Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024
30/4 (3)
MẤY KỶ NIỆM VỀ MỘT ĐOẠN ĐỜI SAU THÁNG 4.1975
KỲ 3)
(…hồi ức này chỉ là sự nhắc nhở lại những kỷ niệm vui buồn của một phận người sau khi cuộc chiến kết thúc, nó không được sử dụng vào những mục tiêu chính trị và không nhằm nói lên những quan điểm cực đoan trước một quá khứ đã lùi sâu nửa thế kỷ. Tất nhiên, người viết cũng mong mỏi người đọc với một tâm thế như vậy, bình tâm và không cực đoan trong các bình luận của mình…)
Thân tặng Moc Nguyen và các bạn đồng cảnh ngộ ở Long Thành, Xuyên Mộc (1975-1982)
IV) CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA SAU THỜI HẠN MỘT THÁNG?
Trong tháng đầu tiên ở Long Thành, mọi người được trải qua một đời sống thoải mái, xe của các nhà hàng Á Đông và Đồng Khánh tiếp tục chở thức ăn lên. Song ngay trong buổi sáng đầu tiên sau cái đêm khuya được chở lên trại bằng xe camion bít bùng, mọi người sớm chứng kiến một cảnh tượng lạ lẫm. Một chiếc GMC không mui chở theo khoảng một chục thanh, tráng niên gầy gò, trên thân người chỉ độc một chiếc quần đùi. Những anh này được thả xuống, với cuốc xẻng trên tay, bắt đầu đào những hố xí dọc theo hàng rào kẽm gai vây quanh làng cô nhi cũ.
Cảnh tượng lúc ấy giữa chúng tôi và nhóm người này là một trời một vực. Một bên là ăn trắng mặc trơn, một bên là tả tơi, ốm đói. Đứng cách nhau độ 3-4 mươi mét, một người trong chúng tôi bỗng kịp nhận ra một trong số người mặc quần đùi này là anh Trưởng ty Công chánh Phước Long! Ôi, vậy họ là những công chức, quân nhân thuộc tỉnh Phước Long cũ, bị quân đội miền Bắc bắt làm tù nhân chiến tranh sau khi tỉnh Phước Long thất thủ toàn diện vào tháng 1.1975! Sự kiện đánh chiếm tỉnh Phước Long – một vi phạm nghiêm trọng hiệp định Paris 1973 - là phép thử quan trọng đầu tiên, cho thấy chính quyền Mỹ hậu Nixon đã quay lưng hẳn với người bạn đồng minh của mình!
Người trong nhóm chúng tôi mừng thấy lại bạn cũ. Họ gọi nhau, nhận ra nhau, và anh Trưởng ty Công chánh đã chỉ vào cơ thể ốm yếu của mình, nói to một câu bất ngờ: “Rồi tụi bây cũng sẽ như tụi tao bây giờ!”.
Câu nói đó hầu như không thuyết phục được ai, vì cuộc HTCT kéo dài chỉ 30 ngày là “niềm tin tất thắng” của hầu hết chúng tôi. Và chúng tôi nhanh chóng quên đi câu nói của anh Trưởng ty công chánh Phước Long!
Khi đi trình diện HTCT, một số người trong chúng tôi không quên mang theo những gói hạt giống, nhiều nhất là hạt rau muống, xới khu đất rộng ngăn cách nhà ở với hàng rào, làm thành từng luống nhỏ, gieo xuống những hạt mầm, như ươm lấy niềm hi vọng trong cuộc sống mới. Chàng tuổi trẻ lúc ấy mới 31 tuổi, là tuổi khởi đầu của giai đoạn đẹp nhất trong đời người, nhìn những lá rau muống xanh tươi nhú lên khỏi mặt luống trồng, tức cảnh sinh tình, viết nên những câu thơ chứa chan hi vọng:
Anh ngồi xuống ngọn đồi đầy cỏ dại,
Nghe mồ hôi từng giọt nóng trên mình,
Hạt giống nào trong giây phút hồi sinh,
Hơi thở nhẹ len vào từng thớ đất ...
Mình yêu nhất hai câu cuối của đoạn thơ này, chúng nói lên sự lạc quan, sự bừng nở của một cuộc sống mới mà mình đang hướng về.
Nhiều người đàn ông có dịp trở về đời sống trẻ thơ của mình. Họ tháo những cánh cửa sổ làm bằng cây thao lao (bằng lăng) còn dính vào khung cửa, gỡ từng miếng lá sách ra, dùng cưa tự chế, cưa thành những bộ xếp hình 7 mảnh, cái hình chữ nhật, cái hình tam giác, cái hình thang, xếp lại thành ra hàng trăm hình tượng khác nhau. Gặp những miếng ván to hơn, họ cưa thành 4 bánh xe là 4 chân con thỏ, tạo hình mình con thỏ, đầu và đuôi con thỏ, tất cả được gắn lại với nhau, khi đẩy bánh xe đi, cái đầu và cái đuôi con thỏ lúc la lúc lắc cùng một nhịp. Người viết bài này là kẻ vụng về bậc nhất, vậy mà lòng thương con và nỗi nhớ gia đình cũng khiến xui anh ta làm được hai bộ xếp hình và hai con thỏ, trông đợi một lần thăm gặp để tặng cho con.
Chúng tôi cứ sống êm đềm như thế thì bỗng nhiên vào khoảng 15 ngày sau, người ta dựng lên trên khoảng đất trống một ngôi nhà gỗ lợp tole, bốn bề không có vách che. Trong ngôi nhà đó, người ta đóng mấy dãy kệ, và lạ lùng hơn nữa là có cả một chiếc ghế hớt tóc! Chả lẽ người ta còn nghĩ đến việc chăm sóc sắc đẹp cho chúng tôi, để sau 30 ngày, trả chúng tôi về với gia đình?
Một buổi trưa, để tránh cái nóng nực và chật chội của dãy nhà chứa gần 300 con người, chúng tôi kéo nhau ra ngôi nhà mới dựng, chưa biết để làm gì. Tôi ngồi cạnh Phạm Đình Thăng, người bạn cùng trường, cùng khóa, có biệt danh là “Thăng đại sư”, vì anh giỏi tài kể chuyện Tam Quốc Chí, lúc kể chuyện, luôn đặt một tay trước ngực và tự xưng là “bần đạo”. Trong câu chuyện, đột nhiên Thăng tuyên bố một câu “khó nghe”, tôi vẫn còn nhớ đến bây giờ: “có một lúc nào đó, mày sẽ thấy thời gian cải tạo một năm là lý tưởng, rồi có một lúc nào đó, mày thấy 3 năm là lý tưởng”.
Tôi cho lời nói của Thăng chỉ là chuyện bông đùa, không tin được. Mãi đến sau này mới biết nguyên ủy của câu nói. Thăng là người Quảng Ngãi, trước 1954, mẹ anh từng trải qua nhiều năm ở Liên khu V, tích lũy nhiều kinh nghiệm, hôm anh chuẩn bị hành lý đi trình diện cải tạo, bà ân cần nhắc nhở: “con không đi một tháng đâu, phải chuẩn bị tinh thần ở lâu dài”. Bà cụ quả là một người sáng suốt!
Mặc dù sự hiện diện của ngôi nhà mới dựng dành làm căng-tin và chiếc ghế hớt tóc như một thách thức, song “niềm tin 30 ngày” vẫn không tàn lụi trong mỗi chúng tôi. Chúng tôi an ủi nhau bằng lập luận rằng, người ta làm căng-tin để đón người mới tới, sau khi chúng tôi đã ra về.
Những ngày thứ 27-28, tâm trạng nhiều người luôn căng thẳng, họ suy luận khá “logique” rằng thì là khi người ta chở mình lên Long Thành bằng những chuyến xe bít bùng chạy trong đêm khuya vắng thì khi trả chúng ta về, cũng sẽ bằng một cách thức như thế!
Từ ngọn đồi cao của làng cô nhi cũ nhìn xuống, đèn pha của xe cộ chạy ra Vũng Tàu như một sự trêu ngươi. Chúng tôi mong chúng rẽ trái, chỉa đèn về hướng ngọn đồi nơi chúng tôi đang mong ngóng, song chúng hết sức vô tình, cứ pha đèn chạy thẳng hướng Vũng Tàu!
Cuối cùng thì chúng tôi cũng không phải hồi hộp lâu nữa. Có lẽ những người có trách nhiệm sợ để lâu, chúng tôi hồi hộp quá, đứt gân máu mà chết.
Vào ngày thứ 31 hay 32 gì đó, chúng tôi được tập họp lại, nhận một thông báo rõ ràng và dứt khoát: “sau một tháng, kể từ nay, cách mạng sẽ nuôi ăn các anh!”
Một trời hi vọng sụp đổ! Chị thẩm phán PTH, cái bụng thè lè 5-6 tháng, bật khóc như chưa bao giờ được khóc!
Chị thẩm phán có đủ lý do để khóc như vậy, vì làm sao biết chị sẽ sinh con ở đâu? May mà trong đợt về đầu tiên sau 2 tháng, chị có tên chung với nhà hoạt động chính trị Phạm Thái đã kể trên.
Về chung với ông Thái và chị PTH trong đợt này, còn có một người đặc biệt nữa. Anh đi trình diện cải tạo với tư cách một viên chức của Bộ Chiêu hồi, cơ quan có ân oán bậc nhất với bên thắng cuộc. Nhiều người tin rằng anh sẽ đi mút mùa Lệ Thủy, song theo một bản tin đăng trên báo SGGP lúc bấy giờ, sau hiệp định Geneve 1954, gia đình anh ở Bàn Cờ là nơi đón tiếp thường xuyên ông L.D, có lúc vào ra, có lúc ở lại lâu dài. Bài báo đã tiết lộ sự việc một cách hết sức rõ ràng nên không ai ngạc nhiên khi một viên chức làm ở Bộ Chiêu hồi như anh lại được về sớm như vậy.
Sau ngày thứ 30, sự thay đổi chế độ dinh dưỡng diễn ra nhanh quá, giá trị khẩu phần ăn đang từ hơn 400 đ do sự tự đóng góp của học viên bỗng tụt xuống còn dưới 100 đ/ngày theo chế độ tập trung cải tạo. Gạo chứa đầy hạt cỏ, chỉ riêng việc loại bỏ chúng cũng tốn rất nhiều thì giờ. Không lâu sau, lần đầu tiên, chúng tôi làm quen với một thứ lương thực chưa bao giờ nghe nói tới: bo bo.
Những hạt nhỏ bé này có lớp vỏ như hạt bắp (ngô), nếu không bị nhai nát, mà chỉ nuốt trộng, thì khi xuống bao tử, chúng không coi axit trong dịch vị ra gì, nhập thế nào thì xuất thế đó, không một chất dinh dưỡng nào ngấm vào cơ thể.
Khi chưa vào trại, nghe dến phương pháp dưỡng sinh Ohsawa với gạo lứt muối mè, phải nhai đủ 100 cái rồi mới nuốt, mình đã ngán ngẩm lắm rồi. Vậy mà hôm đó mình thử nhai một ngụm bo bo xem sao, kết quả là phải nhai gần ... 120 cái, chúng mới chịu nát ra hết để có thể yên lòng mà nuốt xuống bụng!
Căng-tin lúc ấy đã bắt đầu hoạt động, song tiền bạc mang theo cũng chẳng còn bao nhiêu, vì tưởng chỉ cần tiêu xài trong một tháng. Nhà bếp cũng hoạt động với thành phần thợ nấu thuê mướn từ bên ngoài, học viên thay nhau xuống đó làm những việc nặng nhọc như bửa củi, xách nước, khiêng cơm.
Nhiều người quen nếp sống cũ, cơ thể phản ứng, làm phát sinh những thòm thèm kỳ lạ. Một dược sĩ nổi tiếng khắp miền Nam, chủ một hãng dược lớn, đã mò xuống bếp nhờ người bạn quen kiếm cho một miếng... cơm cháy. Dẫu sao, sự thòm thèm đó còn dễ chịu, khó chịu nhất là những bệnh hoạn dễ phát sinh do sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút nặng nề. Đó sẽ là câu chuyện của những bài viết sau.
Lê Nguyễn
7.4.2024
KỲ SAU: Chuyện kể ở Trạm xá Long Thành
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét