Hai Trầu
Lời tự sự của loài cá rằm
Bạn ơi,
Cứ mỗi lần có ai nhắc về cá tôm vùng sông nước miền Tây Nam nước Việt hồi đời trước, mà nhứt là các vùng sông nước nhiều cá như miệt Bình-Di, Bắc-Nam thuộc vùng An Phú (Châu Đốc), vùng Ba Thê, Núi Sập, Kinh Xáng Bốn Tổng, Cầu Số Năm thuộc Long Xuyên, hoặc bên kia sông Tiền Giang thuộc vùng Đồng Tháp Mười hoặc chạy tuốt xuống Miệt Thứ thuộc Rạch Giá hay các vùng sông nước Cà Mau…, đâu đâu người ta cũng kể những loài cá lớn như cá lốc, cá bông, cá trê, cá lăng, cá kết, cá dảnh, cá mè vinh, cá hô, cá bông lau cùng nhiều loại cá lớn và ngon khác nữa chứ ít có ai nhắc với bạn về loại cá rằm nhỏ bé của chúng tôi cho bạn nghe lần nào! Có phải thế không bạn?
Thiệt tình ra, loại cá rằm chúng tôi cũng chẳng là gì trong cộng đồng cá tép trong vùng sông nước gió mùa này. Đó chỉ là loại cá trắng rất nhỏ thôi với một chấm đen ở gần cạnh đuôi trong các kinh rạch vùng này. Vì nhỏ và lại nhiều xương nạng nên chúng tôi không làm nên những thức ăn ngon miệng cho du khách qua đây lần nào! Nhưng có lẽ với cư dân sống quanh các kinh rạch cùng những dòng sông sâu nước cạn chảy miệt mài giữa vùng đồng bằng hằng năm mưa nắng hai mùa này, sự có mặt của giống cá rằm nhỏ bé của chúng tôi là một điều gì thân thiết với những mái tranh quê từ nhiều đời nhiều lớp qua biết bao thế hệ khẩn hoang lập ấp từ thuở hoang sơ tới khi thành thuộc như bây giờ là một tình cảm mật thiết khó tách rời được lắm!
Cặp cá rằm đang nhìn ngắm những cọng rong đuôi chồn non mượt...như một mái ấm gia đình.
Ở đó, chúng tôi, vào tháng ba, tháng tư mùa mưa bắt đầu hơi già, da bụng chúng tôi bắt đầu căng mỏng và rồi với cặp trứng nặng dần, nặng dần đến như màu vàng của hằng mấy trăm chiếc trứng nhỏ li ti ấy muốn hiển lộ ra tới bên ngoài là lúc chúng tôi báo hiệu một mùa mới với cư dân nơi các vùng quê này; đó là mùa cá sắp về đồng, mùa mưa già và là mùa cá đẻ trứng tháng Năm!
Chúng tôi vốn ở trong lòng các kinh rạch, nên khi nào bạn đắp ngang một khúc kinh cạn để tát khô và bắt cá tép làm thức ăn cho một bữa ăn thanh đạm chốn quê nghèo, chắc chắn bạn sẽ gặp loài cá rằm chúng trôi trước nhứt. Cá rằm thích cư ngụ nơi những vùng kinh rạch ấy lắm. Bởi ở đó vừa có nước chảy với lưu lượng không mạnh lắm mà cũng không đến đỗi cạn queo không còn chút nước để chúng tôi bơi lội, nên vùng sinh thái ấy rất thích hợp với những loài cá bé nhỏ như cá rằm.
Thưa bạn,
Không biết có phải vì sống gần với nơi không sâu, không có những dòng cuồng lưu như thác đổ mà chỉ ở quanh quẩn các khúc kinh rạch cạn như vậy rồi các nhà nghiên cứu về cá gọi chúng tôi là “cá rằm đất” chăng? Còn sao gọi là cá rằm, thì chúng tôi đành chịu thua, hết biết đường mò! Chúng tôi, như bạn thấy, hình dáng thì nhỏ nhắn, chiều dài tối đa khoảng chừng năm hoặc sáu phân tây, chiều ngang khoảng hơn ba phân là cao hết mức, còn bề dày đâu chừng hơn một phân, chứ ít khi dày tới hai phân. Với vốc dáng như vậy chúng tôi lại còn nhiều xương nạng nhỏ nữa nên các giới sành điệu về ăn uống không rớ tới món cá rằm cũng có cái lý riêng của họ vậy!
Cá rằm đang ngủ sau một ngày mỏi mệt giữa dòng đời…
Thế nhưng, cũng các nhà nghiên cứu về các loài cá, họ lại xếp chúng tôi vào bộ và họ “cá thiều”. Thật tình mà nói, làm sao chúng tôi dám nhận cùng họ hàng với loài cá thuộc vào hạng sang như vậy được! Bởi lẽ, chính chúng tôi mỗi khi nghe ai đó nói tới món khô cá thiều với giá mắt dàng trời mây là chúng tôi biết ớn hồn rồi ! Còn cá rằm hồi đời trước cá tép nhiều, vào những mùa cá ra thì ôi thôi người ta giăng lưới, đóng đáy, ven mương đủ mọi cách chặn bắt chúng tôi thì cá rẻ như bèo. Ngay cả ngày nay cũng vậy, dù cá tép khan hiếm, nhưng như bạn biết ít ai tìm mua cá rằm, nói gì cá khô, cá mắm. Thành ra, bảo rằng chúng tôi thuộc bộ và họ “cá thiều” nên loài cá rằm hèn mọn này cũng ngại lắm chứ không dám mừng rỡ gì vì chúng tôi sợ mang tiếng “thấy sang bắt quàng làm họ” dữ lắm!
Rồi các nhà nghiên cứu cũng bảo chúng tôi có bà con với các giống cá dảnh, cá éc, cá mè hôi, cá hô, cá ngựa, cá mè vinh, cá linh nữa... Làm sao cá rằm dám nhận mình có bà con với các dòng họ cá danh giá vừa kể cho được, thưa bạn!
Đó là chúng tôi nói rất thật tình, chứ không có màu mè gì. Bạn thử tưởng tượng, với vài giống cá như cá dảnh có con lớn gần bằng cái dĩa bàn, cá mè vinh cườm thì cũng lớn cỡ bằng cá dảnh, đôi khi giống cá này còn có bề thế hơn do bộ vảy của những con cá mè vinh lớn có những màu sắc lấp lánh như hột cườm; còn cá mè hôi thì lớn hơn hai loại cá kia nhiều, có con cân nặng tới vài ba kilô là thường; riêng cá ngựa thì khỏi nói sức vóc các anh chị ấy lớn và dài hơn chúng tôi đã đành nhưng mấy anh chị cá ngựa này còn rượt bắt cá con như cá lòng tong, cá linh dữ lắm chứ đâu có hiền khô như cá rằm chúng tôi đâu mà bảo rằng cùng họ hàng cho được! Còn với cá hô, như bạn thừa biết vùng sông nước Tiền Giang, Hậu Giang ở Miền Tây Nam nước Việt này, cá hô là loài cá khổng lồ nhất, có con lớn tới hơn hai thước tây bề dài, cân nặng đâu chừng cả trên hai trăm ký lô với những chiếc vảy lớn bằng khu chén ăn cơm mà bạn thường nghe người xưa kể lại. Trên khúc sông từ Long Xuyên xuống Vàm Cống, hoặc bên kia sông Tiền, khúc từ Tân Châu đổ xuống Phong Mỹ thuộc Cao Lãnh có những mùa giăng lưới tháng Tư, tháng Năm âm lịch cách nay năm sáu chục năm người ta giăng được nhiều con cá hô lớn tới trên trăm kilô là thường, trong khi đó cá rằm con lớn nhứt chỉ đâu chừng chưa tới mấy gờ-ram. Thành ra, nếu bạn đặt các anh chị ấy bên cạnh con cá rằm nhỏ xíu, đủ biết ai hơn ai rồi, làm gì chúng tôi dám sánh vai anh anh, em em bà con cùng họ cùng hàng với các bậc giàu sang phú quí ấy cho nổi!
Cá hô đất đen của sông nước Miền Tây. (nguồn: answers.com)
Nhớ đời trước, ít ai tìm biết mình, nên cá rằm cũng chìm trong trời trăng mây nước bao la của vũ trụ. Ngay cả trong bộ Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của cụ Huỳnh Tịnh Của, một quyển tự vị có thể gọi là khá xưa, cũng không có chú thích cái tên “cá rằm”, nói gì các bộ Từ Điển sau này như Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị cũng hổng có nhắc tới chúng tôi. Nói là Tân Tự Điển nhưng thật tình bộ sách này cũng đã in ra đâu từ hồi năm 1951, chứ có mới gì đâu. Rồi tới bộ Việt Nam Tự Điển của Lê văn Đức & Lê Ngọc Trụ làm ra năm 1970, các soạn giả nói là đi xuống tận các làng xã xóm ấp để tìm hiểu thêm các chữ từng vùng mà rồi cũng đâu có hai chữ “cá rằm” này. Còn bộ Đại Nam Nhất Thống Chí khi nói về vùng đất An-Giang, Vĩnh-Long, Hà-Tiên, Định-Tường qua phần các “thổ sản” có nhắc các giống cá những vùng này nhưng cũng không có tên “cá rằm”. Nói gì Đại Nam Nhất Thống Chí, là sách xưa và ghi chép những chuyện lớn về địa lý, nhân văn, bỏ sót tên chúng tôi đã đành, ngay trong bộ Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín mới in năm 2007, mang danh là “Nam Bộ”mà tên loài “cá rằm” ở Miền Tây từ hồi tạo thiên lập địa tới giờ cũng đâu có nhắc nhở chữ nào đâu! Thế mới biết, chúng tôi thuộc vào loại cá tầm thường nhỏ bé dữ lắm trong các kinh rạch miền Tây Nam nước Việt này vậy!
Mãi sau này, dường như con người càng ngày càng văn minh hơn và các nhà nghiên cứu về cá cũng chịu khó tìm kiếm sắp xếp những loài cá hơi giống giống như cá rằm gom chung lại thành cái tên phổ thông là “Barb” và “Barb” được định nghĩa là loài cá trắng nhỏ rất hiền hòa, vi kỳ có điểm chút ít màu sắc, sống quanh vùng Đông Nam Á. Người ta xếp đâu chừng hơn vài chục loài “barb” như vậy thành nhóm tương cận với cá rằm, và rồi họ âu hóa chúng tôi thành cái tên “Swamp barb” lạ hoắc lạ huơ, làm chúng tôi cũng hết biết đường mò về căn gốc của mình nơi bùn lầy nước cạn ngày nào! Nhiều lúc nhớ lại những ngày năm tháng cũ mà lòng bồi hồi luyến tiếc một thuở chơi đùa nơi những dòng nước mát ngọt vùng nhiệt đới gió mùa cùng bạn bè mà nghe thương quá chính mình!
Về loại cá rằm này, vào những năm 1940-1950, thời mà ruộng lúa vùng Long Xuyên- Châu Đốc còn làm chỉ duy nhứt một mùa lúa mùa nên sông nước miền này còn rất nhiều cá, thì cá rằm cũng có góp mặt chút chút vào đời sống cá tép vùng đồng bằng này. Chẳng hạn vào mùa nước giựt, lúc cá dại nổi bèo trên mặt nước khắp các vùng kinh rạch nước cỏ đỏ lòm, thì cá rằm cũng nổi lên mặt nước theo các gia đình cá nhái, cá éc, cá rô biển, cá linh, cá trèn, cá mè hôi, cá mè lúi. Sự có mặt của cá rằm trong môi trường nước cỏ cay mắt ấy cũng là cái lẽ nạn chung phải cùng nhau chịu nạn một khoảng đời! Hồi ấy nhờ mình là loài nhỏ con nên ít bị những người vác chĩa đi đăm cá để mắt kiếm tìm vì do tâm lý của con người là khi đi đăm cá mùa cá dại, người ta thường để mắt tìm cá lớn để đăm chứ ít ai bận tâm với vài ba bầy cá nhỏ làm gì. Do vậy mà vào thời kỳ đồ khổ ấy chúng tôi cũng đở khổ hơn các loài các khác cùng trong cảnh ngộ cá dại tháng Mười Một, tháng Mười Hai âm lịch hằng năm!
Đến những năm sau này vào thập niên 1960-1970, lác đác trong vùng người nông dân bắt đầu làm lúa thần nông thay lúa mùa, loài cá rằm chúng tôi cũng còn khá nhiều, nhứt là vào dịp nước giựt thì cá rằm cũng có lúc góp mặt trong các loài cá được bắt lên để làm mắm; nhưng công bằng mà nói, món mắm cá rằm cũng chỉ là mắm phụ, vì như trên đã kể vì chúng tôi nhỏ con mà lại quá nhiều xương nạng nên ít được bà con nông dân chiếu cố trong việc làm mắm là do vậy.
Vài chị cá linh đang dừng lại cùng cá rằm một bến bờ ấm áp…
Thành ra, từ tạo thiên lập địa tới giờ, như bạn biết, là loài cá rằm chưa bao giờ làm nên mùa màng gì nơi vùng sông nước cuối trời đất Việt này. Nào là mùa tôm trứng tháng Tư; mùa cá mè vinh, cá dảnh tháng Tám; mùa cá heo tháng Mười Một, tháng Chạp; mùa cá linh non tháng Sáu, tháng Bảy, mùa cá linh già tháng Chín, tháng Mười; mùa cá trê cá lóc giăng câu mồi cua, mồi cắt tháng Chạp, mùa cá trê cá lóc tát đìa tháng Hai, tháng Ba; còn cá rằm, nếu có thể gọi là đã góp mặt làm nên mùa thì đó là mùa cá trên đồng ra sông gần hết rồi, báo hiệu chấm dứt một mùa nước giựt sắp khô trên các cánh đồng ruộng lúa bao la bát ngát ở những vùng đồng bằng này!
Sở dĩ chúng tôi nói thế là vì qua kinh nghiệm sống nơi các cánh đồng nước ngập từ tháng Bảy tới cuối tháng Mười Một âm lịch hằng nhiều năm trời thì lịch trình rút khỏi các cánh đồng ngập nước của các loài cá tôm như một trật tự cố định, ít khi nào thay đổi. Trước tiên là mấy anh chị cá linh giợm mé ra sông sớm nhứt. Hể tới nước kém mùng Mười tháng Mười âm lịch là các đoàn cá linh ào ào kiếm những cựa gà dẫn nước vô đồng mà lội lẹ xuống rạch xuống kinh tìm đường ra sông. Mấy anh chị cá linh này hay lắm. Họ có quy định với nhau hễ nắng thì ra sông, gặp mưa thì tạm ở lại chờ tới khi nào có nắng thì bắt đầu ra sông tiếp tục. Do vậy mà dân ruộng giăng lưới cá linh vào lúc đông ken, tự nhiên cá linh lại ít dính hơn lúc trước, lúc bấy giờ mấy người sống với nghề câu lưới trên đồng ngước nhìn lên bầu trời thấy mây đen từ đâu bay về ngang qua đầu, rồi chầm chậm ngừng lại giây lát như chờ một vài mệnh lệnh của ông Trời, thế là trời sắp chuyển mưa tới nơi rồi vậy!
Thứ đến là cá mè vinh, cá dảnh bắt đầu lội rời khỏi những láng trồng dày đặc mã đề , bông súng, củ co, rong đuôi chồn để tìm đường lội xuống kinh rạch hầu ra sông cho kịp con nước kém tháng Mười Một sắp cạn đồng. Còn các loại cá thác lác, cá trèn, cá trê, cá lóc thì dòng họ nào lo cho dòng họ nấy mà tìm đường rút lui ra khỏi những vùng nước sắp giựt để về sông rạch càng sớm càng tốt vì họ biết các cánh đồng sẽ không còn nước trong những ngày sắp tới! Riêng chỉ có loài cá rô biển và cá rằm chúng tôi, khi nào nước trên đồng gần cạn, lúc bấy giờ chúng tôi mới bắt đầu di tản khỏi những lung vũng một thời mà mình đã bơi lội ở đó qua một mùa nước lên như biển!
Chắc bạn sẽ hỏi chúng tôi làm sao biết mình là loài cá rời cánh đồng sau cùng vào mùa nước giựt chứ gì? Dễ lắm, bạn hỏi những người giăng lưới cá linh vào những ngày mùa ấy thì bạn sẽ được họ nói với bạn về điều này rất rõ vì vào những ngày này mặt cá dính lưới nhiều nhứt là hai loại cá rô biển và cá rằm thôi bạn à, còn các loài cá khác họ bỏ đi mất hết lâu rồi, không thấy anh chị nào dính lưới vào những ngày cuối cùng của mùa nước giựt hằng năm này.
Trước khi dứt lời, có lẽ cũng xin kể thêm cùng bạn về điều này nữa. Số là vào những ngày nước giựt tháng Mười Một, cá lóc xuống sông và trú ngụ nơi các gốc cây lớn hoặc làm nhà trong các đống chà. Ngoài ra, các anh chị cá lớn này còn thong dong nơi các bờ kinh bao phủ nhiều về cỏ mồm, cỏ sướt ấm êm để chờ lớp cá nhỏ tụi tôi từ trên đồng đang lò mò xuống kinh để làm mồi cho các anh chị ấy. Người sống miệt nhà quê họ biết đường đi nước bước của loài cá lóc mùa này ở đâu, thích ăn món gì nên họ bắt đầu nghĩ ra cách thả xuồng theo mấy gốc cây, mấy đống chà hoặc cặp theo các bờ kinh, hoặc mé sông để ngồi nhắp cá. Cần câu bằng ngọn tầm vông vừa tầm tay với nhợ câu không dài lắm, đâu chừng khoảng một thước rưởi hoặc hai thước là nhiều với lưỡi câu có ngạnh dấu ó và uốn bằng thép kèo dù rất bén, vì nhợ câu càng ngắn càng gọn, đở phải vướng chà và giúp cho cái thế ngồi nơi mũi xuồng câu giựt cá ăn vừa gọn, vừa nhanh,vừa mạnh.
Mồi câu bạn có biết họ dùng mồi gì cho hấp dẫn các anh chị cá lóc vào mùa này không? Mồi câu nhắp cá lóc vào mùa này chính là loài cá rằm chúng tôi đấy, chứ không phải mồi cóc, mồi nhái như nhắp cá tháng Tư, tháng Năm! Đôi lúc người ta có dùng cá rô làm mồi, nhưng vạn bất đắc dĩ không có cá rằm người ta mới dùng tới cá rô. Người ta lựa những con cá rằm vừa ngon vừa lội mạnh để làm mồi câu nhắp. Cách móc mồi cũng để ý làm sao móc cho cá mồi không bị chết và lội thật mạnh mới hấp dẫn các anh chị cá lóc trong chà. Thành ra, qua nhiều năm sống với kinh nghiệm nghề câu cá, dân câu nhắp mùa này họ lấy lưỡi câu móc vào kỳ trên của chúng tôi, khi họ thả lưỡi câu vào một hóc nào của gốc cây, một lỗ trống nào đó trong đống chà, chúng tôi vẫn lội rất mạnh mà không mắc gốc là tốt nhất. Có đôi khi họ cũng móc lưỡi câu vào cạnh đuôi cá rằm nữa. Với cách móc kỳ trên, để tránh mình ít bị đau, chúng tôi ở thế phải lội ngang; với cách móc vào cạnh đuôi, chúng tôi ở thế phải lội tới. Có tùy cơ ứng biến như vậy mới thấy đỡ đau chút ít nhưng tình thiệt là cách nào cũng không thoát khỏi lưỡi câu và nhiều khi đau dữ lắm!
Nhưng có lẽ kết thúc cuộc đời loài cá rằm bé nhỏ này không gì nhanh bằng có anh chị cá lóc nào nằm sẵn chờ mồi nơi bến vắng dưới tàn cây cao bóng mát đang thong dong thả kỳ thoai thoải rồi ngoắt ngoắt cái đuôi dài và lội chồm tới táp cái phập miếng mồi cá nhỏ treo tòn ten nơi lưỡi câu vừa chấm mí nước rồi lim dim đôi mắt như vừa ý lắm !!!
Cá lớn nuốt cá nhỏ, một sắp đặt từ hồi nào tới giờ của trời đất mà! Làm sao cải biến được đây! Cá lớn nuốt cá nhỏ đã đành nhưng cá lớn cũng vội vã tìm đường rời khỏi những cánh đồng nước giựt để ra sông lẹ nhứt, bỏ các đàn cá nhỏ như loài cá rằm chúng tôi ở lại một mình giữa biết bao gian nan của mùa nước cạn! Biết trách ai đây!?!
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 10-12-2012
Hai Trầu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét