Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

Chị tôi lái xe 🚗 Hôm trước tôi đi nhờ ô tô với vợ chồng ông anh tới ăn liên hoan giỗ cụ thằng bạn. Đám giỗ vui quá nên hai anh em uống say mềm, lúc về, tôi bảo anh: “Say thế này lái xe nguy hiểm lắm! Hay mình bắt taxi về anh nhỉ?” Anh thở phì phò, mắt đờ đờ, mồm tóp tép như định nói gì đó, thì vợ anh đã lên tiếng trước: “Sao phải bắt taxi! Chị lái được mà!” Tôi rụt rè kéo áo ông anh hỏi nhỏ: “Chị lái được thật không anh?” Ông anh lại thở phì phò, mắt đờ đờ, mồm tóp tép định nói, thì chị lại nói trước: “Đừng có khinh thường chị! Hai tháng nữa là chị thi lấy bằng rồi đó chú!” Biết tôi vẫn còn hoang mang, ông anh cố cất giọng nhè nhè trấn an: “Đừng lo! Vợ anh đã từng lái ô tô chở một bà cụ hàng xóm đi lên tận trên huyện cơ mà! Tiếc là chỉ đi được một đoạn thì phải quay lại!” - “Sao phải quay lại ạ?” -“Vì bà cụ vãi đái ra quần, phải quay về thay quần khác. Rồi lấy lý do là hết quần, bà cụ dứt khoát không đi nữa!” Nghe nói Thạch Sanh trước khi vào hang giết chằn tinh cứu công chúa đã phải làm vài bát rượu để lấy can đảm. Tôi lúc ấy có lẽ cũng vậy, nếu không nhờ rượu, chắc chả đủ can đảm bước lên xe. Vào trong xe, tôi và ông anh phê quá thiếp luôn đi. Lát sau, tôi giật mình tỉnh dậy, thấy xe đã nổ máy nhưng vẫn đứng im chỗ cũ, chưa đi được mét nào. Tôi hỏi sao chưa đi, thì chị bảo là chị đang tìm cái chân ga, rờ mãi chưa thấy nó đâu. Rồi bất ngờ tiếng động cơ rú lên như con lợn bị chọc tiết, còn chị thì gật gù: “Đây rồi! Đúng chân ga đây rồi!” Nhưng cái xe vẫn cứ đứng đó. Tôi sốt ruột ngó lên, thấy chị đang loay hoay thắt dây an toàn. Chị bảo việc thắt dây an toàn tuy chỉ là một hành động nhỏ, nhưng nó thể hiện đạo đức, trách nhiệm và ý thức rất lớn của người lái xe. Rồi chị càu nhàu: “Sao cái dây an toàn hôm nay khó thắt thế nhỉ?” Tôi bảo: “Dây an toàn của ghế lái nó ở bên tay trái chị ạ! Còn cái dây chị đang cầm là dây của ghế phụ, không thể quàng cái dây đó qua người chị được đâu!” Ơn giời, cuối cùng thì cái xe có vẻ như đã chuyển động được rồi. Nhưng thay vì chỉ lùi một tí tẹo là ra được đường lớn, thì chị lại cho xe tiến lên, quyện một vòng quanh ngõ. Tôi thắc mắc thì chị bảo: “Chị mới đi học lái được vài buổi, thầy mới chỉ dạy tiến thôi, chưa dạy lùi. Mà tiến với lùi quan trọng gì đâu, miễn sao cuối cùng vẫn ra được đường to” Đúng là cuối cùng vẫn ra được đường to thật – dù là phải sau một hồi quyện vòng vòng. Xong, chị hít một hơi, nói giọng hệt như giọng cảnh báo của mấy cô hướng dẫn viên hàng không trước khi máy bay cất cánh: “Sẵn sàng chưa? Ta đi nhé!” Chị vừa dứt lời, cái xe rú lên như con chó đang ăn vụng bị chủ bắt gặp phang cho cái đòn gánh vào lưng, nó giật đánh “hự” một phát rồi lao vọt đi. Cú giật khiến tôi và chồng chị như bị vật ngửa ra sau, đầu đập cái “uỵch” vào thành ghế. Nếu ghế không làm bằng đệm mút mà là bằng sắt thép xi măng, thì chồng chị và tôi đã bị chấn thương sọ não rồi. Dưới sự khống chế của chị, chiếc xe giống như một đứa trẻ bị tăng động: nó cà giật cà giật, đang lao nhanh thì hồn nhiên khựng lại, rồi đang khựng lại, bỗng đột ngột lao nhanh… Còn chị, chị vừa lái xe vừa chửi: “Đồ thần kinh!” Tôi hỏi: “Chị chửi em à?” Chị bảo: “Không! Chị chửi mấy thằng xe đi sau, ban ngày mà cứ bật đèn sáng trưng” Tôi thở dài: “Chúng nó xin đường chị đấy ạ! Tại chị không đi hẳn ra làn ngoài, cũng không vào hẳn làn trong, rồi cứ giật đùng đùng, nên chúng nó không dám vượt!” Chị nghe vậy thì “À” lên một tiếng, vẻ như đã hiểu ra, nhưng chị vẫn không nhường đường cho chúng nó! Đến chỗ ngã tư có cột đèn giao thông, chị quay lại hỏi tôi: “Đang đèn đỏ hay xanh vậy chú?” Tôi sửng sốt: “Chị không nhìn thấy à?”. Chị bảo: “Chị bị mù màu kết hợp với loạn thị bẩm sinh, nên nhìn không rõ lắm!” Một người đàn ông dắt con chó định băng qua ngã tư, nhưng có lẽ nhờ tạo hóa ban cho cái bản năng sinh tồn nhạy bén, con chó dường như đánh hơi được mối nguy hiểm đang gần kề, nó dứt khoát không chịu sang đường, mặc cho chủ nó đang ra sức kéo nó đi. Chỉ khi xe của chúng tôi băng qua khỏi ngã tư rồi, con chó mới tươi cười để cho chủ dắt sang. Tôi chưa kịp thở phào vì xe đã vượt qua ngã tư an toàn thì bỗng “vèo” một phát, cái xe lắc mạnh rồi lạng qua bên phải, sát sạt và suýt tông vào một bà đang đi xe đạp. Tôi thắc mắc: “Tự nhiên sao lại lạng xe vào vậy chị?” Chị tỉnh bơ: “À! Chị tránh bãi cứt trâu!” Ôi chúa ơi! Phát ấy mà có cái xe công-ten-nơ nó đi bên đó, nó húc cho một phát rồi nó cán lên, thì có phải là tất cả chúng tôi đã hi sinh anh dũng để bảo vệ sự toàn vẹn cho cái bãi cứt trâu hay không? Hồi sinh viên, tôi đã từng ngồi xe khách cả nghìn cây số từ Bắc vào Nam, nhưng chuyến đi ấy, tôi thấy nó không dài và nhiều bão táp như cái chuyến xe với lộ trình chưa đầy 5 cây số này! Tôi vốn không mê tín, càng không bao giờ tin vào bói toán, nhưng trên chuyến xe ấy, tôi chưa khi nào thôi nguyện cầu cho lời phán của thầy bói là đúng, bởi có lần đi xem, thầy bảo tôi ít nhất phải sống thọ tới năm 80 tuổi (tất nhiên, thầy chỉ nói là sống thôi, chứ cũng không nói rõ là sống thực vật hay động vật) May quá, cuối cùng đã thấy thấp thoáng bóng dáng tòa chung cư nơi tôi đang ở ẩn hiện sau làn bụi mờ. Tôi khẩn khoản: “Chị ơi! Làm ơn cho em xuống” Chị nhiệt tình: “Vẫn chưa tới mà, để chị đưa vào tận cửa” Tôi cuống quýt: “Dạ thôi! Em xuống đi bộ cũng được rồi” Ra khỏi xe, đặt chân xuống đường, tôi thở phào, trong lòng dâng lên một cảm giác bình yên đến lạ! Tôi không hối hận vì quyết định nhảy xuống đi bộ của mình, bởi có rất nhiều người đã sẵn sàng đánh đổi cả danh vọng, sự nghiệp, thậm chí cả cuộc đời, chỉ để tìm được cho mình những phút bình yên, trong khi tôi lại có được thứ đó chỉ nhờ vài bước chân đi bộ… Nhưng nhìn ông anh tôi vẫn đang há mồm ngáy khò khò trong xe, tôi tự nhiên thấy dằn vặt ghê gớm. Liệu tôi có phải thằng em khốn nạn quá không khi bỏ mặc anh với hiểm nguy để đi tìm bình yên cho riêng bản thân mình? Tôi đứng trông theo chiếc xe chở ông anh cà giật cà giật lao đi, rồi tay chắp trước ngực, mặt ngửa lên trời, miệng lầm rầm: “Anh ơi! Cầu chúc cho anh được an lành!” Sưu tầm 22 1 lượt chia sẻ Thích Bình luận Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét