TỪ MỘT THÔN ẤP CHĂM
KHÉP KÍN
Trích từ "Bangsa Champa: Tìm về với cội nguồn cách xa"
Dohamide và Dorohiêm
Người viết sanh ra và lớn lên ở một vùng đất mới, vùng châu thổ sông Cửu long, vùng đất Thủy Chân Lạp thời cổ, ở Tây Nam Nam Phần Việt Nam, xa cách với các khu di tích lịch sử truyền thống dân tộc Champa ở miền duyên hải Trung Phần Việt Nam ngày nay. Ngôi làng sanh quán của chúng tôi có tên khác lạ đối với ngôn ngữ Việt: làng Koh Ta boong, được sách Việt ghi là Cỏ Đầm Bôn, từ thời Pháp thuộc xác định trên các văn kiện hành chánh là KaTamBong. Dịch theo tiếng Chăm, Koh có nghĩa là cồn, là cù lao, còn Ta-boong thì là cây gậy, ngụ ý hình dáng của cù lao này giống như một cây gậy.
Toàn hạ lưu châu thổ sông Cửu Long ở miền Tây Nam Nam Phần Việt Nam là vùng đất bồi do phù sa từ vùng Biển hồ trên đất Kampuchea trôi xuống, hàng năm đều có trải qua mùa nước nổi (mùa lũ lụt), cho nên dòng chảy của sông Cửu Long đều thay đổi theo thời gian, hai bên bờ thường diễn ra hiện tượng bên lỡõ bên bồi. Koh Ta-boong đã hình thành từ một cồn cát nhô lên dọc theo một bên bờ Hậu giang, được vun bồi lần hồi thành một cù lao, không dính mà lại ngăn cách với đất liền bằng một con rạch. Cù lao nằm dọc theo bên kia bờ đất liền, dài khoảng chừng sáu cây số ngàn, sánh như cây gậy, tiếng Chăm gọi là Ta-boong, cho thấy tính tạm bợ của một vùng đất mới hình thành.
Vào thập niên 1940, thời thuộc Pháp, hệ thống giao thông bằng đường bộ chưa được mở mang như sau này, con tàu “sà-lúp” chạy bằng hơi nước, kéo những chiếc ghe chài (địa phương gọi là ghe chành) đầy ắp hàng hóa từ Saigon về vẫn dùng con rạch này để tạm tránh những dòng nước chảy siết bên ngoài sông cái. Ở độ tuổi niên thiếu, mỗi khi nghe còi tàu văng vẳng từ xa, chúng tôi thường hối hả cùng các bạn trẻ đồng lứa tuổi ù chạy ra bờ sông, cùng ngắm nhìn đoàn ghe tàu chạy qua như là một biến cố đến từ một thế giới xa lạ. Hấp dẫn nhứt là ban đêm, mỗi khi chiếc tàu dòng đứng một chỗ vì nước chảy quá mạnh, phải bỏ thêm củi vào lò. Trên ống khói, thình lình phụt lên những luồng bụi than đỏ ửng, cả bọn trẻ tái mặt giựt mình, nhưng liền đó lại thích thú vỗ tay reo hò vang dội. Trong phút chốc, đoàn ghe tàu lại mất hút ra ngoài vàm, trả lại sự yên tĩnh cho thôn ấp.
Ngôi nhà sàn của song thân, nhìn từ bên kia sông, sau rặng tre xanh và lùm cây điên điển.(H. 1)
|
Từ bên này bờ sông nhìn sang bên kia, không xa lắm, chỉ vào khoảng 50 thước là cùng, tiếng trẻ em vui đùa vẫn vọng mồn một sang bên này bờ, nhưng thưcï tế là hai thế giới khác biệt. Thật vậy, nhà cửa bên kia sông, thường đắp nền cao rồi dựng cột và vách lên, bên trong nhà có bàn thờ tổ tiên, bày biện bàn ghế, giường ngủ có chân cao. Hầu như trước nhà nào cũng đều có một bàn thờ nhỏ gọn gọi là “bàn ông Thiên” buổi chiều khói hương nghi ngút. Bên này sông, trái lại, nhà nhà đều có sàn; cột thường bằng cây nguyên bào nhẵn, cao khỏi đầu người, mặt tiền nhà nào cũng có một cái thang rắn chắc bằng gỗ, và bên trong nhà hầu như không có bàn ghế, nên khi khách đến nhà thì chủ nhà thường trải chiếc chiếu hoặc tấm thảm, để chủ khách cùng ngồi xếp bằng trên sàn gỗ. Nhà cửa cất phần lớn sát vào nhau, cả làng hầu như không có nhà nào trồng rau quả, vườn tược, nhứt là vườn trầu xanh tươi như bên kia bờ
Người dân bên nây bờ thường vận chăn sà-rong vấn quanh mình, dài đến gót chân, bình thường gọi người dân bên đất liền là yuôn, và ngược lại, những người yuôn này lại gọi người dân bên cù lao là Chàm, có khi là Chà, và khi có chút gì không bằng lòng nhau thì gọi là...Chà và. Người dân bên cù lao sống bao quanh chúng tôi tự gọi mình là người Chăm, trong sanh hoạt hằng ngày, sử dụng một ngôn ngữ riêng không phải tiếng Việt mà là tiếng Chăm.
Vào thập niên 1940, thời thuộc Pháp, xã hội người Chăm ở Koh Taboong sống còn rất khép kín, nên chỉ một số ít người có giao dịch với bên ngoài mới nói và hiểu được chút ít tiếng Việt. Do thiếu giao lưu về văn hóa và xã hội, giữa người Chăm bên này bờ và người Yuôn bên kia bờ rạch, đều có một số thành kiến với nhau về một số mặt thực tế trong sanh hoạt hằng ngày.
Cụ thể, người Yuôn dùng đủa ăn cơm thì bị người Chăm chê là Đấng Tạo hóa (Allah) đã tạo ra bàn tay cho con người sử dụng, thì tại sao lại đi dùng hai chiếc đủa để gắp đồ ăn được xem là rizki, tức ân phước của Đấng Tạo Hóa ban cho như vậy? Ngược lại, người Yuôn lại tỏ ra gớm nhờm tập tục ăn bốc của người Chăm, có vẻ như không mấy hợp vệ sanh. Mãi về sau này, tôi mới được rõ, người Yuôn và người Chăm thuộc hai nền văn minh khác biệt, một bên là nền văn minh đôi đủa, và một bên là nền văn minh ăn bốc, mỗi nền văn minh bao trùm một số dân tộc sanh sống trên một vùng bao rộng của trái đất. Có đi sâu tìm hiểu thì mới biết tập tục ăn bốc là tập tục chung của người A Rạp, người Thổ, người Ấn Độ, người Mã Lai, người Nam Dương, v.v... đòi hỏi cả một kỹ thuật, tạo thành thói quen từ hồi còn bé thơ, trước và sau khi ăn, phải rửa tay, chỉ sử dụng ba ngón giữa và ngón cái của bàn tay mặt để đưa cơm vào miệng, trong khi bàn tay trái chỉ để cầm những gì dơ bẩn.
Cả làng từ đầu vàm trở vào, đều chỉ có khoảng một ngàn ngôi nhà người Chăm cất san sát nhau hai bên đường, và đến cuối làng mới có nhà người Việt. Toàn bộ thế giới thời thơ trẻ của chúng tôi hầu như được hoàn toàn gói ghém trong ngôi làng bình dị này.
Ông thân sanh chúng tôi là giáo viên duy nhứt trường tiểu học phổ thông trong làng Chăm này nên một mình phải phụ trách luôn cả ba lớp một, hai và ba [vào thời đó, gọi là lớp đồng ấu (cours enfantin), lớp dự bị (cours préparatoire) và lớp sơ đẳng (cours élémentaire)]; sau đó, muốn tiếp tục học thì học sinh phải lên trường tỉnh cách làng khoảng bốn cây số. Trong số học sinh đến trường, dĩ nhiên chỉ học Pháp văn, có một số học sinh người Việt, cho nên trong các trò chơi ngoài lớp, chúng tôi có dịp học và nói bập bẹ tiếng Việt, một thứ tiếng Việt thường được diễn dịch theo từng chữ tiếng Chăm, chẳng hạn, chúng tôi nói “tắm nước” thay vì “tắm”, “đứt tim” thay vì “gan dạ”..., các bạn học người Việt nghe lâu ngày rồi cũng quen.
Tại các lớp kể trên, tôi cũng được học một thứ chữ Chăm viết theo mẫu tự la tinh, ráp vần theo tiếng Pháp nên lúc đó, tôi thấy rất dễ đọc và dùng để diễn dịch ý tưởng bằng tiếng Chăm cội nguồn. Thứ chữ này được hình thành do óc sáng tạo của một nhân vật nổi tiếng trong giới người Chăm Châu đốc vào thập niên 1940 là cụ cố Kim Sop, một người Chăm Châu đốc đầu tiên, nhờ gia đình giàu có, được học trường Tây, làm Thông phán tại Tòa Án Châu đốc. Đây là một địa vị trên trước mà người Chăm nào cũng phải chạy đến nhờ vã mỗi khi có chuyện liên hệ đến Tòa Án, mặc dầu nếp sống riêng tư ảnh hưởng Tây của ông, do gần gũi giao dịch sát cánh với người Pháp, có một số phong cách như nhảy đầm, thú uống rượu, v.v... bị thôn làng âm thầm bài bác. Vì chữ Chăm thông dụng phiên âm bằng mẫu tự A Rạp đang được thông dụng, thứ chữ Chăm la tinh này không mấy được các bậc phụ huynh quan tâm, nên không tích cực khuyếân khích các con em học. Nhưng riêng phần tôi và một vài bạn học thì thấy thích thú, nhứt là trong tập sách, cố Kim Sop đã cho in một vài mẫu chuyện làm bài đọc thêm, và có một vài mẫu chuyện sau này lớn lên tôi mới biết là thuộc văn học dân gian Chăm, cụ thể như bài “Chim chhơn” chẳng hạn đồng thời cũng là một thể ca ngâm chất chứa nhiều thi vị mà tôi nhớ nằm lòng cho mãi đến từng tuổi thất thập này.
H.3 Masjid al-Amman, Koh Taboong
|
Hầu như tất cả các bạn học Chăm đều nghỉ học khi hoàn tất lớp cuối cùng trong làng. Bị ám ảnh trong mặc cảm e sợ jưng yuôn (thành người Việt), phần lớn các bậc cha mẹ đều e ngại, khi cho con cái lên học trường tỉnh, thì sẽ sống theo người Việt, không còn theo nề nếp sống của xóm làng, nặng về tín ngưỡng Islam, trong đó, có một số kiêng cữ rất nghiêm ngặt như tuyệt đối cấm (harăm) ăn thịt heo, cấm uống rượu, cấm trai gái vụng trộm ngoài hôn nhân, v.v... Thực tế hơn nữa, đàn ông bé lớn đều cạo đầu và khi tham gia sanh hoạt trong làng thì đều đội mũ bằng nỉ màu đen, còn người lớn thì đội mũ trắng. Cho nên, khi một người đi làm ăn xa bên ngoài mà để tóc dài trở về làng mang theo một ít phong cách phóng túng không thích hợp thì không phải chỉ bản thân người đó mà còn cả gia đình phải chịu những lời đàm tiếu, bà con không thích và lên án thậm tệ. Các nguyên lý tôn thờ một Thượng đế duy nhứt là Allah chế ngự hoàn toàn cuộc sống văn hóa của người dân, tạo thành mặc cảm và định kiến đối với nề nếp sống không phải Islam của xã hội bao quanh, khiến con người ta có khuynh hướng như phải thu mình lại để bảo tồn những gì mình hiện có trong phạm vi thôn ấp.
Sanh hoạt thường ngày của xóm làng xoay quanh một ngôi giáo đường gọi là masjid nằm giữa làng, kiến trúc có những nét gợi nhớ quang cảnh bên kia trời Trung Đông, bao gồm một nóc vòm và đài tháp lạ mắt, được nhận ra từ xa. Ngôi giáo đường này, người Việt sống ở lân cận vẫn quen gọi là “chùa Chàm”, nhưng ở đây, kiến trúc và trang trí bên trong cho thấy chỉ là một ngôi nhà khang trang để bổn đạo tụ họp dâng lễ nguyện tập thể và nghe thuyết giảng vào ngày thứ sáu trong tuần, thể hiện sự tôn thờ Đấng Tạo Hóa Allah nên không có pho tượng thờ nào cả. Mỗi ngày 5 lần, khi trời rựng sáng, trưa ngọ, xế chiều, chạng vạng và trở về khuya, chính từ ngọn tháp kể trên, phát ra một hồi trống và tiếp theo là lời ngân nga kêu gọi đến giáo đư
.
H4. Buổi thuyết giảng bên trong masjid
|
ờng dâng lễ nguyện vang đi rất xa, điều hòa cuộc sống hằng ngày của người dân.
Bên cạnh giáo đường, có một trường gọi là Madrasah dạy kinh sách cùng hệ thống giáo lý Islam và có cả lớp dạy chữ Mã lai nữa. Các bậc phụ huynh thích cho con em mình học các trường lớp này, và thường hãnh diện về thành tích con em đạt được nhứt là khi chúng trổ tài đọc Thiên kinh Qur’An trong các sanh họat tập thể của xóm làng.
Bản thân tôi đã bị trì kéo giữa hai khuynh hướng, nhứt là khi đã đến lúc phải chuyển lên trường tỉnh tiếp tục học lớp nhì (cours moyen). Mẹ tôi là một người đàn bà Chăm không biết một chữ a, b, c...nhưng lại rất thông thạo kinh Qur’An viết bằng chữ A Rạp. Được hậu thuẫn của ông bà ngoại, mẹ tôi muốn cho tôi nghỉ học trường phổ thông và chuyển sang học ở trường lớp tại giáo đường như các đứa bé Chăm khác trong làng. Ngược lại, cha tôi, có chút ít căn bản Tây học, nhứt quyết phải cho tôi lên trường tỉnh tiếp tục học. Sự bất đồng ý kiến giữa cha mẹ chúng tôi khá gay go và kéo dài, sau cùng đã chấm dứt bằng một giải pháp dung hòa; tôi được tiếp tục đi học trường tỉnh, nhưng những ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ, tôi phải đi học chữ Mã Lai và A Rạp tại trường lớp của giáo đường. Tại các trường lớp này, tôi cũng được học chữ Chăm, nhưng là thứ chữ Chăm dùng mẫu tự A Rạp theo khuôn mẫu chữ Javi của Mã Lai.
Trong xóm, chỉ có một vài cụ già, khi được hỏi, có trang trọng đưa ra cho xem những tờ giấy vàng khè xưa cũ có những dòng chữ nói là akhar tapuk, chữ Chăm cổ không còn thông dụng nữa, nhưng được cất rất kỷ, hiếm thấy cho con cháu biết, vì hầu như đã trở thành một thời trang, con cháu chỉ được khuyến khích học kinh sách viết bằng chữ A Rạp và chữ Javi Malayu.
Koh Taboong là một trong 7 làng Chăm Châu đốc. Ngoài Koh Taboong là làng chôn nhao cắt rún của chúng tôi, còn có 6 làng người Chăm khác là Mat chruk, Koh Kaboak, Plây Kênh, Plao Ba, Koh Ghoi, Koh Kaghia, Sabâu, với địa danh Việt tương ứng là Châu Giang, Đa Phước, Châu Phong, La Ma hoặc Vỉnh Trường, Bún lớn hoặc Bún Bình Thiên, Đồng Cô Ky…..., địa thế không liền nhau, nhưng cùng nằm dọc theo hai bên bờ sông Cửu Long trải dài đến giáp giới với Kampuchea.
Phần lớn các địa danh tiếng Chăm kể trên khởi đầu bằng từ “Koh” có nghĩa là cù lao, cho thấy phần lớn các làng Chăm Châu Đốc đều nằm trên các cù lao trên ven sông Cửu Long:
-Gọi là Koh Kaghia vì cù lao này được đánh dấu bằng hàng cây sao, một giống cây, gỗ rất chắc mà người Chăm dùng làm cột nhà sàn hoăc đóng ghe xuồng.
-Về Koh Goi, có vài lối diễn dịch khác nhau tại địa phương, cần được nghiên cứu xác định sau này.
- Sở dĩ gọi là Koh Kaboăk vì xóm này chuyên dệt và mua bán tơ lụa, hầu hết dân cư đều từ Plây Kênh ở bên bờ đối diện chuyển qua, do nạn bên lỡ bên bồi của dòng sông Cửu Long.
H5. Masjid al-Azhar, Mat Chruk
|
Về địa danh Plây Kênh, dịch nghĩa là “xứ con kênh”, do nhà cửa làng này nằm dọc hai bên bờ một con kênh đào dẫn nước từ bờ Hậu giang trổ ra phía Tân Châu. Trong dân gian, người ta thường gọi là Gah Kênh thay vì Plây Kênh; Gah là “bên”. Cùng thuộc Gah kênh này, có một ấp nằm ngoài bờ sông cái gọi là Puk Pa-ok; Pa-ok tiếng Chăm là cây xoài, nên trong tiếng Việt gọi là “Hàng xoài”. Và cũng từ tiêu chuẩn để nhận diện bằng hàng cây xoài này, mà tên làng Plây kênh thời Pháp thuộc mới được ghi trên giấy tờ hành chánh là Phum Soài (“soài” viết s). Phum là từ ngữ khmer có nghĩa là làng, cho thấy xuất xứ Khmer của làng này. Địa danh Phum soài, về sau, đã dược đổi thành tên Việt là Châu Phong. Trong số các tên làng kể trên, có lẫn lộn Mat Chruk là chữ Khmer chớ không phải chữ Chăm, có nghĩa là “mõm con heo”, do địa thế của làng này nằm ở một bên bờ sông Cữu long đổ từ Nam Vang xuống, tẽ ra làm hai nhánh, khiến một bên bờ trông tợ như mõm con heo vậy. Mặc dầu người Chăm không ăn thịt heo, trong dân gian vẫn dùng tên gọi này. Sự lẫn lộn từ ngữ khmer vào tên gọi làng Chăm càng gợi thêm cho tôi sự tò mò tìm hiểu, để biết rằng đất Mat Chruk cũng như các làng Chăm khác tại đây ngày xưa là vùng đất Thủy Chân Lạp và từ “Mat Chruk” là địa danh đã sẵn có từ trước khi người Chăm đến định cư. Vì làng Châu giang nằm bên kia bờ Hậu giang đối diện với Châu Phú, tỉnh lỵ Châu Đốc, nên trong dân gian, người Việt còn gọi chung người Chăm Châu đốc là “Chà Châu giang”. Ai cũng rõ, cách gọi này không đúng, vì Châu Giang chỉ là tên một làng bao gồm xóm dưới có Masjid Al Azhar gắn liền với uy danh của cố Hakim Umar Aly.
H7. Hakim Idriss
|
Vị này là người Chăm đầu tiên đã học đạo nhiều năm tại Thánh địa Mecca, A Rạp Sau-Đi, về nước, đã có công đào tạo nhiều thế hệ các Tuôn tức các giáo viên dạy giáo lý Islam tại các thôn ấp Chăm. Hakim al-Haji Umar Aly là vị Mufty đầu tiên đứng đầu cộng đồng Chăm Islam tại Việt Nam. Tương truyền, Masjid al-Azhar được cất ban đầu hình thức thô sơ có mái lợp như một ngôi đình làng Việt Nam, dưới thời trấn nhậm của Thoại ngọc Hầu, do người Chăm đã góp công đảm trách hữu hiệu về mặt an ninh, yểm trợ công trình đào con Kênh Vĩnh Tế khai thông đường nước từ Châu Đốc thoát ra vùng bờ biển Hà Tiên. Cho đến khoảng năm 1860, ngôi masjid này được dỡ và dời từ chỗ gần sát đường vào bên trong cách đó 30 thước, ở vị trí hiện nay. Dưới thời Hakim al-Haji Abdorrohman, vào khoảng năm 1880, masjid mới chánh thức lấy tên al-Azhar và xây một đài tháp cao bên cạnh theo mô hình đài tháp của các masjid vùng Trung Đông. Đến năm 1959, dưới thời Hakim al-Haji Umar Aly, masjid al-Azhar lại được tái thiết với kiểu dáng hiện đại cho đến nay. Sau khi Haji Umar Aly qua đời vào năm 1981, Hakim al-Haji Ismael Fickry thuộc Jam’ah Plây kênh (Châu Phong) đã được cử lên kế nhiệm, và cũng đã qua đời vào năm 2000; cho đến nay, khi chúng tôi hoàn tất tập sách này, cộng đồng Chăm Islam Việt Nam không có Mufty. Làng Châu Giang còn có một Jam’ah khác thường được gọi là “xóm trên” ngăn cách với “xóm dưới” al-Azhar bằng một xóm người Việt. Jam’ah xóm trên này mang tên Mubarak với một masjid cùng mang tên Mubarak, bao gồm phần lớn là người Java Ku một thời gắn bó với cội nguồn Mã lai và gắn liền với tên tuổi của cố Hakim al-Haji Idriss, cũng như Hakim al-Haji Umar Aly, là một vị có tiếng uyên thâm giáo lý Islam, nguyên đã trải qua nhiều năm học đạo tại Malaysia (cũng đã qua đời năm 2002). Khi nói đến Jam’ah Mubarak, người ta liên tưởng ngay đến một giáo đường nằm ngay bến phà từ bên kia bờ thị xã Châu Phú.
Hai Jam’ah tức tập thể có cơ cấu lãnh đạo Islam, al-Azhar và Mubarak cùng nằm bên bờ Hậu giang, nối liền nhau bằng một con lộ, ngăn cách nhau bằng xóm Hòa Lạc của người Việt, khoảng cách chỉ khoảng một cây số ngàn tức không xa nhau mấy, nên trên nguyên tắc, chỉ có thể lập thành một Jam’ah có chung một giáo đường mà thôi. Việc lập thành hai Jam’ah với hai giáo đường đã đưa đến hệ quả, không biết lễ nguyện tập thể ngày thứ sáu ở giáo đường nào sẽ có giá trị xét về mặt giáo lý Islam. Người xưa đã giải quyết sự việc bằng cách cho đào một con kênh lịch sử trong dân gian gọi là kênh Sa-lat ngăn đôi hai jam’ah, đồng thời sử dụng cho hệ thống thoát nước vào mùa nước nỗi. Tên Sa-lat là do chữ đọc trại ra của chữ Salamat có nghĩa là an vui, tươi đẹp.
Vùng Châu Đốc thường bị ngập lụt vào mùa nước nổi hàng năm, do lượng nước từ trên Nam Vang đổ xuống, mực nước dâng cao đến sát sàn nhà cao 2 thước 50, đôi khi còn ngập tràn luôn nữa. Dorohiêm, dưới bút hiệu Chế Liêm, vào năm 1967, theo cảm hứng, đã dệt nên những dòng thơ sau đây, minh họa các làng Chăm Châu Đốc:
Lũ tràn về khổ lắm, em ơi,
Lụt cuồn cuộn, vượt nhanh bờ thềm
Lộ mòn xưa, hàng me nghiêng ngả
Koh Taboong sầu, Kênh đào lênh đênh.
Dề lục bình xanh, nhởn nhơ trôi.
Sàn nhà cao, ngói trổ nhìn trời
Châu Giang xưa đò ngang vắng lặng
Thôn nữ ơi, sớm tắt nụ cười.
Ngả tẽ Châu Phong vàm kênh thưa đò,
Hoa vàng điên điển trổ cành khô
La Ma xóm lưới chèo gác mái
Tắc ráng buồn, trơ mắt đợi chờ.
Cồn Tiên tơ lụa, lúa tiêu điều
Hàng cây xua đủa rũ buồn hiu
Trống chiều văng vẳng, lời tha thiết
Ai thở than dưới hạt mưa chiều.
Koh Goi, Tân Châu, tợ Biển Hồ
Khung dệt gác mái, lạnh chân tơ
Sà rông tơ lụa nằm ủ rủ,
Chiêm nữ nép mình, bặt tiếng tơ.
Mái lá trường làng lén nhìn trời,
Sân nền óng ả, cá vờn mồi,
Trẻ thơ lạnh cóng lim dim mắt
Trông thầy, tìm bạn, sớm sầu đời.
Xin gởi tấc lòng thăm cố hương,
Cầu xin Allah rũ niềm thương,
Tấc lòng xin gởi theo cánh gió,
Sưởi ấm lòng rũ sạch tai ương.
H8. Nước ngặp sàn nhà
H9. Masjid Ehsan, Koh Kaboak
H10. Masjid Neakmah, Plây Kênh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét