngày nay khác với mẩu áo dài phụ nữ Chăm miền Trung ở cái cổ. Áo dài Chăm miền Trung thường khoét cổ hình tròn hoặc hình trái tim và hai bên hông thường có hai đường mở với hàng khuy bấm hoặc nút bấm dính khi mặc sát eo hông. Trái lại. áo dài phụ nữ Chăm Châu đốc không có đường mở này, và cổ áo được may che kín theo kiểu cổ đứng. có một hàng nút gài trên một đường viền ngắn tiện cho việc mặc và cởi áo.
Theo những điều trình bày trên, cộng đồng người Chăm Châu Ðốc đang ở  trong giai đoạn giao thời nằm giữa chế độ mẫu hệ gốc nguồn văn hóa dân tộc Chăm chuyển qua chế độ phụ hệ trong khung tín lýIslam. Trong giai đoạn giao thời đó, cộng đồng người Chăm Châu Ðốc đang có những đổi thay cần thiết để tự tồn trên cơ sở căn sắc tính dân tộc Chăm cố hửu của mình theo hướng hội nhập vào dòng chính lưu của xã hội Việt nam bao quanh. Ðạt đến nhận định căn bản này, người tìm hiểu sẽ giải tỏa được các khuynh hướng đánh giá tiêu cực chủ quan thiên lệch một chiều không đóng góp hửu ích gì cho tương lai phát triển bền vững lâu dài của người phụ nữ Chăm Châu đốc nói riêng và cộng đồng người Chăm Châu đốc nói chung.
Ðo RoHiêm
Nam California
1 Tháng 6 năm 2011
    



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét