Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

30/4 (7)

KHI SỐ PHẬN ĐÃ AN BÀI Lúc ấy là khoảng tháng 7, tháng 8.1976. Sau hơn một năm làm việc, cơ quan quản lý trại giam Bộ Nội vụ hoàn tất việc thanh lọc ra những người “có tội với nhân dân”. Hai quyết định được ban hành cùng lúc, một để trả tự do cho khoảng 1-2 trăm người người xét không có tội, một quy định việc tập trung cải tạo ba năm cho đại đa số những người còn lại. Quyết định sau nhấn mạnh đến 2 chi tiết: - Ai lập công chuộc tội sẽ được cho về trước thời hạn 3 năm - Ai ngoan cố không chịu học tập, lao động, sẽ bị kéo dài thời hạn cải tạo sau 3 năm Một thời kỳ mới bắt đầu, không còn “học viên” nữa, mà là “trại viên” (hay tù cải tạo); không còn “trường 15 NV” nữa, mà là “Trại cải tạo Long Thành”. Do có một số người được thả về, các đội, tổ được sắp xếp lại hoàn toàn, thay vì theo thứ tự trình diện tại trường Trưng vương hay Gia Long trước đây, thì nay sắp tên theo thứ tự mẫu tự. Tên mình khởi đầu bằng chữ C, ở chung tổ với các anh Nguyễn Văn Bon, nguyên Quận trưởng ở Đô thành Sài Gòn, chức vụ cuối cùng là Tổng thư ký bộ Giáo dục; anh Nguyễn Ngọc Điện, chánh án tòa sơ thẩm Bình Dương, Lê Tài Bổn, chánh án tòa sơ thẩm Kiên Giang, bạn học của mình thời tiểu học ở trường tư thục Chấn Hưng… Trong sự cải tổ toàn diện này, anh Hai Trung, cán bộ phụ trách nhà 2, nhận thêm trọng trách chung của cả trại. Ngày ngày, đến nhà 2, anh thường sà xuống chiếc phản của anh (dân biểu) NMĐ, cùng hút thuốc lào. Cán bộ nhà tiếp xúc với trưởng ban văn nghệ nhà là chuyện bình thường, không ai để ý, song có một vai trò quan trọng khác của anh Đ. mãi về sau mới lộ diện. Đó là vai trò “tư vấn” cho ông Hai Trung. Sau khi chuyển qua chế độ trại viên, trại tổ chức một đội trật tự gồm những trại viên làm việc dưới sự sai phái trực tiếp của cán bộ trại. “Trật tự” là vị trí mơ ước của bất cứ anh tù nào, do không phải lao động nặng như phá rừng, cuốc đất, chỉ làm công việc nhẹ nhàng trong mát. Trời xui đất khiến, anh Hai Trung được lãnh đạo trại giao nhiệm vụ tuyển ra đội trật tự của trại, và người mà anh trông cậy vào sự tiến cử lại chính là NMĐ! Khi mọi việc đã xong xuôi, một vài anh em thắc mắc vì sao anh Đ. khá gắn bó với mình mà không tiến cử mình vào đội trật tự; đến lúc ấy, hầu hết mọi người không biết việc Đ. giận mình về chuyện không chịu giúp đặt lời cho bản nhạc của anh. Về phần mình, mình chẳng hối tiếc gì về những chuyện đã qua, coi như số phận đã an bài. Khi từ học viên trở thành trại viên là lúc đời tù cải tạo thật sự bắt đầu. Mọi hoạt động đều diễn ra trong những kế hoạch được thực hiện một cách nghiêm túc. Sau khi đã sắp xếp lại tổ chức tổ, đội, chúng tôi bắt đầu vỡ đất để trồng rau màu ở khu vực cạnh làng cô nhi cũ. Với những bàn tay thư sinh chỉ quen với giấy má, thử thách không hề nhỏ. Ngày đầu, mỗi người phải dùng cuốc vỡ một vạt đất ngang 1 mét, dài 100 mét. Lúc ấy đã vào tháng 7, tháng 8, nghĩa là đang ở mùa mưa, song vì đất nằm trên một ngọn đồi dốc nên không giữ nước, chỉ cuốc một mét đầu tiên thôi, cánh tay đã tê rần. Nước uống là cả một bị kịch, phần uống vào không bù đắp nổi với lượng nước từ cơ thể tiết ra. Đó là chưa kể uống vào chỉ thuần là ... nước, trong khi hơi nước và mồ hôi thoát ra có chứa cả muối khoáng, sự rối loạn điện giải là mối đe dọa có thật. Tuy nhiên, bỗng dưng chỉ sau 1-2 tháng lao động nặng nhọc, nghiệp dĩ cũ lại tìm về với mình: lại chuyển đổi giới tính! Vở thoại kịch lần này có tầm phủ sóng cả trại, do chính cán bộ Giáo dục trại chủ trì việc tập luyện. Nhan đề của nó là “Lửa thù Sơn Mỹ”, nhằm nhắc lại hành vi của một đại đội lính Mỹ dưới quyền Trung úy Calley tại làng Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi. Hai nhân vật chính của vở kịch là viên trung úy Mỹ và một cô cán bộ cách mạng tên Thanh. Ngoài ra còn mấy nhân vật phụ, không đáng kể. Với vóc dáng dềnh dàng, một lần nữa, anh Nguyễn Đình Xướng được giao vai trung úy Calley, còn cô Thanh, thì lại là ... tui. Kể ra tạm thoát khỏi cảnh đánh vật với những vạt đất đồi khô khốc cũng là một may mắn. Lần này, vở kịch do chính ban lãnh đạo trại chọn nên quá trình tập kịch diễn ra rất khác, với sự theo sát mỗi ngày bởi ba nhân vật, gồm: - Trung úy Đức, Cán bộ, Trưởng ban Giáo dục trại - Thượng sĩ Mạnh, Cán bộ, Phó ban Giáo dục trại - Trại viên, nhạc sĩ Vũ Thành An, Trưởng ban Văn nghệ trại. Mỗi sáng, trong lúc thiên hạ đi cuốc đất thì chúng tôi kéo nhau lên hội trường tập kịch. Thoại kịch không dính dáng gì đến nghề nghiệp âm nhạc của Vũ Thành An, song với tư cách trưởng ban văn nghệ trại, anh không thể vắng mặt khi hai cán bộ giáo dục của trại luôn bám sát các buổi tập của nhóm kịch. Bữa nọ, chúng tôi ngạc nhiên trước sự hiện diện của một phụ nữ lạ trong buổi tập kịch. Chị ngồi im lặng theo dõi từng động tác của tụi tôi trong suốt buổi sáng. Không lâu sau, mọi người được biết chị phụ nữ lạ ấy là vợ của Thượng sĩ Mạnh, Phó ban Giáo dục, đang phụ trách việc tập kịch cho một nhóm cán bộ nữ, chị đến để “học tập” cách tập diễn của tụi tôi. Lần diễn vở kịch này, không có chuyện hóa trang theo kiểu vở kịch thơ lịch sử Chiến Sĩ Triều Trần, nhân vật chuyển giới thành cô cán bộ Thanh phải ăn mặc như một phụ nữ thật sự. Một buổi trưa nọ, anh nhà trưởng nhà 2 Đỗ Hữu Cảnh (chuyên viên dầu khí) dẫn tui đi đến dãy nhà của các chị nữ để mượn bộ đồ bà ba của chị Q.. May mắn là chị cũng vui vẻ với lời “đề nghị khiếm nhã” của hai gã tù nam. Cần nhắc đôi chút về chị Q.. Chị là người mà trong một bài viết cách đây khá lâu, mình từng nhắc đến. Chị giữ chức vụ Chánh Sở tại Bộ Xã hội, tức nằm ngoài tiêu chuẩn đi trình diện HTCT, nhưng trong buổi chiều ngày 15.6.1975, chị cứ đi ra đi vào trường Trưng vương nhiều lần, cố thuyết phục cán bộ tiếp nhận cho chị nhập trường. Có lẽ lúc ấy, chị cũng như hầu hết mọi người, mong sao sau 30 ngày, có được cái giấy chứng nhận đã hoàn thành nghĩa vụ học tập để tiếp tục cuộc sống mới. Không lâu sau tháng 5.1975, các phương tiện truyền thông của bên thắng cuộc lên án nặng nề chiến dịch Babylift, với sự phối hợp giữa chính quyền VNCH mà đại diện là Bộ Xã hội và một số tổ chức nhân đạo quốc tế nhằm đưa hầu hết trẻ cô nhi ra khỏi Việt Nam, về làm con nuôi nhiều gia đình người Mỹ. Người ta gọi đó là sự kiện “bắt cóc trẻ em”, nhất là trong chiến dịch Babylift đã xảy ra một tại nạn thương tâm, khi một chiếc máy bay chở các em bị rơi lúc vừa cất cánh khỏi Sài Gòn. Chính trong bối cảnh chiến dịch Babylift, Sở Bảo trợ mẫu nhi thuộc Bộ Xã hội, nơi chị Q. làm Chánh Sở, là cơ quan bị lên án nặng nề nhất, do sự phối hợp giữa Sở này với các tổ chức nhân đạo quốc tế. Không rõ trong đời sống ở trại Long Thành lúc bấy giờ, chị Q. có phải trải qua các đợt thẩm vấn về chuyện chiến dịch Babylift hay không? Về phần mình, vai cô cán bộ tên Thanh trong buổi diễn vở kịch Lửa thù Sơn Mỹ không có gì đáng nói, đáng nói chăng, đó là dịp có được hơn một tháng tập kịch để trốn cái nắng lửa của ngọn đồi cao mà mỗi nhát cuốc bổ xuống như một nhát chém vào tuổi thanh xuân mơn mởn của mình. Vậy mà vở kịch trên cũng chưa phải là dịp “chuyển đổi giới tính” cuối cùng của mình. Khoảng giữa năm 1978, khi đã có 2 đợt người được đưa ra Bắc, số anh em còn lại ở Long Thành chỉ còn khoảng 200 người, sống chung với anh em tù hình sự và rất nhiều thiếu niên bị gia đình gửi cho “cách mạng giáo dục” sau tháng 4.1975, mình lại một lần nữa bị gài làm phụ nữ trong một vở kịch khác. Lần này, mình đã về đội Cấp dưỡng (nhà bếp), công việc thoải mái hơn, nên sau một ngày đi tập kịch về, mình nói với anh Trần Thiên Ân (khóa 17 QGHC), Trưởng ban văn nghệ trại, cho trở về đội làm việc, để vai kịch đó cho người khác. Vào thời điểm ấy, nhạc sĩ Vũ Thành An, trưởng ban văn nghệ cũ của trại, đã được đưa ra Bắc trong chuyến đầu tiên. Lê Nguyễn 16.4.2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét