Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Lá Thư Từ Kinh Xáng

Kinh xáng Bốn Tổng ngày 03 tháng 04 năm 2012

Kính thăm anh chị Hai An Phú,


Lần theo thứ tự các câu chuyện thật ngắn qua các vật dụng trong nhà, qua các cách kiếm cá kiếm cua, qua các món ăn nơi đồng nội biết cơ man nào kể cho xiết vậy mà anh Hai đã cố gắng thu gọn lại thật là ngắn hết cỡ nói nhằm làm cho các bạn trẻ hiểu, quả là một công trình lớn lao mà anh đã nghĩ ra và dày công ghi chép lại.

Nên người xưa thường hay nói “văn hay chẳng nệ đặt dài”, rất thích hợp với tập truyện cực ngắn này của anh Hai vậy! Thiệt tình thưa với anh Hai là tui rất mê phần Bắt Hôi” trong sách và tui đọc đi đọc lại nhiều lần trang này :

“Đìa là một chỗ đất trũng như cái hố lớn, sâu trên dưới hai mét, rộng bằng ba bốn chiếc chiếu trãi, dùng để nuôi cá. Châu Đốc là vùng nước ngập và có nhiều cá tôm. Khi nước ngập tràn bờ, cá tôm theo nước vào đìa. Đến khi nước rút từ từ, cá tôm vẫn tiếp tục sống trong đìa và sanh sản tại đó.

Khi thấy trong đìa có nhiều cá tôm lớn, chủ đìa dùng gàu để múc nước làm cạn đìa, gọi là tát đìa. Khi đìa đã cạn nước, chủ đìa bắt cá tôm bằng vợt hoặc bằng cái nôm.

Sau khi chủ đìa bắt cá tôm xong, sẽ cho phép ai muốn mót cá thì mót. Bắt mót cá đìa gọi là bắt hôi.

Thằng Mập thích rủ bạn bè đi bắt hôi, nhiều khi nó bắt được những con cá rất lớn. Mặt mày nó tèm lem đem cá về khoe với mẹ và các chị của nó như là một kỳ công.”

Rồi tui mới nghĩ, chắc đìa trên An Phú của anh Hai nó có hơi khác hơn đìa dưới kinh xáng Bốn Tổng của tui, nên tui xin kể qua sơ sơ để anh Hai coi chơi cho vui.

Thưa anh chị Hai,

Đìa miệt Mặc Cần Dưng (Long Xuyên), Phú Hòa, Định Mỹ, Ba Bần, Kinh xáng Bốn Tổng (Núi Sập), Cầu Số Năm (Tri Tôn), Tân Bình (Lấp Vò) và nhiều cánh đồng các vùng quê khác, ngày xưa người ta làm ruộng có nhiều vạt đất lung nước không rút đi đâu được nên ruộng mỗi lần tới mùa mưa xuống là lúa bị chìm, tức là lúa các chỗ trũng ấy ngập rất sâu và bị chìm dưới nước không cất đầu lên nổi. Để tránh tình trạng lúa chìm này, nhà nông mới nghĩ cách đào mương dẫn nước thoát xuống kinh rạch. Những mương này gọi là mương phèn vì nó vừa làm cho lung bớt ngập và vừa làm cho đất nơi ấy ráo bớt chất phèn.

Tuy vậy, có mương thì có, nhưng nước trên lung nhiều khi không rút ra hết được, nên lung vẫn còn đọng lại một ít nước sâu cạn tuỳ theo mương phèn có thông nhiều hoặc chưa thông . Thành ra nông dân mới nghĩ ra cách đào đìa nơi các lung vũng ấy. Do vậy mục đích trước nhứt của việc đào đìa là làm chỗ chứa nước trên lung cho sâu để khi có mưa là nước trên lung  ngoài một số thoát ra mương phèn và một số không thoát được thì sẽ rút xuống đìa.

Thừ đến, vào tháng nước giựt, ba bên bốn bề các cánh đồng sắp sửa khô và khi ba bên bốn bề đều cao ráo, chỉ có đìa và lung là chỗ có nước sâu, nên các loài cá tôm, nhứt là các loài cá đen vốn mê đồng bèn rủ nhau  dồn về lung vũng và xuống đìa.

Về hình dáng của cái đìa, thường người ta đào theo hình chữ nhựt, miệng bát, tức trên miệng thì rộng, dưới đáy đìa túm lại, chẳng hạn bề ngang trên miệng là 5 thước, bề ngang dưới đáy đìa còn lại 3 thước. Đào đìa miệng bát như vậy có mục đích làm cho đìa khi vào mùa mưa đất không bị chạy chuồi xuống làm lấp cạn đáy đìa.

Về kích thước thì tùy đất rộng hay hẹp mà đào đìa lớn hoặc nhỏ. Lớn thì đìa có thể ngang 6 thước, dài chừng 10 thước hoặc; nhỏ thì ngang chừng 4 thước, dài khoảng 8 thước. Dù đìa lớn nhỏ gì thì bề sâu cũng phải từ 2 thước tới 2 thước rưỡi là ít. Vì đìa sâu cá mới dạn ở và dĩ nhiên cá ở nhiều hơn đìa cạn. Ngoài ra, đìa nào cũng có sòng tát và đuôi đìa. Sòng tát thì hơi sâu, chỗ múc nước hơi rộng cho tiện việc múc nước bằng gàu vai đổ ra ngoài vừa thoải mái vừa không trở ngại; đuôi đìa thì hơi cạn hơn chỗ sòng  tát nhằm cho nước dễ dồn về miệng đìa cho dễ tát cạn nước.

Tát đìa, như anh Hai kể bên trên là đúng rồi, dùng gàu múc nước như câu ca dao:

“Người đồn giếng đá thì trong,
Nghiêng gàu sẽ múc dò lòng cạn sâu.”

Và gàu dùng trong việc tát đìa là gàu dai như câu ca dao sau đây:

“Ruộng cao đóng một gàu dai,
Ruộng thấp thì phải đóng hai gàu sòng.”

Do trong đời sống nơi các vùng quê có nhiều loại gàu, nên mới phân biệt ra gàu dai và gàu sòng như vậy cho hợp với mỗi địa thề mà dùng. Ngoài hai loại gàu vừa kể còn có thêm gàu mo cau, gàu nan đan bằng nan tre, gàu tay dùng tay mà múc nước không có cán như gàu sòng, không có dây như gàu vai, gàu vác hay gàu vảy, tức loại gàu có lòng trẹt cán dài, người ta chỉ đứng trên mé mương múc nước vào gàu và vảy nước mương lên tưới cây cối hoặc rau, cải. Ngoài ra, còn có gàu xà-nách là loại gàu chằm bằng lá dừa nước cũng tiện lợi trong việc múc nước khi cần.

Thưa anh Hai,

Có lẽ cũng quan trọng không kém là việc “bắt hôi” trên An Phú của anh và việc “bắt hôi” của miệt tui dưới này có phần khác nhau chút ít. Trên anh người ta bắt cá tát đìa bằng vợt bằng nôm, như anh kể, dưới tui bắt cá khi đìa cạn bằng tay chứ không dùng vợt, dùng nôm gì. Khi đìa tát cạn, mọi người cơm nước chuẩn bị sẵn sàng giỏ, thùng đựng cá. Thế là năm bảy người tát đìa hôm đó hè nhau xuống căng hàng ngang vừa giáp tay nhau nhằm mục đích khi mò bắt cá trong bùn cá không bị sót. Khi mó bắt cá như vậy hai bàn tay lúc đầu mò lướt qua trên mặt bùn và sau đó mò dưới mặt bùn một chút nhằm bắt cá rô, cá sặt trước vì cá rô cá sặt không chúi sâu trong bùn. Tiếp sau đó, hai tay mò sâu trong bùn cho tới khi tay bàn tay chạm vào đất cừng dưới đáy đìa nhằm mò tìm bắt cá lóc, cá trê  
 chúi sâu dưới bùn. Bắt cá bằng cách dùng hai bàn tay mò trong bùn như vậy dù tay giáp tay nhưng cá nhỏ vẫn còn sót vì cá trốn trong bùn không cách nào mò bắt cho hết. Đó là chưa kể nhiều khi cá lớn cũng còn sót,  nên mới có cảnh “bắt hôi” cá như anh Hai đã kể.

Thưa anh chị Hai,

Trót đã kể, thôi kể luôn cho vui về công việc bắt hôi này. Thành phần tham dự việc bắt hôi trong các vụ tát mương, tát đìa, làm lóng mà tui có nhắc trong Mùa Màng Ngày Cũ, nay xin nhắc lại, thường thường là trẻ con nhà quê bắt hôi chiếm đa số; người lớn cũng có nhưng rất ít, vì như anh Hai đã từng trải qua các mùa này nhiều rồi, chắc anh còn nhớ, giữa chủ đìa và người bắt hôi là hai thành phần khác biệt dù cùng bắt cá dưới đìa giữa trời nắng gay gắt trên đầu. Chủ thì bao giờ cũng muốn bắt cho hết cá dưới đìa; còn người bắt hôi bao giờ cũng muốn bắt cá sót cho thiệt nhiều, nhưng cá làm sao sót nhiều được khi chủ đìa cho người căng hàng ngang khít tay và mò kỹ như vậy, nên người bắt hôi có khuynh hướng thò tay sâu về phía trước chỗ chủ đìa chưa mò cá xong và dĩ nhiên các trẻ nhỏ đi bắt hôi thường bị chủ đìa là rầy. Do vậy, vì tự trọng, không muốn bị người ta la rầy như vậy , nên người lớn ít đi bắt hôi các đìa mương là vậy! Trường hợp muốn bắt hôi cá sót, người lớn thường đi tìm những đìa tát rồi hai ba ngày trước, khi người ta bắt đâu đó xong xuôi hết rồi, mình mới xách giỏ, xách thùng lại móc đất đắp đập chận ngang  cái đìa đã tát rồi, rồi tát nước bên này qua bên kia và bắt cá sót.
Có người cho làm như vậy thì hơi cực, nên họ chờ khi chủ đìa bắt cá đâu đó xong xuôi thì họ mới tới quan sát mấy con cá còn sót bị ngộp vừa trồi đầu lên khỏi mặt bùn để thở và học mò xuống đìa lượm mấy con cá này bỏ vô giỏ. Có khi ngồi một hồi như vậy mà cá cũng được khá bộn.  Làm như vậy hơi cực nhưng trong bụng rất vui với số cá sót mình vừa bắt được vì mình thể hiện được tính ngay thẳng, không bon chen và dĩ nhiên không thể bị ai nặng nhẹ mình chỉ vì ba con cá sót!

Bắt hôi như anh kể, có được nhiều cá thì mừng, nhưng nhớ lại nhiều khi cũng chảy nước mắt vì nhà nghèo không có đìa nên phải chịu cảnh bắt hôi giữa những ngày nắng chang trên đồng vắng! Phải vậy hông, thưa anh Hai?

Thưa anh chị Hai,

Tui mạo muội viết vội cho anh chị năm ba hang này để biết cùng một công việc đồng áng ruộng nương nhưng có chỗ khác nhau chút ít của mỗi nơi là vậy, nếu có gì không phải, mong anh chị bỏ lỗi cho . Kính chúc anh chị vạn sự như như ý .

Nay kính thư,
Hai Trầu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét