Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

4 ông bạn thân, qua Mỹ mổi người ở 1 tiểu bang, chỉ liên lạc nhau bằng điện thoại, đến 1 ngày, nhận thấy tuổi đã già, 4 ông quyết định tổ chức 1 buổi reunion, hẹn gặp nhau cho thoả lòng mong nhớ Gặp lại sau mấy mươi năm, 4 ông chuyện trò như pháo nổ, đang vui thì có 1 ông đau bụng, xin phép đi vệ sinh.... 3 ông còn lại vẫn tiếp tục hàn huyên, hỏi thăm nhau về gia đình, con cái, ông thứ nhất khoe - Mấy anh nhớ thằng con trai tui không, hồi mới qua Mỹ nó khổ lắm, đi làm lao công quét dọn cho 1 dealer bán xe Mercedes, vậy mà nó vừa làm vừa học, từ từ nó lên trưởng phòng, rồi nó lên làm giám đốc 1 chi nhánh. Rổi từ từ nó làm chủ dealer bán xe, bây giờ thì nó đã làm chủ mấy chục dealer Mercedes trên toàn nước Mỹ, hôm tuần rồi, sinh nhật 1 đứa bạn thân mà nó dám tặng cho 1 chiếc Mercedes top of the line cả trăm ngàn đô.. Mấy ông bạn trầm trồ.. nâng ly chúc mừng Ông thứ 2 khoe - Thằng con tui cũng vậy, mới qua Mỹ nó làm lao công, lau dọn cho 1 hảng tàu, mà vừa làm vừa học, từ từ nó lên làm quản lý, rồi lên làm chủ luôn, giờ nó có cả chục cơ sở đóng tàu, hôm vừa rồi, sinh nhật đứa bạn nó mà nó dám tặng nguyên 1 chiếc du thuyền giá gần 500 ngàn đô... Các ông lại nâng ly chúc mừng. Ông thứ ba cũng khoe - Thằng con tui cũng đâu có thua gì, ngày mới qua Mỹ nó cũng theo bạn bè đi làm phụ hồ, kiếm tiền ăn học, vậy mà từ từ nó lên chủ thầu, rồi nhảy qua làm địa ốc, mua bán nhà, giờ nó có nhà đất khắp nơi, giàu lắm, hôm vừa rồi sinh nhật đứa bạn nó, nó dám tặng nguyên 1 căn biệt thự ở bờ biển, trị giá cả triệu đô.. 3 ông lại cụng ly chúc mừng, thì vừa lúc đó ông thứ tư đi vệ sinh xong, trở lại bàn, khg biết chuyện gì..mới hỏi. - Vụ gì mà mấy anh vui vậy..? - À, đang chúc mừng sự thành công của mấy đứa nhỏ... còn thằng con trai của a giờ ra sao ? - ..... thằng con trai tui nó ...gay. 3 ông kia tỏ ra ái ngại.. - Ồ.. rồi giờ nó làm gì sống ? - Ban ngày nó ăn ngủ, đi chơi thôi, nhưng ban đêm thì nó đi nhảy sexy trong 1 cái strip club của mấy người gay, đồng tính.. - Ồ..!!! Tội nghiệp cháu quá, tụi tui xin chia buồn với anh và cháu..!!! - Có gì đâu mà buồn, nó sướng lắm, vừa rồi chỉ trong ngày sinh nhật của nó mà nó nhận được 1 cái biệt thự cạnh bờ biển, 1 chiếc du thuyền và 1 chiếc Mercedes top of the line của 3 thằng boyfriends nó tặng...

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

Ông Năm Chuột Phan Khôi Hồi tôi còn 14 tuổi, 15 tuổi, thì đã nghe người làng nói nhiều về cái tên Năm Chuột. Về gốc gác của hắn, chỉ thấy nói là người làng Kỳ Lam, cái làng ở phía Bắc làng tôi, cách một con sông, về sau có cái ga xe hỏa gọi là ga Kỳ Lam, còn mọi sự khác không biết rõ. Hình như hắn cũng không có nhà cửa, cha mẹ, vợ con gì ở làng. Hắn làm thợ bạc, quanh năm đi làm nghề ở các nơi, nhất là các nơi đô hộ, như Huế, Ðà Nẵng, Hội An. Họ nói Năm Chuột là thợ bạc khéo nhất đời, ở Huế có nhiều thợ bạc danh tiếng cũng phải chịu thua. Nhưng lại nói hắn tổ làm đồ vàng giả, mỗi khi được gọi đến nhà làm đồ nữ trang cho người ta, nhà chủ dù ngồi cạnh một bên, hắn cũng cứ tráo bạc, tráo đồng vào, lấy vàng ra, không làm sao biết được. Bởi vậy cả vùng quê chúng tôi, những nhà giàu có, vốn biết Năm Chuột là thợ khéo, nhưng không ai dám thuê hắn làm việc gì về cái nghề của hắn cả. Nhiều người còn nói Năm Chuột đúc súng, đúc bạc giả được. Mỗi khi nói điều ấy, họ làm ra vẻ bí mật, hình như họ có ý ngờ cho Năm Chuột định làm một việc gì lớn, “làm giặc” chẳng hạn. Nhưng không biết thế nào, người ta lại cho Năm Chuột là kẻ nói láo nói phét, vào cái hạng “mười voi không được bát nước sáo” tức là mắng người ấy đã lại nói láo nói phét rồi,có khi chỉ dùng độc một chữ: Chuột quá tức là láo quá. Lúc bấy giờ tôi đang đi học ở những nơi cách xa làng, mỗi khi về làng, lại thỉnh thoảng nghe người ta nói chuyện về Năm Chuột như thế, như thế, tôi cũng chỉ nghe làm tai mà thôi, không để ý mấy. Mà hẳn thế, cậu cả con quan phủ, học giỏi có tiếng, đang lo sôi kinh nấu sử để khoa tới đây đỗ thủ-khoa, không thì cũng cử-nhân năm tên trở lên, việc gì mà phải để ý đến chuyện một anh thợ bạc. Năm hai mươi tuổi, tôi thi đỗ tú tài--- quái lạ, sao lại đỗ tú tài? --- về nhà, cách mấy hôm thì tôi đi về làng Xuân Ðài thăm bà ngoại tôi và cậu tôi. Ở ăn một bữa cơm trưa, đến xế chiều, tôi cáo về thì vừa có một người đến. Người trạc dưới bốn mươi tuổi, mặt trẹt, nước da xanh xám, mắt sáng, miệng rộng, hai môi trề ra, hàm và cằm như nguyên không có râu, không phải cạo, người thấp song cũng không thấp lắm, đầu trọc, quấn cái khăn vải đen, áo cộc cúc giữa, quấn đến đầu gối, chân mang dép da sống. Người ấy lúc vào đến cửa, hai tay cắp cái nón lá ngang ngực cúi chào cậu tôi, khi bỏ cái nón lá ra, mới thấy trong tay còn cầm một cái nữa mà sau này tôi mới biết đó là cái dọc tẩu. Nó là cái ống tròn mà dài, thấy thoáng như có khảm xà cừ và bịt bạc, bịt vàng gì đó. Cậu tôi như chào như không phải chào: - Anh Năm phải không? - Dạ, lâu lắm, có thể quan lớn quên tôi. Tôi nguyên đã cáo về rồi, cho nên dù có gặp một người khách mới vào hơi lạ như thế cũng cứ việc ra về. Không ngờ khi tôi ra khỏi cổng, lên đường về mới một chặng, nghe có người chạy theo đằng sau gọi tôi đứng lại, thì ra là người thấy lúc nãy. Anh ta tự giới thiệu: - Tôi là Năm Chuột đây. Rồi đột ngột hỏi tôi: - Nghe nói cậu đậu Tú Tài mà cậu khóc, có phải không? Giả sử cậu được đậu thủ-khoa thì cậu làm nên cái trò trống gì? Một gáo nước lạnh xối vào xương sống! Tôi bẽn lẽn ấp úng, cười hì hì không trả lời được. Bởi vì cái lẽ anh ta nói đó tôi cũng có nghĩ tới, nhưng không đi thi thì thôi, đã đi thi thì lại muốn đậu to. Thế rồi Năm Chuột đi cùng đường với tôi, vừa đi vừa nói chuyện. Anh ta có đưa cái dọc tẩu lên, nói với tôi: - Ông cậu của cậu thật là keo quá, cái dọc-tẩu thế này mà cầm trả có 5 đồng bạc. - Hoặc giả cậu tôi không có nhiều tiền chăng? Tôi nói cho có nói, chứ không có ý gì cả. Nhưng anh ta cãi phăng: - Quan lớn hồi xưa (chỉ ông ngoại tôi) làm đến Tổng đốc Hà Nội vừa chi, mà không có tiền lợp nổi cái nhà của ông bà để lại đã tróc ngói ; còn ông phủ (chỉ cậu tôi) mới làm Tri-phủ có 3 năm về “chung dưỡng”, mua được những mươi mẫu ruộng, tôi biết là hạng đất tốt nhất, thế sao nói là không có nhiều tiền? Tôi thấy cái điều anh ta nói đó hình như đúng, tôi làm thinh. Bỗng dưng anh ta cất tiếng cười một cách rất xỏ lá, rồi nói tiếp: - Ai có đời, cha chết vì đánh Tây mà con trở đi làm quan với Tây! Nghe câu này tôi cảm động quá. Tôi không dám chống lại ý anh ta, chỉ nói như vớt vát một ít: - Thấy bà ngoại tôi kể chuyện, lúc ông ngoại tôi mất rồi thì cảnh nhà sa sút quá đỗi, nếu cậu tôi không làm như thế thì đến lụn bại mất. Anh ta bĩu môi, cái môi đã trề rồi, còn bĩu nữa, rất khó coi: - Ra chỉ có làm quan mới cứu vãn được nghiệp nhà. Thế thì bao nhiêu người không làm quan, họ đều đi ăn mày hết. Tôi lại làm thinh. Ngừng một lúc, anh ta nói tiếp: - Hèn chi mà quan lớn chết ở Hà Nội năm Ngọ, năm Dậu thất thủ kinh đô, Nghĩa-hội nổi lên đánh Tây, năm Hợi, Tây kéo lên đóng đồn ở chùa Phi Phú, thì ông cậu của cậu đã làm bang tá trong cái đồn ấy. Ðể làm gì? Cậu có biết không? Ðể đàn áp Nghĩa-hội. Những chuyện ấy, thầy mẹ tôi có kể cho tôi nghe hồi còn nhỏ, tôi biết cả, nhưng tảng lờ nói: - Tháng tám năm Hợi, mẹ tôi mới đẻ tôi ra, tôi làm gì biết được những chuyện ấy? Anh ta lại cười, nhưng không xỏ lá, nhìn vào mặt tôi: - Thấy người ta nói cậu thông minh, nói chuyện với cậu, tôi cũng thấy cậu thông minh thật. Thình lình anh ta nhảy mũi dặp hai ba cái, lấy khăn lau nước mũi cả nước mắt nữa, rồi nói thêm: - Như tôi, (anh ta lấy tay phải ấn vào ngực) ghiền thuốc phiện cho đáng, chứ ông cậu của cậu mà cũng hút thì hết thảy những người nghiện chúng tôi đều phải lấy làm lạ. - Sao vậy? - Quan lớn hồi xưa có cùng mấy ông em lập một bản “gia ước”, trong đó có một điều cấm con cháu hút thuốc phiện, nếu phạm thì trừng trị bằng những cách nào đó. Thế mà dám phạm. Ðủ biết con người của ông cậu của cậu là vậy đó: cái gì cũng làm nghịch lại với cha. Cái “gia ước” mà anh ta nói đây, tôi không hề biết, vì không hề nghe ai nói tới. Nhưng tôi nghĩ, nếu đúng như thế, thì anh ta nói cũng có lý. Tôi lại làm thinh. Ðây đã đến chỗ con đường rẽ vào nhà tôi, tôi đứng lại, nói mấy lời từ biệt.Năm Chuột nắm lấy tay tôi và nói: - Tôi nói nãy giờ có làm mếch lòng cậu không? Ở đời có thiếu gì chuyện nói, hà tất tôi gặp cậu lần đầu phải nói để làm mếch lòng cậu, nhưng tình cờ gặp câu chuyện đáng nói thì cứ nói. Rồi anh ta tỏ ý mong gặp tôi lần khác. Tôi vừa đi về nhà vừa nghĩ, “À, ra Năm Chuột là con người như thế đấy”. Là một anh thợ bạc, sao lại nói được những điều như thế, tôi lấy làm lạ. Tối hôm ấy, tôi đem cả câu chuyện Năm Chuột nói với tôi kể lại cho thầy tôi nghe. Thầy tôi bảo: - Cái thằng láo đến thế là cùng! - Nhưng những điều hắn nói, con thấy như cũng có cái đúng. Tôi rón rén thưa lại. - Ðúng kia à? Mặc dầu đúng chăng nữa, cái hạng thằng Năm Chuột mà lại được nói thế à? Thấy thầy tôi nói hơi xẵng , tôi làm thinh. Một chặp tôi mới dịu giọng hỏi: - Cái “gia ước” ông ngoại lập ra mà Năm Chuột nói đó, thầy có biết không? - Tao không biết. Thấy nói sự cấm hút ấy ở nhà Ðông bàn (nhà quan thượng Phạm Phú Thứ) thì có, còn nhà Xuân Tài, tao không nghe. Ðến lúc tắt đèn, đi ngủ rồi, thầy tôi còn nói một mình: - Cái thằng láo quá! Ðó về sau hơn 10 năm, tôi không gặp lại Năm Chuột lần nào. Chừng vào khoảng 1920, một lần tôi ở Hà Nội về nhà, thấy người ta nói Năm Chuột bây giờ lập gia đình ở ngụ tại làng tôi, tôi bỗng có cảm giác như là một vật gì mình đã bỏ quên đi mà bây giờ thấy lại. Làng tôi có một chỗ gọi là Cồn Mũi Gươm, có một vạt đất gọi là đất Chó ỉa, theo lời thì Năm Chuột đã xin làm cái túp tranh trên vạt đất ấy, và cưới vợ là con gái quá lứa của một nhà có môn bài bán rượu và thuốc phiện cũng ở làng tôi. Hắn vẫn làm thợ bạc. Một hôm tôi đến thăm, thấy trong nhà chỉ có một căn ván nhỏ, trên đặt cái bàn đèn, một cái buồng che phên tre, ngoài ra là cái lò bễ bạc để ngay chỗ cửa ra vào. Bấy giờ gần đến Tết, trời hơi lạnh, hắn ở trần, ngồi cạnh cái lò bễ đang hơ cả người trên lửa. Hắn xin lỗi tôi và nói: - Người ta tắm bằng nước, nhưng tôi quanh năm tắm bằng lửa. Hơ thế này cho đổ mồ hôi ra, kỳ sạch ghét, thì cũng chẳng khác tắm bằng nước. Hắn mời tôi ngồi trên ván, tôi không ngồi, ngồi trên cái đòn kê đặt ở đất gần lò bễ, chỗ sắm cho bạn hàng ngồi xem hắn làm việc. Anh ta không tắm nữa, mặc áo vào, cho than thêm vào lò bễ, bắt ấm nước lên, rồi gọi vợ súc cái bình tích trà hãm đi, cho trà khác vào, pha nước mời tôi uống và sưởi lửa, cũng nói chuyện. Lần này anh ta gọi tôi bằng ông, nói rằng: - Mười năm về trước tôi mong lại gặp ông mà không được gặp, lần này gặp, tôi không có chuyện nói. - Ông mà thiếu gì chuyện, như chuyện nói với tôi năm nọ khi đi đường từ Xuân Ðài đến Bảo An. Anh ta đưa tay lên khoát khoát, nói thật nhanh: - Thôi thôi, đã lâu nay tôi không còn nói những chuyện như thế nữa. Nói không có người nghe mà còn có hại. Giá tôi còn cứ nói cái lối đó thì không thể nào lấy vợ và lập gia cư ở làng ông được. Tôi nói: - Ðã thế thì đến phiên tôi. Trước kia ông không sợ mếch lòng tôi, thì bây giờ tôi cũng không sợ mếch lòng ông mà hỏi ông một vài điều. Anh ta cười một cách thẳng thắn. - Ðược lắm, những nhà giàu làng tôi họ đều nói ông hay ăn cắp vàng nên họ không dám thuê ông làm cái gì hết, bây giờ ông vác lò bễ đến đây làm gì? Anh ta lại cười, nói dằn từng tiếng: - Sở dĩ tôi ở đây là vì có thể chữa đồng hồ, xe đạp, bút máy, khóa tây, nội những việc đó đủ cho tôi làm hàng ngày rồi, còn sự làm đồ vàng bạc thì chỉ thỉnh thoảng mới có. - Nhưng tôi muốn biết ông quả có ăn cắp vàng không? Và ăn cắp như thế nào? Anh ta lại cười một cách xỏ lá: - Thứ ăn cắp mà kể gì? Có những kẻ ăn cướp thì không ai nói đến. Tôi có ăn cắp vàng thật đấy, nhưng cũng tùy chỗ tùy người, ở làng Bảo An đây thì tôi không thèm. Rồi anh ta thuật lại chuyện ăn cắp vàng cho tôi nghe: - Năm Thành-Thái thập nhị, ông Nguyễn Hữu Thẳng làm Tổng đốc tỉnh ta, cô hầu ông ấy gọi là cô Hóa Mộc, tuy cô hầu mà oai quyền như bà lớn. Một hôm, tôi được trát đòi đến, lính bẩm báo rồi dắt vào nhà trong. Cô ta muốn tôi ở lại đây làm cho cô một đôi vòng chạm y như đôi cô có sẵn, và hỏi tôi có thể làm được không. Tôi nói “được”, và xin cho xem đôi vòng chạm sẵn có của cô. Cô ta mở tủ lấy ra, toan trao cho tôi. Tôi có 1 vuông lụa trắng tinh khiết bỏ sẵn trong túi, bèn lấy lót trên bàn tay, rồi mới nhận lấy đôi vòng tự tay cô đặt lên vuông lụa. Tôi đem ra chỗ sáng, cô đi theo. Tôi nhắc nhắc xem thử đôi vòng nặng bao nhiêu, và cầm tuổi vàng cho thật đúng, ngắm xem những nét chạm cho thật đâu ra đó, còn vặn chỗ cái cổ ra coi thử có chữ hay dấu hiệu gì không. Xong rồi, tôi trả đôi vòng lại và nói: “Bẫm bà lớn, đôi vòng này khéo lắm, chỗ cổ vặn ra vặn vô của nó có khắc cái chữ, bà lớn có để ý không?”. Cô ta nói: “Tôi biết, nó là chữ “ngọc”.Tôi nói: “Con có thể làm đúng y như thế, nhưng hôm nay con có việc riêng, không ở lại được, mười ngày nữa con xin đến làm hầu bà lớn, không dám sai hẹn”. Cô ta đồng ý. Nói đến đây, anh ta nổi ngáp một ngoi đôi ba cái, rồi xin lỗi tôi cho lên ván đốt đèn hút mấy điếu, và mời tôi nằm đối diện nghe nói tiếp. - Tôi về nhà, cầy cục làm mất sáu bảy ngày mới xong một đôi vòng cốt giả mạ vàng. Ðáng lẽ làm bằng đồng thì được lợi nhiều hơn nhưng vì có chạm phải làm bằng bạc. Thành khi rồi, xem tuổi vàng nét chạm cho đến cái chữ ở trong đều y hệt như đôi vòng của cô Hóa Mộc, đem mà đánh tráo, có thánh cũng không biết... Tôi ngắt: - Ðành rằng ông làm 1 cái rất giống, còn như đồng cân của đôi vòng, tức là sức nặng của nó, ông biết là bao nhiêu mà làm cho đúng được? - Ấy thế mới là tài. Anh ta cười híp mắt mà không ra tiếng. Chính ăn người là ở chỗ đó. Bất kỳ thử kim khí gì, tôi nhắc nhắc trên tay khắc đồng cân của nó đúng không sai. Chẳng tin, ông tháo cái dây chuyền đồng hồ đưa đây xem. Tôi tháo ngay cái dây chuyền để trước mặt anh ta. Kéo xong điếu thuốc anh ta đằng hắng một cái, ngồi dậy, cầm dây chuyền trên nhắc nhắc một cái rồi đứng dậy đi lấy cái cân tiểu-ly đưa cho tôi, nói quả quyết: - Ông biết mặt cân chứ? Cân xem. Cái dây chuyền này nếu nó là vàng thì nó nặng hơn, nhưng nó là đồng mạ vàng cho nên nó chỉ có ba chỉ tám. Tôi cân, quả thật, ba chỉ tám hơi yếu một chút, song đem vao chỗ ba chỉ thì hơi vát. Tôi kêu lên: - Thế thì tài thật. Xin chịu. Anh ta lại nói: - Còn một chỗ bí quyết nữa. Ông biết, vàng nặng hơn các thứ kim khí khác, nghĩa là vàng, bạc, đồng, chì cùng một thể tích thì lượng của vàng phải nhiều hơn. Vậy thì mình muốn cho đồng cân của đôi vòng giả bằng đôi vòng thật, mà cái vóc của nó cũng chỉ bằng đôi vòng thật, không to hơn, thế mới là khó. Nhưng cái đó co thực hành mới cắt nghĩa được, nói bằng miệng sợ ông cũng không hiểu. Nghỉ một lát anh ta kể tiếp đến cuộc đánh tráo: - Ðúng 10 ngày tôi lại đến. Hai bên thỏa thuận với nhau về điều kiện làm việc rồi, cô ta mở tủ lấy đôi vòng và vàng diệp ra đặt trên sạp, rồi gọi tôi đến đứng bên cạnh xem cô cân. Cân đôi vòng nặng một lạng hai -- tôi chắc dạ lắm, vì đôi vòng giả của tôi cũng đúng một lạng hai -- cho nhích một chút, định giao cả cho tôi. Tôi chưạ nhận, xin cho xem đôi vòng đã. Cô ta đứng dậy cầm bó vàng diệp cả chỗ một lạng hai cất vào tủ. Trong lúc đó tôi lấy đôi vòng giả ra đặt trên bàn tay trái, đậy vuông lụa trắng lên trên. Khi cô ta quay ra đưa đôi vòng cho tôi, tôi chìa bàn tay có vuông lụa trắng ra nhận lấy cũng như lần trước. Tôi đi ra chỗ sáng ngồi xuống làm bộ xem lại đôi vòng, cô ta cũng đi theo. Xem xong tôi đứng lên. Cô ta sấp lưng đi về chỗ sập. Tôi đi sau, lật cả vòng và vuông lụa từ bàn tay trái qua bàn tay phải, thành ra đôi vòng giả nằm trên, cứ thế mà trả lại cho cô ta, và tôi gấp nhanh vuông lụa có đôi vòng thật ở trong mà bỏ vào túi. Cô ta hỏi: “Chứ chú thợ không giữ lấy để làm mẫu à?”. Tôi nói:”Bẫm bà lớn, con xem hai lần như thế đủ rồi, xin bảo đảm làm thật đúng”. Cô ta khen: “Hèn chi mà nổi tiếng là thợ khéo. Tôi nhờ ông Phủ Ðiện viết trát đòi chú là vì có bà Phủ mách miệng”. Bấy giờ chừng mười giờ sáng, tôi xin đi ra mua thuốc phiện rồi trở lại nhận vàng diệp bắt đầu làm. Ra đến chợ Vĩnh Ðiện, tôi đem đôi vòng chạm vàng mười chính hiệu của “bà lớn” gửi cho một người anh em “đồng đạo”. Tôi không quên câu tục ngữ: “Có gian phải có ngoan”. - Ông ăn cắp chỉ có thế, hay là lúc trở lại làm còn ăn cắp nữa? Tôi hỏi. - Không, tôi dại gì mà ăn cắp nữa. Trong những ngày làm, cô ta ngồi giữ một bên, không phải vì thế mà tôi không ăn cắp được, có điều tôi đã định bụng không ăn cắp. Khi làm xong, tôi hỏi muốn khắc chữ gì. Cô ta ngẫm nghĩ rồi bảo: “ Tôi là người Hóa Mộc, khắc chữ “mộc”cho tôi. Tôi khôn ở chỗ đó. Bởi vì hai đôi vòng giống nhau như hệt, có khắc chữ khác nhau đễ làm dấu thì mai sau đôi giả có xì ra, hắn mới không có thể ngờ được là đôi do tay tôi làm. Cho đến bây giờ tôi cũng còn ân hận là, như thế, sẽ làm cho ông bạn đồng nghiệp nào của tôi đã làm cho hắn đôi vòng thật đó hóa ra là người bất lương thiện, nhưng ông tính, đã giết người ai còn gớm chảy máu. - Ông làm cái việc như thế có nhiều lần không? - Kể ra cũng không ít. Nhưng tôi đều ăn cắp ở bọn ăn cướp như Tổng Ðốc, Bố Chánh, án Sát, Phủ, Huyện, chính cái bà Phủ nói lúc nãy đã mất với tôi mấy lạng vàng mà không biết, đi “mách miệng” cho người khác. Những việc như thế tôi cũng chẳng dấu, cứ hay đem nói với người ta cũng như nói với ông đây, cho nên mang tiếng, chứ thuở nay đã có ai bắt được tôi ăn cắp đâu. Hỏi đến sự đúc súng, làm bạc giả, anh ta bảo: - Ta có nấu sắt được đâu mà đúc súng? Nhưng chữa súng thì có. Hồi tôi ở Ðà Nẵng, các thứ súng liệt máy của Tây thường đem thuê tôi sửa. Bạc giả thì tôi có làm, nhưng tính ra không có lợi gì mấy, về sau tôi không làm nữa. Năm Chuột còn nói cho tôi nghe về tính chất của các thứ loài kim và phép hợp kim, như đồng và kẽm, mỗi thứ bao nhiêu, hợp nhau thành ra thứ gì, đồng và thiếc bao nhiêu, hợp nhau thì thành ra thứ gì, nghe ra thông thạo như người có học chuyên môn. Tôi lấy làm lạ bèn hỏi: - Ông có học với thầy nào mà biết được những điều ấy là những điều mà các thợ bạc khác hầu như không biết? Anh ta vùng ngồi dậy, cười, ra điều đắc ý, vỗ vào đùi tôi: - Xưa nay mới có một người hỏi tôi câu ấy, là ông! Tôi chẳng học với thầy nào hết, tôi chỉ đọc có 1 cuốn sách là cuốn Kim Thạch chí-biệt. Tôi sửng sốt, nghĩ bụng: té ra anh này còn biết chữ nữa kìa. Cái tên sách ấy tôi chưa hề nghe, cũng không dám ngờ là anh ta bịa đặt. Một hôm khác tôi hỏi thầy tôi có biết cuốn Kim-thạch chí biệt không, thầy tôi cũng chịu không biết, và hỏi tôi nghe ở đâu, tôi kiếm đường nói trớ, chứ không dám nói nghe ở Năm Chuột. Cho mãi đến gần nay, đọc Lỗ Tấn toàn tập, tôi mới thấy trong đó có nhắc đến tên cuốn sách ấy. Tôi nghĩ mà lấy làm thẹn, sao mình đã không biết mà lúc bấy giờ không hỏi ngay anh ta, chỉ vì nghĩ mình là người học thức viết báo viết biếc, mà tỏ cái dốt trước mặt một anh thợ bạc thì ê quá. Ðó về sau mấy năm, mỗi năm tôi ở Hà Nội hoặc Saigon về thăm nhà, đều có đến với anh ta. Anh ta còn in trong đầu tôi mấy câu chuyện lý thú và bất ngờ nữa. Năm Chuột từng nói với tôi rằng từ rày anh ta không nói những chuyện như đã phê bình cậu tôi một cách không nể nang, nhưng rồi lại chứng nào tật ấy, vẫn không cải nết. Một lần, phê bình nhân vật làng tôi, anh ta chê ông Tú nọ dốt, ông Bá kia keo kiệt, cuối cùng anh ta nói: “tôi chỉ phục có hai người, một là ông Biện Chín, một là ông Tám Thứ”. Ông Tám Thứ, người Minh Hương, ở ngụ làng tôi, nghèo chuyên nghề làm thuốc, ít hay giao du với ai, tôi không biết ông ta cho lắm. Còn ông Biện Chín, tên thật là Phan Ðịnh, chú ruột tôi, cha của Phan Thanh, Phan Bôi. Chú tôi là dân tráng, nghèo, cố gắng lắm mới cho con đi học được, nhưng đúng là người “cần kiệm liêm chính” lại khẳng khái nữa, chính tôi, tôi cũng phục chú tôi mà sợ thầy tôi. Tôi không tham gia ý kiến gì, chứ ngấm ngầm chịu anh ta là biết người, phê bình đúng. Nhưng, trước mặt tôi mà nói như thế, tôi ngờ anh ta có ngụ một thâm ý, là anh ta không phục thầy tôi. Thầy tôi đã đỗ đại khoa, làm quan, bỏ quan về ở làng, cầm cân nẩy mực cho cả làng, cả tổng, không có mang tai mang tiếng gì, nếu anh ta không lấy làm đáng phục, chắc anh ta thấy về khía cạnh nào đó. Từ đó tôi đâm ra áy náy, hoặc giả cha mình cũng có khuyết điểm gì như cậu mình, làm cho người ngoài phi nghị mà mình không biết chăng. Tôi có đem hỏi chú tôi và thuật lại lời Năm Chuột khen phục chú, thì chú tôi trách tôi sao lại đi nghe chuyện của Năm Chuột. Thì ra chú tôi cũng có thành kiến đối với Năm Chuột như thầy tôi, như những người làng. Lần khác, bỗng dưng anh ta hỏi tôi: - Quan lớn nhà ta (chỉ thầy tôi) sao lại không làm quan nữa? Ông có nhớ lúc ngài bỏ quan mà về là bao nhiêu tuổi không? Tôi lấy làm lạ sao hắn lại hỏi mình điều ấy. Song cũng cứ theo mình biết mà trả lời: - Thầy tôi tuổi Tuất, cái năm cáo bệnh mà về là năm Kỷ Hợi, mới có ba mươi tám tuổi. Sở dĩ không làm quan nữa, có lẽ là tại không chịu làm với Tây. Cho đến lúc tôi ngoài 20 tuổi, thầy tôi vẫn coi tôi như trẻ con, những việc như thế chưa hề đem nói với tôi. Có điều một đôi khi tôi nghe thoảng qua dư luận bên ngoài, nhất là lúc ở Hải Phòng gặp Lê Bá Cử, ông ấy có kể cho tôi nghe khi ông làm phán-sự toà án Nha Trang, thầy tôi làm tri phủ, có lần cãi nhau kịch liệt với viên công sứ, chính ông đứng làm thông ngôn, thì tóm tắt mà trả lời như vậy. Nhưng Năm Chuột hỏi vặn tôi một câu rất oái ăm: - Ở làng này còn có 2 ông nữa đều làm đến tri huyện, đều bỏ quan mà về trước tuổi hưu trí, vậy thì ông cũng cho rằng 2 ông ấy cũng không chịu làm quan với Tây hay sao? “Thằng cha khó chịu thật” tôi nghĩ bụng. Không biết đối đáp thế nào với hắn, tôi phải nói một câu mà tự mình cũng thấy là non nớt quá: - Việc hai ông ấy thì tôi không biết. Anh ta vẫn cười cái lối xỏ lá rất khả ố. Ngớt cơn cười mới bình tĩnh nói: - Tôi cũng có nghe và biết về chánh tích và nhân phẩm của quan lớn nhà ta, nhưng tôi lại có một sở kiến khác, nói ra, ông đừng tưởng tôi cố ý làm đôi vòng thật nhanh thành ra đôi vòng giả thì tôi mới nói. - Thì ông cứ nói đi. - Làng Bảo An, người ta nói, không có đất phát quan lớn, mà kinh nghiệm xưa nay rành rành như thế. Từ trước bao nhiêu ông làm đến tứ phẩm trở lên đều bị cách tuột hết. Cho nên Ðồng Khánh, Thành Thái đến giờ, ông nào cũng làm đến phủ huyện rồi kiếm cách từ chức mà về. Nếu nói không chịu làm quan với Tây thì không làm từ đầu, chứ không có lẽ lúc mới ra làm, không biết rằng mình sẽ làm với Tây. Hai ông huyện kia cầy cục mãi đến ngoài bốn năm mươi tuổi mới về, còn quan lớn nhà ta về sớm là vì mới 38 tuổi đã làm Tri-phủ. Tôi làm như không để ý gật gật nhìn anh ta, kỳ thực tôi cho là cái sở kiến của anh ta đó, không biết chừng, là độc đáo. Làng tôi, tây giáp làng Ðông-Mỹ, đông giáp làng Xuân-Ðài, hai làng này đều có Tổng Ðốc, mà làng tôi, thi đỗ thì đông, đại khoa cũng có, nhưng không có quan to. Thuở Tự Ðức ông Nguyễn Duy Tự, làm đến phủ đoãn Thừa Thiên, ông nội tôi làm đến án-sát Khánh Hòa, cũng đều bị cách. Tôi không tin phong thủy, nhưng đó là sự thực. Hoặc giả các ông quan làng tôi, trong đó có thầy tôi, thấy thế mà sợ, làm đến phủ huyện lo rút lui cũng nên. Huống chi cái luận chứng của Năm Chuột rõ ràng mà đanh thép lắm, tôi bấy lâu trau dồi cái đức tính ngay thực của người viết báo, tôi không thể cãi chày cãi cối được. Tôi thấy chắc chắn lắm, vì tôi biết chịu chuyện cho nên anh ta thích nói chuyện với tôi, còn anh ta, hay nói cái lối móc ruột móc gan người ta như thế,cho nên họ mắng anh ta là nói láo nói phét. Có một sự rất lạ. Một lần tôi đến chơi, vẫn ngồi trên đòn kê xem anh ta làm việc, liếc thấy trong cái thùng đựng đồ nghề có quyển sách, tôi thò tay lấy xem, thì là một cuốn Thương-Sơn thi tập không có bìa, đã xé mất nhiều trang. Tôi hỏi: - Ông cũng có sách này à? Nó là một bộ đến 10 cuốn, sao ở đây chỉ còn 1 cuốn? - Tôi có mà tôi xé để quấn thuốc lá hết, chỉ còn 1 cuốn, bởi vì in bằng giấy quyến, quấn thuốc tốt lắm. - Ông có xem qua chứ? - Thơ của ông Hoàng mình xem thế nào được? Tôi chỉ xem được có mỗi một bài Mại Trúc Diêu. Tôi phát lạnh người. Tôi có đọc thơ Thương-Sơn rồi, tôi cũng không thích, nhưng cái bài Mại trúc diêu là bài thế nào, tôi có biết đâu? Chỉ vì dấu dốt, tôi lại cứ làm thinh, không hỏi anh ta. Về nhà, tối hôm ấy, tôi lật bộ thơ Thương-Sơn ra tìm, tìm được bài Mại trúc diêu. Về sau, tôi dịch ra đăng báo Phụ Nữ Tân Văn, sau nữa, đem in trong Chương Dân thi-thoại. Lục ra đây để bạn đọc thưởng thức cái mức thưởng thức văn học của anh thợ bạc: Bài hát bán tre Ngày đốn hai cây trúc Bán đi để dằn bụng Trong cửa tre đầy kho Ngoài cửa tiền chẳng cho Không nói thì cũng khổ Nói thì roi dài sẽ quật chú Rày về sau đừng đốn tre nữa Ðói nằm trong tre chết cũng đủ! Từ khi biết Năm Chuột có biết chữ Hán nhiều, xem sách xem thơ được rồi, tôi có lúc đem văn học nói với anh ta, anh ta chỉ nghe và hỏi chứ không tỏ ý kiến. Tôi có ý trách. Anh ta giải thích thế này: “Người ta, cái gì biết ít thì chỉ nên nghe chứ không nên nói, tôi nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ông, cũng như ông không dạy nghề làm thợ bạc cho tôi”. Anh ta làm thợ bạc, nhưng cũng kiêm luôn thợ rèn nữa mà là thợ rèn rất khéo. Những dụng cụ của anh ta như cái kìm, cái búa, cái kéo, anh ta đều đi đến lò bễ rèn, ngồi mà tự đánh lấy. Cái đó thì ở làng tôi có nhiều người biết, cái kìm của anh ta đánh, ai cũng chịu là không kém của Tây. Năm 1944, tôi ở Hà Nội, về nhà được mấy hôm thì thầy tôi mất. Làm đám xong, tôi ở luôn trong nhà ba bốn tháng không ra khỏi cổng. Buồn quá, một hôm tôi đi tìm anh ta. Ðến nơi, cái túp tranh không có nữa. Hỏi thì người ta nói Năm Chuột dọn đi đâu đã lâu rồi. Từ đó tôi mất Năm Chuột của tôi. Một lần, trước mặt ông Tú già, anh Giáp trong làng gọi Năm Chuột bằng ông, ông Tú già đập bàn quở: “Mầy gọi thằng Năm Chuột bằng ông, thì gọi tao bằng gì?” Tôi nghe mà tức mình, cho nên bài này, tôi nêu đầu đề là Ông Năm Chuột”. Phan Khôi Báo Văn - Hà Nội số 36 ra ngày 10/01/1958 ____

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2021

Nhà Thơ Hữu Loan KỂ CHUYỆN BỐ MẸ VỢ BỊ HÀNH QUYẾT Lời tự thuật của Thi sĩ HỮU LOAN, tác giả "MÀU TÍM HOA SIM" Hữu Loan Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung tôi cũng học tại Thanh Hóa, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. Đến năm 1938 – lúc đó tôi cũng đã 22 tuổi – Tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khóa ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi , Hồ Trọng Gin, Trịnh văn Xuấn , Đỗ Thiện và …tôi – Nguyễn Hữu Loan. Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. Ở Thanh Hóa, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới.Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà. Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái – lúc đó mới 8 tuổi- mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: ” Em chào thầy ạ!” Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một “bà cụ non”. Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chổ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn, những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt ….. Có lần tôi kể chuyện ” bà cụ non” ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em giận! Suốt một tuần liền, em nằm lì trong buồng trong, không chịu học hành… Một hôm bà tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện em nghe, rồi tôi đọc thơ… Trưa hôm ấy, em ngồi dậy ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý: “Mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu” Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi …..Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em.Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. Bất chợt em hỏi tôi:- Thầy có thích ăn sim không ?- Tôi nhìn xuống sườn đồi: tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ ... Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy chín mọng.- Thầy ăn đi.Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ:-Ngọt quá.Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những quả sim ngọt đến thế! Cứ thế, chúng tôi ăn hết qủa này đến qủa khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì….tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo! Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi… lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng ,em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi…Tôi quay đầu nhìn lại… em vẫn đứng yên đó … Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa. Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi vẫn được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 tuổi đã có nhiều chàng trai đên ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ … Chín năm sau, tôi trở lại nhà…Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em , hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp….Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối một chút nào. Mãi sau này mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm ” soạn kịch bản”. Một tuần sau đó chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là: ” yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả”. Tôi cao ráo, học giỏi, Làm thơ hay…lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo. Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long, huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết! Hai tuần phép của tôi trôi qua thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ. Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có giờ em không còn cô bé Ninh nữa mà là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, rồi quay đầu nhìn lại…..Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống. Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: vợ tôi qua đời! Em chết thật thảm thương: Hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi đi nên trượt chân chết đuối! Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại tôi tôi nỗi đau không gì bù đắp nỗi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi.Tôi phải giấu kín nỗi đau trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn … Dường như càng kềm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao, sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm sự gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong lòng tôi được bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra: “Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội… Những em nàng có em chưa biết nói. Khi tóc nàng đang xanh…” Tôi về không gặp nàng…Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại cho người bạn ở Thanh Hóa… Anh bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh. Đó là bài thơ Màu Tím Hoa Sim. Đến đây, chắc bạn biết tôi là Hữu Loan, Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2-4-1916 hiện tại đang “ở nhà trông vườn” ở làng Nguyên Hoàn – nơi tôi gọi là chỗ “quê đẻ của tôi đấy” thuộc xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa. Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi viết mới nổi những câu : “Chiều hành quân, qua những đồi sim… Những đồi sim, những đồi hoa sim.. Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết.. Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt…Và chiều hoang tím có chiều hoang biết…Chiều hoang tim tím thêm màu da diết.” Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội, từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi” hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi”. Bọn họ chê tôi ủy mị, hoạch hoẹ đủ điều, không chấp nhận đơn từ bỏ kháng chiến của tôi. Mặc kệ! Tôi thương tôi, tôi nhớ hoa sim của tôi quá! Với lại tôi cũng chán ngấy bọn họ quá rồi! Đó là thời năm 1955 – 1956, khi phong trào văn nghệ sĩ bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, đồng thời chống những kẻ bồi bút đan tâm lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cạn. Làm thơ thì phải có cái tâm thật thiêng liêng thì thơ mới hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì! Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó tôi khóc như vậy họ cho là khóc cái tình cảm riêng….Y như trong thơ nói ấy, tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn một tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông … Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc? Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước, có hai cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an theo dõi, cho người hại tôi … Nhưng lúc nào cũng có người cứu tôi! Có một cái lạ là thơ của tôi đã có lần cứu sống tôi! Lần đó tên công an mật nói thật với tôi là nó được giao lệnh giết tôi, nhưng nó sinh ở Yên Mô, thường đem bài Yên Mô của tôi nói về tỉnh Yên Bình quê nó ra đọc cho đỡ nhớ, vì vậy nó không nỡ giết tôi. Ngoài Yên Mô, tôi cũng có một vài bài thơ khác được mến chuộng. Sau năm 1956 , khi tôi về rồi thấy cán bộ khổ quá, tôi đã làm bài Chiếc Chiếu, kể chuyện cán bộ khổ đến độ không có chiếc chiếu để nằm! Định mệnh đưa đẩy, dắt tôi đến với một phụ nữ khác, sống cùng tôi cho đến tận bây giờ. Cô tên Phạm Thị Nhu, cũng là phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Cô vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ năm 1954, 1955. Lúc đó tôi còn là chính trị viên của tiểu đoàn. Tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học , lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa. Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng. Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần năm trăm mẫu tư điền. Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chổ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông. Thế rồi, một hôm, tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố. Hai vợ chồng ông bị đội Phóng tay phát động quần chúng đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại hai cái đầu đó cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đội Phóng tay phát động đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng. Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói. Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ. Sự quyết định của tôi không lầm. Quê tôi nghèo, lúc đó tôi còn ở trong bộ đội nên không có tiền, nhưng cô chịu thương chịu khó , bữa đói bữa no…. Cho đến bây giờ cô đã cho tôi 10 người con – 6 trai, 4 gái – và cháu nội ngoại hơn 30 đứa! Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ, thế mà chúng vẫn trù dập, không chịu để tôi yên. Tới hồi mới mở cửa, tôi được ve vãn, mời gia nhập Hội Nhà Văn, tôi chẳng thèm gia nhập làm gì. Năm 1988, tôi ” tái xuất giang hồ” sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nghèo đèo heo hút gió. Tôi lang bạt gần một năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian tổ chức để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí – xuất bản và đổi mới thực sự. Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty Viek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyển bài Màu Tím Hoa Sim của tôi với giá 100 triệu đồng. Họ bảo đó là một hình thức bảo tồn tài sản văn hóa. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia “lộc” cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi già, sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan. Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác, nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán. Màu tím hoa sim (Nguyên văn của tác giả) Nàng có ba người anh đi bộ đội Những em nàng Có em chưa biết nói Khi tóc nàng xanh xanh Tôi người Vệ quốc quân xa gia đình Yêu nàng như tình yêu em gái Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo mới Tôi mặc đồ quân nhân đôi giày đinh bết bùn đất hành quân Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo Tôi ở đơn vị về Cưới nhau xong là đi Từ chiến khu xa Nhớ về ái ngại Lấy chồng thời chiến binh Mấy người đi trở lại Nhỡ khi mình không về thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê… Nhưng không chết người trai khói lửa Mà chết người gái nhỏ hậu phương Tôi về không gặp nàng Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương tàn lạnh vây quanh Tóc nàng xanh xanh ngắn chưa đầy búi Em ơi giây phút cuối không được nghe nhau nói không được trông nhau một lần Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím áo nàng màu tím hoa sim Ngày xưa một mình đèn khuya bóng nhỏ Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa… Một chiều rừng mưa Ba người anh trên chiến trường đông bắc Được tin em gái mất trước tin em lấy chồng Gió sớm thu về rờn rợn nước sông Đứa em nhỏ lớn lên Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị Khi gió sớm thu về cỏ vàng chân mộ chí Chiều hành quân Qua những đồi hoa sim Những đồi hoa sim những đồi hoa sim dài trong chiều không hết Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa Áo anh sứt chỉ đường tà Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau Chiều hoang tím có chiều hoang biết Chiều hoang tím tím thêm màu da diết Nhìn áo rách vai Tôi hát trong màu hoa Áo anh sứt chỉ đường tà Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu… Màu tím hoa sim, tím tình trang lệrớm Tím tình ơi lệ ứa Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím Tôi ví vọng về đâu Tôi với vọng về đâu Áo anh nát chỉ dù lâu… (1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh) Hữu Loan © Hữu Loan Nguồn: Huỳnh Ngọc Chênh blog.

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

1-Bánh trôi nước Thân em vừa trắng, lại vừa tròn, Bảy nổi ba chìm với nước non. Lớn nhỏ mặc dù tay kẻ nặn, Mà em vẫn giữ tấm lòng son. 2-Vịnh cái quạt Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa, Duyên em dính dán tự bao giờ, Chành ra ba góc da còn thiếu, Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa. Mát mặt anh hùng khi tắt gió, Che đầu quân tử lúc sa mưa. Nâng niu ướm hỏi người trong trướng, Phì phạch trong lòng đã sướng chưa? 3-Cảnh thu Thánh thót tầu tiêu mấy hạt mưa, Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ, Xanh ôm cổ thụ tròn xoe tán, Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ. Bầu dốc giang sơn say chấp rượu. Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ. Ơ hay, cánh cương ưa người nhỉ, Ai thấy, ai mà chẳng ngẩn ngơ. 4-Thơ tự tình Tiếng gà xao xác gáy trên vòm Oán hận trông ra khắp mọi chòm Mõ thảm không khua mà cũng cốc Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ Sau hận vì duyên để mõm mòm Tài tử văn nhân ai đó tá Thân này đâu đã chịu già tom. 5-Vấn nguyệt Trải mấy thu nay vẫn hãy còn, Cớ sao khi khuyết lại khi tròn? Hỏi con Bạch Thố đà bao tuổi? Hỏi chị Hằng Nga đã mấy con? Đêm tối cớ sao soi gác tía? Ngày xanh còn thẹn mấy vầng tròn. Năm canh lơ lửng chờ ai đó? Hay có tình riêng mấy nước non? 6-Động Hương tích Bầy đặt kìa ai khéo khéo phòm, Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom. Người quen cõi Phật chen chân xọc, Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm. Giọt nước hữu tình rơi thánh thót, Con thuyền vô trạo cúi lom khom. Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại, Rõ khéo trời già đến dở dom. 7-Hoạ Nhân Vài hàng chữ gấm chạnh niềm châu, Nghĩ tưởng năm canh nguyệt hé lầu. Lá nhuộm thức lam thêm vẻ thẹn, Sương pha khói biếc rộn thêm sầu. Thẩn thơ trước viện, nhà khoe gió, Đồng vọng bên tai, địch thét đâu, Ướm hỏi trăng già khe khắc bấy, Trêu nhau chi những sợi cơ cầu. 8-Đá Ông Bà Chồng Khéo khéo bày trò tạo hoá công Ông Chồng đã vậy lại Bà Chồng Tầng trên tuyết điểm phơ đầu bạc Thớt dưới sương pha đượm má hồng Gan nghĩa dãi ra cùng chị Nguyệt Khối tình cọ mãi với non sông Đá kia còn biết xuân già giặn Chả trách người ta lúc trẻ trung 9-Hỏi Trăng Một trái trăng thu chín mõm mòm, Nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom! Giữa in chiếc bích khuôn còn méo, Ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm. Ghét mặt kẻ trần đua xói móc, Ngứa gan thằng Cuội đứng lom khom. Hỡi người bẻ quế rằng ai đó, Đó có Hằng Nga ghé mắt dòm. 10-Duyên Kỳ Ngộ Nghìn dặm có duyên sự cũng thành, Xin đừng lo lắng hết xuân xanh. Tấc gang tay họa thơ không dứt, Gần gụi cung dương lá vẫn lành. Tên sẵn bút đề dường chĩnh chện, Trống mang dùi cắp đã phanh phanh. Tuy không thả lá trôi dòng ngự, 11-Canh khuya Canh khuya văng vẳng trống canh dồn Trơ cái hồng nhan mấy nước non Chén rượu hương đưa say lại tỉnh Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn Xiên ngang mặt đất rêu từng đám Đâm toạc chân mây đá mấy chòm Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại Mảnh tình son trẻ tí con con 12-Chơi khán đài Êm ái chiều xuân tới Khán Đài Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai Bốn mùa triêu mộ, chuông gầm sóng Một vũng tang thương, nước lộn trời Bể ái ngàn trùng khôn tát cạn Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi Nào là cực lạc là đâu tá? Cực lạc là đây, chín rõ mười 13-Chùa sài sơn Khen thay con tạo khéo khôn phàm Một đố giương ra biết mấy ngàm Triền đá cỏ leo sờ rậm rạp Lạch khe nước rỉ mó lam nham Một sư đầu trọc ngồi khua mõ Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am Đến nơi mới biết rằng Thánh Hoá Chồn chân mỏi gối hãy còn ham 14-Đánh Đu Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,(1) Người thì lên đánh kẻ ngồi trông, Trai đu gối hạc khom khom cật Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng. Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới, Hai hàng chân ngọc duỗi song song. Chơi xuân có biết xuân chăng tá. (2) Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!(3) 15-Đề nhị mĩ nhân đồ Ấy bao nhiêu tuổi hỡi cô mình Chị cũng xinh mà em cũng xinh Trăm vẻ như in tờ giấy trắng Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh Phiếu mai chăng dám đường kia nọ Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh Có một thú vui sao chẳng vẽ Trách người thợ ấy khéo vô Tinh 16-Lấy chồng chung Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng Chém cha cái kiếp lấy chồng chung Năm chừng mười họa hay chăng chớ Một tháng đôi lần có cũng không Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng Cầm bằng làm mướn mướn không công Nỗi này ví biết dường này nhỉ Thời trước thôi đành ở vậy xong 17-Tự tình 1 Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom, Oán hận trông ra khắp mọi chòm. Mõ thảm không khua mà cũng cốc, Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om. Trước nghe những tiếng thêm rầu rỉ, Sau giận vì duyên để mõm mòm. Tài tử văn nhân ai đó tá? Thân này đâu đã chịu già tom! 18-Tự tình 2 Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn, Trơ cái hồng nhan với nước non. Chén rượu hương đưa say lại tỉnh, Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn, Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám. Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn. Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại, Mảnh tình san sẻ tí con con! 19-Tự tình 3 Chiếc bánh buồn vì phận nổi nênh, Giữa dòng ngao ngán nỗi lêng đênh. Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng, Nửa mạn phong ba luống bập bềnh. Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến, Giong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh. Ấy ai thăm ván cam lòng vậy, Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh. 20-Chế sư Chẳng phải Ngô chẳng phải ta Đầu thì trọc lốc áo không tà Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà Khi cảnh khi tiu khi chũm choẹ Giọng hì giọng hỉ giọng hi ha Tu lâu có nhẽ lên sư cụ Ngất nghểu toà sen nọ đó mà 21. Ốc Nhồi Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi, Quân tử có thương thì bóc yếm Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi. 22-Hang cắc cớ Trời đất sinh ra đá một chòm Nứt làm đôi mảnh hổng hòm hom Kẽ hầm rêu mọc trơ toen hoẻn Luồng gió thông reo vỗ phập phòm Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm Con đường vô ngạn tối om om Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm 23- Du cổ tự Thầy tớ thong dong dạo cảnh chùa Cầm thư lưng túi rượu lưng hồ Cá khe lắng kệ đầu ngơ ngác Chim núi nghe kinh cổ gật gù Then cửa từ bi nêm chật cánh Nén hương tế độ cắm đầy lò Nhà sư ướm hỏi nhà sư tí Phúc đức nhà ngươi được mấy bồ 24. Lỡm Học Trò Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ Lại đây cho chị dạy làm thơ Ong non ngứa nọc châm hoa rữa Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa 15-Đánh cờ Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc, Ðốt đèn lên đánh cuộc cờ người. Hẹn rằng đấu trí mà chơi, Cấm ngoại thuỷ không ai được biết. Nào tướng sĩ dàn ra cho hết, Ðể đôi ta quyết liệt một phen. Quân thiếp trắng, quân chàng đen, Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa. Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa, Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên. Hai xe hà, chàng gác hai bên, Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ. Chàng lừa thiếp đương khi bất ý, Ðem tốt đầu dú dí vô cung, Thiếp đang mắc nước xe lồng, Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu. Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu, Thua thì thua quyết níu lấy con. Khi vui nước nước non non, Khi buồn lại giở bàn son quân ngà. 16-Vịnh Nằm Ngủ Trua hè hây hẩy gió nồm đông Tiên nữ nằm chơi quá giấc nồng Lược trúc chải cài trên mái tóc Yếm đào trễ xuống dưới nương long Ðôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt Ði thì cũng dở ở sao xong 17-Dệt Cửi Đêm Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau Con cò mấp máy suốt đêm thâu Hai chân đạp xuống năng năng nhắc Một suốt đâm ngang thích thích mau Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả Ngắn dài khuôn khổ vẫn như nhau Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ Chờ đến ba thu mới dãi màu 18-Đưa Đò Chú lái kia ơi, biết chú rồi, Qua sông rồi lại đấm ngay bòi! Chèo ghe vừa khỏi dòng sông ngược, Đấm cọc ngay vào ngấn nước xuôi. Mới biết lên bờ đà vỗ đít, Nào khi giữa khúc đã co vòi. Chuyến đò nên nghĩa sao không nhớ? Sang nữa hay là một chuyến thôi? 19-Đánh Đu Bốn cột khen ai khéo khéo trồng, Người thì lên đánh kẻ ngồi trông, Trai co gối hạc khom khom cật Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng. Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới, Hai hàng chân ngọc duỗi song song. Chơi xuân đã biết xuân chăng tá. Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không! 20-Tát Nước Đang cơn nắng cực chửa mưa tè, Rủ chị em ra tát nước khe. Lẽo đẽo chiếc gầu ba góc chụm, Lênh đênh một ruộng bốn bờ be. Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa, Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve. Mải việc làm ăn quên cả mệt, Dạng hang một lúc đã đầy phè. 21-Thương Ôi Phận Gái Thương ôi phận gái cũng là chồng Ghét bỏ nhau chi hỡi Nguyệt ông Rồng tắm ao tù từng phận tủi Mưa gieo xuống giếng uổng lòng mong Xót thân hoa nở song lầm cát Thẹn mặt trần ai đứng giữa vòng Âu hẳn tiền nhân sao đấy tá Thôi đành một kiếp thế cho xong 22-Thương Thay Phận Gái Thương thay phận gái cũng là người Nỡ bỏ xuân xanh quá nửa đời Ông Nguyệt nỡ nào trêu quải mãi Chị Hằng khéo nhẽ éo le thôi Hoa còn phong nhụy ong ve vãy Gió đã phai hương bướm tả tơi Quá ngán thợ trời ghê gớm bấy Xuân xanh được mấy chút thương ôi 23-Vấn Nguyệt Trải mấy thu nay vẫn hãy còn, Cớ sao khi khuyết lại khi tròn? Hỏi con Bạch Thố đà bao tuổi? Hỏi chị Hằng Nga đã mấy con? Đêm tối cớ sao soi gác tía? Ngày xanh còn thẹn mấy vầng tròn. Năm canh lơ lửng chờ ai đó? Hay có tình riêng mấy nước non? 24Thơ Tự Tình Tiếng gà xao xác gáy trên vòm Oán hận trông ra khắp mọi chòm Mõ thảm không khua mà cũng cốc Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ Sau hận vì duyên để mõm mòm Tài tử văn nhân ai đó tá Thân này đâu đã chịu già tom 25-Thương Há dám thương đâu kẻ có chồng, Thương vì một nỗi hãy còn không. Thương con cuốc rũ kêu mùa Hạ, Thương cái bèo non giạt bể Ðông. Thương cha mẹ nhện vương tơ lưới, Thương vợ chồng Ngâu cách mặt sông. Ấy thương quân tử thương là thế, Há dám thương đâu kẻ có chồng. 26-Tình Có Theo Ai Tình có theo ai nhớ lấy lời Những lời vàng đá phải lời chơi Đường tuy nửa bước xa ngàn dặm Duyên chửa trăm năm cũng một đời Tần Tấn đã đành duyên gặp gỡ Ngô Lào chi quản chuyện xa xôi Trăng thề muôn kiếp trơ trơ đó Tình có theo ai nhớ lấy lời 27-Cảnh Thu Thánh thót tầu tiêu mấy giọt mưa, Bút thần khôn vẽ cảnh tiếu sơ, Xanh om cổ thụ tròn xoe tán, Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ. Bầu dốc giang sơn say chấp rượu, Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ, Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ. 28-Duyên Kỳ Ngộ Nghìn dặm có duyên sự cũng thành Xin đừng lo lắng hết xuân xanh Tấc gang tay họa thơ không dứt Gần gũi cung dương lá vẫn lành Tên sẵn bút đề dường chĩnh chện Trống mang dùi cắp đã phanh phanh Tuy không thả lá trôi dòng ngự Chim tới vườn đào thế mới xinh 29-Ngại Ngùng Ngại ngùng chưng những lúc phân kỳ Vó ký dùng dằng bước chẳng đi Lưu giản đôi câu sa giọt ngọc Tương tư nửa gánh nặng vai chì Cầm thông sầu gảy năm cung biệt Rượu cúc say nghiêng một chén ly Tưởng nước non này trăng gió ấy Thấu tình chăng nhẽ khách tương tri 30- Không chồng mà chửa Cả nể cho nên hoá dở dang, Sự này có thấu hỡi chăng chàng. Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc, Phận liễu sao mà nảy nét ngang. Cái tội trăm năm chàng chịu cả, Chữ tình một khối thiếp xin mang. Quản chi miệng thế lời chênh lệch, Chẳng thế nhưng mà thế mấy ngoan.

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021

TỪNG ĐÔI CHIM BAY ĐI Vào những năm cuối của thập kỷ 70 thế kỷ trước , sau chiến dịch Mậu thân 1968 không giải phóng được miền Nam như mong muốn của lãnh tụ , cả nước bước vào giai đoạn mới , giai đoạn cuối quyết định thành bại của cuộc kháng chiến chống Mỹ nguỵ . Cả nước lên đường ra trận , mọi nguồn lực được huy động ra tiền tuyến với quyết tâm chính trị “ tất cả cho giải phóng miền Nam , thống nhất đất nước “ ! Chính vì vậy mọi phương tiện vận tải đều được trưng dụng phục vụ tiền phương : ô tô , tàu biển , tàu hoả , xe bò , xe ngựa , xe đạp , dắt bộ ... đều được huy động . Tàu hoả chỉ đi từ Lạng Sơn đến ga Vinh sau đó là trung chuyển với đầy đủ các phương tiện như đã nêu . Trên một chuyến tàu chợ đi từ Hà Nội về Nam chở rất nhiều bộ đội đi chiến trường , có cả nhân dân đi cùng . Vì lúc này những chuyến tàu dân sự cũng đã được trưng dụng để chuyển quân , quân và dân ngồi lẫn lộn trong cùng toa . Trên toa có vài em gái xinh đẹp trắng trẻo trẻ trung ngồi cùng nên đám lính rất vui , rất phấn khích vì trên đường ra trận dù vô tình ngẫu nhiên nhưng đã có những “ bóng hồng “ đưa tiễn , cảm động lắm chứ !!! Tàu đi được vài trăm cây số thì có những tình huống rất không tiện diễn ra . Ăn thì tốt rồi , đang vui thì đầu vào hết sức vô tư : mời chào , nài nỉ , yêu chiều , chăm sóc ân cần đủ cả ... Cho đến khi có nhu cầu giải quyết đầu ra là cả vấn đề lớn thậm chí là rất lớn ! Hồi đó tàu chợ không có nhà vệ sinh , tàu dừng ở đâu thì mọi người tranh thủ “ xả van “ ở đó , có thể là nhà VS trong ga hay giữa cánh đồng lộng gió bốn phương ... Có một em gái ( hình như là giảng viên của trường văn hoá nghệ thuật Nghệ An ) đi hàm thụ thạc sỹ ở Hà Nội về cùng đi trong toa bộ đội ấy . Nàng đang rất muốn đi cầu . Khi con người đã có nhu cầu đầu ra thì rất khó chịu , cấn cái lắm . Vì chất thải dồn xuống ruột già , đại tràng căng phồng nhức nhối ... áp suất bên trong chuẩn bị thắng áp suất bên ngoài nên dù chưa bĩnh ra cả quần thì xì hơi là tất yếu ! Nàng nhẹ nhàng nâng một bên mông lên để cho phép một em xì ra . Tất nhiên sau đó sẽ có sự bốc mùi thum thủm ! Để tránh mấy anh bộ đội nghi ngờ mình xì hơi nàng cố mơ màng nhìn ra cửa sổ tàu hoả bấy giờ đang băng qua những cánh đồng mùa lúa chín vàng tươi và cất lên “ từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng cánh chim xao xuyến ... “ . Rồi nàng lại nâng mông bên kia , một em nữa lại nhẹ nhàng bay ra ... và tiếng hát lại cất lên như không có gì xảy ra “ từng đôi chim bay đi ... “ . Tác phẩm nổi tiếng “ Bài ca hy vọng “ của nhạc sỹ Văn Ký đã được nàng ứng dụng vào cuộc sống cực kỳ xuất sắc , cả toa lính bất ngờ , ngây ngất trong không gian âm nhạc có mùi thum thủm ... Một anh lính ngồi gần đó chừng như đã đoán ra xuất xứ của cái mùi thum thủm và cũng đã hết mức chịu đựng bèn vổ vai em gái “ Này cô ơi , có mấy con cô cho ra hết một lần đi chứ thỉnh thoảng cô lại thả từng đôi thế này e tụi tui hết chịu nổi rồi cô ơi ! xin cô ! “ . 8383 48 bình luận Thích Bình luận Chia sẻ

CƯỜI CHÚT.... ĐỂ THẾ XEM SAO...ĐỂ THẾ XEM THAO Một gia đình khá gia giáo có một đứa con gái hơi lập dị , có nghĩa là nhẹ hơn tâm thần chút ít . Nhà cũng khá giả vì bố mẹ đều là công chức chính quyền thành phố . Cô này cũng khá luống tuổi nhưng chưa có gia đình vì ko có chàng nào mạnh dạn hỏi cưới , vì yêu thì khó nhưng muốn hưởng gia tài thì nhiều . Có chàng trai lười ko muốn nuôi vợ nuôi con rất thích lấy cô này để làm “ chuột sa chĩnh gạo “ nhưng ko dám tiếp cận và ngại nhà gia giáo . Thế rồi chàng cũng gặp quân sư … Vài ba tháng sau thì cô gái có bầu hẳn hoi . Ông bà tức lắm , nghĩ gia đình mình danh giá mà con chửa hoang thì nhục nên phát đơn kiện toà . Nhờ các chuyên gia hình sự cao cấp cũng xác định được đối tượng . Đáng ra với hoàn cảnh con gái như vậy , cài đặt kiếm tấm chồng cho con là thượng sách nhưng nhà này kiêu căng hãnh tiến nên cứ muốn người đời cầu cạnh , luồn cúi , và vì vậy phải ra toà . Hôm ở toà có đầy đủ ban bệ gia đình cô gái , anh chàng chỉ có một mình đơn độc . Toà gọi bên nguyên lên để lấy lời khai . Toà hỏi , cô hãy kể lại quá trình anh ta đã hiếp dâm cô thế nào ? Cô gái bắt đầu miêu tả quá trình bị hiếp : Em thấy trời tối rồi nên bắt đầu đi ngủ . Bỗng em nghe cổng nhà có người trèo qua . Em để thế xem thao ? Em nghe bước chân ngoài sân rất nặng và gấp gáp . Em để thế xem thao . Em nghe tiếng mở cửa chính , biết có người đã đột nhập vào nhà . Em để thế xem thao . Hắn mở cửa phòng em . Em để thế xem thao . Hắn vén màn và chui vào giường em . Em để thế xem thao . Hắn lần mò cởi quần em . Em để thế xem thao . Hắn đè lên người em rồi em nghe cái thượt , em thướng tê mê tận mận luôn ! Cả hội toà cười ấm ầm ko giữ gìn chi nữa !!! Hai ông bà gia giáo bất ngờ và hết điều để nói . Cả nhà mời chàng trai đã làm cô bé “ sướng tê mê tận mận “ chuồn lẹ về nhà , chắc để lo “ hậu sự “ !!! Trả lời Chuyển tiếp

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

KỶ NIỆM VỀ BAO CAO SU Chiện thứ 4 : Nỗi trăn trở về BCS của các bọ tộc Thời kỳ phôi thai của công cuộc kế hoạch hoá gia đình đúng là hết sức vất vả cho ngành này . Cơ số BCS miễn phí thì vẫn phát đều đều với số lượng rất lớn và cực lớn nhưng tỷ lệ sinh đẻ vẫn cao , thậm chí cao hơn khi chưa có BCS . Bộ máy tuyên giáo làm việc hết công suất mà vẫn ko thấm vào đâu . Các ca khúc khuyến khích dùng BCS được phổ cập đến tận liên đội TNTP . Loa phường cả ngày ra rả phổ biến phương pháp dùng BCS , thời lượng phát thanh chiếm một nửa chương trình , một nửa là truyền đạt nghị quyết . Ca khúc nổi tiếng “ Từ nay em khỏi đặt vòng , từ nay em được tự do … “ được trình bày mọi lúc mọi nơi trong mọi chương trình và mọi phương tiện . Thế mà công tác đẻ vẫn cứ liên tục , có nhà vạn đò dọc sông Gianh đẻ đến hơn 2 tá con . Sau khi tổng cục 2 tình báo quân đội vào cuộc mới tạm rõ sự tình . Tỉnh nào cũng có tình trạng tương tự . Hoá ra mô hình na ná nhau cả . Các anh đực được triệu đến trạm y tế xã để tập huấn . BS lấy BCS ra khỏi vỏ và bỏ vào ngón tay trỏ và giảng giải : Khi vợ chồng ngủ với nhau thì các bạn cứ làm như tôi là rất an toàn nhé . Thế là các bố mày cứ mỗi khi ngủ với vợ là luồn BCS vào ngón tay trỏ phải, để chắc ăn còn lấy dây chỉ quấn mấy vòng để khỏi tuột. Yên tâm rồi do đó các bọ cứ làm tới và dày hơn trước . Vậy là lại có bầu , lại đẻ con … Sau khi điều tra cụ thể BS kết luận vậy là sai rồi , và hướng dẫn lại . BS lấy giáo cụ là cái cán rựa rồi lồng BCS vào , cứ thế , cứ thế là an tâm . Về nhà các đực đẽo hẳn một cái cán gỗ lim và mỗi lần ngủ với vợ lại đeo BCS cho cái cán gỗ rồi đặt dưới chân giường và lại hì hục … sinh con . Bí quá BS triệu tập các đực vào nhà tắm , trật chym ra , luồn BCS vào và dặn cứ thế cứ thế là an toàn . Bọ về nhà cũng làm theo BS lồng BCS vào chym rất chuyên nghiệp . Thấy phía trước thừa một cái đầu nhỏ tý , bọ lấy kéo cắt cho gọn gàng và yên tâm vận hành . Lại tiếp tục có bầu và đẻ ! Khi bọ thành thạo theo chỉ dẫn của BS thì vợ chồng bọ có tới trai gái 23 mặt con và cũng đã đến tuổi mãn dục , nỏ cần kế hoạch hoá chi nữa !

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

. Dương Ngọc Dũng và TT Obama • Nhà nghiên cứu, nhà giáo, Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng: NGỌN NẾN TRONG ĐỜI LÊ MINH QUỐC (Thực hiện) Nhìn bề ngoài, có gì đó mạnh mẽ và quyết đoán. Khi trò chuyện sẵn sàng bộc bạch nỗi niềm, không giấu giếm. Ở con người đó còn là một sự lao động bền bĩ, đã từng viết nhiều tác phẩm nghiên cứu về triết học, tôn giáo như Kinh dịch và cấu hình tư tưởng Trung Quốc, Triết giáo Đông Phương, Đường vào triết học, Tôn giáo nhìn từ viễn cảnh xã hội học… Từ góc nhìn của một người đã trải qua môi trường giáo dục từ Đại học Harvard, Đại học Boston (Mỹ)… và giảng dạy tại các trường đại học trong và ngoài nước, ông đã trao đổi câu chuyện lý thú đã trải qua. Kinh nghiệm và trải nghiệm này có ý nghĩa dành cho nhiều người, nhất là những ai đang phấn đấu tự “nâng mình lên”. *Sự thành công và làm nên danh phận của một người không thể tách khỏi việc học. Kinh nghiệm của ông như thế nào? -Tôi chào đời năm 1956, với một đống dây chằng quấn xung quanh cổ, suýt chết ngạt. Mẹ tôi người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Bố tôi người miền Nam, hoạt động cách mạng, ở tù triền miên, lớn hơn mẹ tôi gần hai chục tuổi. Mẹ tôi buôn bán đủ các kiểu để nuôi một đám con đến tuổi ăn rất hăng. Cảm giác hụt hẫng xuất phát từ chỗ tôi không theo kịp với bạn bè trong lớp. Vì thế mỗi khi nhắc đến chuyện đi học, luôn cảm thấy chán chường. * Vậy, ông tìm niềm vui nơi đâu? - Niềm an ủi duy nhất của tôi lúc bấy giờ là sách. Tôi đọc rất nhiều và khao khát khi lớn lên mình cũng được giống như những người viết ra những cuốn sách như vậy, phải là người thông thạo nhiều ngoại ngữ, học rộng, biết nhiều và miệt mài sáng tác. Cảm nhận của tôi lúc bấy giờ là như vậy. Còn sách tôi đã đọc rất nhiều nhưng chả theo một nề nếp thứ tự gì cả. Mỗi khi buồn không còn gì để đọc tôi còn đọc cả sách dạy nấu ăn. Nhà tôi ở kế bên tiệm cho thuê sách. Ông chủ tiệm đó trước đây kiêm luôn thợ cắt tóc. Mỗi lần qua chỗ ông cắt tóc là tôi hỏi ông có cuốn nào mới không. Cả một tiệm sách cho thuê gần nhà không còn cuốn gì mà tôi chưa đọc. Thậm chí tôi còn nhớ khi ngọn đèn duy nhất trong nhà tôi tối dần vì điện yếu- các nhà giàu bên cạnh có ti vi và dùng máy survolteur để tăng điện, hút hết điện của những nhà nghèo xung quanh - tôi bắc ghế rồi đứng lên, cầm cuốn sách đưa sát vào bóng đèn để đọc. Tôi nhớ mãi ánh sáng của nó. Ánh sáng mờ yếu của nó vẫn tiếp tục chỉ đường cho tôi qua bao năm tháng. Một phần đời của tôi là sách. Sách chi phối mọi suy nghĩ của tôi cho đến tận ngày nay. Thú vui lớn nhất của tôi bây giờ vẫn là đọc sách, cho nên bị phong tỏa trong mùa dịch tôi cũng chẳng lấy gì làm buồn bực cho lắm, ngoài việc không được đi dạy. *Nhiều người nổi tiếng, thành đạt cũng cho biết họ đã trưởng thành từ sách, chi tiết này thêm một lần nữa cho thấy ích lợi của việc đọc sách. Thế, sau đó thế nào, thưa ông? - Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1974, tôi ghi danh vào Đại học Khoa Học với ý định sẽ thi vào trường Y. Học chưa đến đâu thì đất nước diễn ra sự kiện 30.4. 1975, tôi lại đổi ý thi vào học tiếng Anh tại trường Đại Học Tổng Hợp TP.HCM, tốt nghiệp loại giỏi năm 1980, tôi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Chưa kịp soạn bài giảng thì được chiêu tuyển vào Sở Công An Thành Phố, biến thành một sĩ quan an ninh. Lúc được chuyển công tác về lại trường năm 1987 thì năm 1989, tôi được trúng học bổng du học tại Úc (Đại học Canberra). * Chẳng lẽ lần này cũng là… sách nữa chăng? - Vâng. Sang bên Úc thay vì tập trung vào việc học để lấy bằng và để dành tiền mua xe Honda Cub, tôi lại lang thang xung quanh mấy tiệm sách cũ, tìm đọc Michel Foucault, Jacques Derrida, những tác giả mà tôi đã nghe danh từ hồi còn học trung học. Cảm nhận chung của tôi về tuổi trưởng thành là tôi phản đối mọi thứ. Tôi có cảm giác mọi thứ lý thuyết đều sai. Nó không phải là cảm giác hoài nghi mà là sự phủ định triệt để đối với tất cả những điều người khác nói, kể cả thầy cô của tôi. Tôi cảm thấy họ chỉ căn cứ vào một vài cuốn sách giáo khoa nào đó rồi giảng lại cho học trò giống như cái máy thu âm. Tôi ghét giáo viên đến mức thề sẽ không bao giờ lấy vợ là cô giáo! Vậy mà người vợ đầu tiên của tôi là… một cô giáo chính cống, còn bản thân tôi cũng đã hít phấn khoảng hơn ba mươi năm! Có thể nói, tôi và sách là “duyên nợ”, bởi năm 1993 tôi được Viện Harvard-Yenching cho học bổng đi du học ngành Khu Vực Học - Đông Á (Regional Studies - East Asia) tại trường Harvard lừng danh thế giới. Đây là một kinh nghiệm làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Tôi lại cắm đầu đọc sách và học bất cứ thứ gì tôi thích. Đi ngang một lớp học thấy đông sinh viên tôi cũng ráng chui vào xem ông thầy dạy cái gì. Té ra vị giáo sư này đang giảng một môn nghiên cứu về… cái chết (mortuary studies): kỹ nghệ sửa sắc đẹp cho các nạn nhân bị xe cán, công việc kinh doanh của ngành mai táng, phong tục mai táng của nhiều dân tộc v.v… Thế là đăng ký học luôn! Sau này về quê hương lỡ thất nghiệp thì chuyển sang kinh doanh… đám ma! Tôi có một hứng thú đặc biệt đối với các chủ đề tôn giáo nên xin học bổng học thêm về ngành tôn giáo học sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ (1995). Khoa Tôn Giáo trường đại học Boston sau khi phỏng vấn đã nhận tôi vào chương trình dưới sự hướng dẫn của GS. Malcolm D. Eckel. Đây là thời gian đẹp nhất trong sự nghiệp học hành của tôi nhưng nếu viết thành tiểu thuyết thì sẽ là một câu chuyện nhạt nhẽo nhất trên đời vì mọi hoạt động của nhân vật chính chỉ diễn ra trong thư viện, giữa chồng sách cũ chẳng ai buồn ngó ngàng đến. Sau khi về nước, năm 2002, đến trình diện tại Khoa Đông Phương Học (Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn, TP.HCM), tôi làm công tác giảng dạy, làm Trưởng bộ môn Ấn Độ học, dạy môn Tôn giáo Đông Á, rồi dạy các môn lịch sử Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, và triết học trong khoa học tự nhiên… cho đến ngày về hưu vào năm 2021. Và như đã nói, từ việc đam mê đọc sách, ngoài việc giảng dạy, cho đến nay tôi vẫn tiếp tục viết sách. *Ngoài đam mê về sách, khi du học tại Mỹ, nay nhìn lại, ông có thấy có sự khác biệt gì trong lối giáo dục tại Việt Nam? - Tôi thấy rằng so sánh nền giáo dục Việt Nam với nền giáo dục ở những trường như Harvard hay Boston thì quả thật hết sức khập khiễng. Nhưng rất cần so sánh để có thể rút ra những bài học hữu ích. Ưu điểm lớn nhất của đại học Harvard hay Boston là hệ thống thư viện cực tốt. Tìm sách gì cũng có. Nhân viên thư viện là những người được đào tạo chuyên nghiệp để giúp đỡ sinh viên hay bất kỳ học giả nào. Họ không đơn thuần là những người ngồi giữ sách cho thư viện. Ngay tại Harvard những năm 1993 mà tôi vào thư viện có thể tìm thấy báo chí Việt Nam để đọc. Một bà giáo sư đã làm ầm lên vì còn thấy cả tạp chí Playboy trong thư viện. Ưu điểm thứ hai là rất nhiều môn học để lựa chọn. Vào đầu học kỳ mọi sinh viên đều được phát một quyển sách dầy cui ghi rõ khoảng hơn ba ngàn môn học (courses). Và sinh viên phải chọn bốn môn cho một học kỳ (term). Thử tưởng tượng: phải chọn bốn “cô” trong ba ngàn “cô” xinh đẹp! Thế là sinh viên vắt giò lên cổ mà chạy qua các giảng đường để chọn được những môn vừa ý nhất. Tuần đầu là tuần shopping nên sinh viên tha hồ lượn vào các lớp, ngồi nghe thầy giảng khoảng năm mười phút, rồi lại cấp tốc lên đường chạy qua một lớp khác. Chính ở điểm này thì tôi không biết cho đến bao giờ Việt Nam chúng ta mới theo kịp. Các giáo sư có văn phòng riêng và họ sẵn sàng đón tiếp sinh viên vào những giờ họ không phải lên lớp. Giáo sư, sau khi dạy xong, phải quay lại văn phòng và làm việc (nghiên cứu) ở đó cho đến giờ về (5 giờ chiều). * Ông vừa nói “Các giáo sư có văn phòng riêng”, có phải là họ… mở lớp dạy thêm, tức họ cũng “chạy sô” như ở ta? - Không. Không có hiện tượng giáo sư chạy sô kiếm thêm tiền. Đừng nói về tiền lương! Giáo sư đại học ở Mỹ lương rất thấp, trung bình khoảng từ 50,000 đến 60,000 đô mỗi năm, và tương lai thì không có gì chắc chắn, vì nhà trường đa số chỉ ký hợp đồng chứ không tuyển họ vào biên chế. Giáo sư Việt Nam có cuộc sống ổn định hơn nhiều, được vào biên chế, và được…chạy sô. Nhưng điều kiện giảng dạy của các giáo sư Mỹ rất tốt, dạy đúng chuyên môn yêu thích của mình, và luôn có điều kiện được cập nhật tri thức thông qua việc tham gia các hội thảo quốc tế chuyên ngành. Theo kinh nghiệm của tôi, tại Việt Nam mọi chuyến đi nước ngoài để dự hội nghị hiếm khi nào đến tay các giảng viên. Chủ yếu là ban giám hiệu hay ban chủ nhiệm khoa thay phiên nhau đi dự hội thảo. Họ đi dự hội thảo như đi chợ. Về đến nhà thì lại đi họp. Họp suốt ngày suốt đêm. Tôi thực sự không hiểu họ đào đâu ra thời giờ để đọc sách chuyên môn, chứ đừng nói gì đến việc nghiên cứu! Cũng “may” cho tôi là không được nhà trường giao cho chức vụ quản lý nào nên cũng còn thời gian đọc sách để cập nhật thông tin kể từ ngày rời Boston về Việt Nam. Bên Mỹ hầu như giáo sư rất ít khi tham gia họp nhiều như các đồng nghiệp của họ ở Việt Nam. * Nhắc đến ông, nhiều người vẫn tò mò, không rõ vì sao, ông lại được phía Mỹ chọn làm người phiên dịch cho Tổng thống Obama tại chùa Ngọc Hoàng (TP.HCM)? Có phải do ông đã từng là sĩ quan an ninh hay từ mối quan hệ nào khác? - Do đâu, tôi cũng không biết. Vào một ngày trong năm 2016, đang làm việc tại nhà tôi nhận được một cuộc gọi từ Tổng lãnh sự Mỹ. Người gọi yêu cầu gặp tôi tại quán cà phê Starbucks trước tòa nhà Tổng lãnh sự số 4 Lê Duẩn (Q.1). Hôm sau khi gặp người gọi điện tôi mới biết mình có vinh dự được “chọn” làm người hướng dẫn tổng thống Obama đi thăm chùa Ngọc Hoàng. Tôi cứ tưởng các em học trò của tôi đang làm trong Tòa lãnh sự giới thiệu nhưng sau đó mới biết rằng chính… Google đã “chọn” tôi. Theo lời thuật lại của người nhân viên lãnh sự, bộ phận trợ lý cho Tổng thống Obama cần một người giới thiệu cho tổng thống về ngôi chùa Ngọc Hoàng mà ông dự định ghé thăm trong chuyến công du đến Việt Nam và họ đã “hỏi ý kiến” Google. Sau ba lần “nhờ tư vấn” họ quyết định chọn tôi. Theo đúng tư duy Việt Nam, đáng lý họ phải hỏi ý kiến Bộ Ngoại Giao Việt Nam mới đúng và Bộ Ngoại Giao chắc chắn sẽ hỏi bộ phận an ninh của Bộ Công An để tìm người phù hợp. Nhưng Google đã thay thế mọi thủ tục cần thiết. *A, xét ra mọi “thủ tục” đơn giản quá, thế thì sau đó, công viêc của ông… cũng đơn giản chăng? - (Cười). Không hề. Khi chấp nhận làm người hướng dẫn cho tổng thống Obama, tôi phải chấp nhận 2 điều. Thứ nhất: không tiết lộ với bất kỳ ai về nhiệm vụ của mình, kể cả vợ con. Thứ hai: tôi phải chấp nhận trải qua một cuộc huấn luyện nghiêm túc và có thể bị từ chối không cho tham gia thực hiện nhiệm vụ vào giờ chót. Thế là ngay ngày hôm sau tôi phải vác xác đến chùa Ngọc Hoàng gặp một số nhân viên mật vụ Mỹ và bắt đầu công tác huấn luyện. Một anh chàng cao to đóng giả làm tổng thống Obama, còn tôi đương nhiên là đóng vai trò của người hướng dẫn, kể lại lịch sử của ngôi chùa, dẫn “tổng thống” đi thăm quan, và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của ông. Người mật vụ dặn đi dặn lại: “Tuyệt đối không được đụng chạm vào người của tổng thống vì bất cứ lý do gì! Nếu anh làm thế, anh sẽ bị bắn!”, “Không được đưa tay ra bắt tay tổng thống!”, “Khi tổng thống bước đi phải đếm cho đến 8 mới được bước theo! Nếu anh đi nhanh quá sẽ chạm vào người tổng thống, thì…”, nghe nhắc đi nhắc lại mấy lần “anh sẽ bị bắn”, tôi cũng khớp. Sau ba tuần lễ tập dợt, người mật vụ nói: “Anh đã làm rất tốt! Thời gian anh và Tổng thống ở trong chùa trung bình là 25 phút!”. Sau đó, họ ghi âm tất cả những điều tôi sẽ nói với Tổng thống và kiểm tra nhiều lần xem tôi có muốn thay đổi điểm nào không. Ngày quan trọng đã đến. Trong đời tôi, ngay cả khi bước lên bục để nhận văn bằng Tiến sĩ tại Trường Đại học Boston, tôi chưa bao giờ run như thế, có cảm giác như bị ai nhét đầu vào một cái thùng sắt, không làm sao nhúc nhích được. Đúng 14 giờ 30, tôi nhận được điện thoại yêu cầu đến trước khách sạn Sofitel trên đường Lê Duẩn. Khi đến nơi tôi chẳng thấy ma nào đón. Còn đang ngơ ngác thì nhận tiếp một cuộc gọi, yêu cầu tôi nhìn sang phía tay trái, sẽ thấy một chiếc xe 16 chỗ. Tôi leo lên xe, hoảng hồn khi thấy một đám lính đặc nhiệm ăn mặc như các ninja Nhật vũ khí tận răng đã ngồi sẵn. Không ai mở miệng nói bất cứ câu gì. Chiếc xe lập tức rẽ Đinh Tiên Hoàng lao thẳng về phía đường Mai Thị Lựu. Ngay khúc cua rẽ vào chùa, lực lượng an ninh Việt Nam đã chặn chúng tôi lại. Tôi phải bước xuống xe giải thích xong mới được cho qua. Rất nhiều người dân bu xung quanh xe hét vang: “Obama! Obama!”. Họ tưởng xe này đang chở Tổng thống Obama. Bà chủ quán bánh cuốn Tây Hồ đứng bên kia đường há hốc mồm khi nhìn thấy tôi mặc đồ vét oai phong đi cùng một đám lính đặc nhiệm to cao lẫm liệt. Bà ngạc nhiên là phải vì tôi thường ăn ở quán của bà nhiều lần đến mức có khi còn được cho ghi sổ. Xe tiến vào chùa Ngọc Hoàng. Tôi được yêu cầu chờ lệnh “bổ nhiệm” cuối cùng vì tôi vẫn có thể bị cho về nhà vì một lý do an ninh khó hiểu nào đó. Khoảng 3 giờ chiều, nhân vật phụ trách an ninh của Tổng thống Obama đã đến. Lúc đó tôi mới biết có một nhân vật khác cũng đã được huấn luyện y hệt như tôi trong 3 tuần qua. Anh chàng này người Mỹ, tên Frank, đến từ Đài Loan, là một chuyên gia về Phật giáo Trung Quốc. Thế là tôi và Frank, hai con “gà chọi,” đứng trình diện trước mặt nhân vật cao cấp kia để ông ta quyết định chọn một người. Ông ta liếc nhìn tôi thật nhanh rồi gật đầu. Thậm chí tôi thấy ông ta không nhìn Frank một giây nào. Sau đó ông ta quay lưng đi rất nhanh về phía chiếc Cadillac One đang đậu phía trước. Không nói một lời. Người nhân viên phụ trách đào tạo tôi trong 3 tuần qua vui mừng ôm lấy tôi, nói liên tục: “Thành công rồi”. Frank mặt mũi méo xẹo, tiến tới chúc mừng tôi. Thế là tôi đã được chính thức “bổ nhiệm” làm người hướng dẫn cho Tổng thống Obama. Người nhân viên vẽ một vòng tròn dưới đất bằng phấn trắng ngay phía trước cái thùng phước sương của nhà chùa và yêu cầu tôi đứng trong cái vòng đó, chờ tổng thống đến. Nếu tổng thống chưa đến, mà tôi bước ra khỏi cái vòng đó thì…: “Tôi sẽ bị bắn” Tôi ngắt lời. Người nhân viên bật cười: “Vâng, tất nhiên”. *Nghe ông kể, cảm thấy hồi họp và rất thú vị. Thế thì, sau đó? -Đúng giờ “hoàng đạo” thì “hoàng đế” đến! Đúng 16 giờ theo lịch trình. Khi người nhân viên nhắc tôi: “Bước qua phía tay trái!” tôi lập tức làm theo như cái máy. Wow! Sừng sững trước mặt tôi là ông chủ của Nhà Trắng, nhân vật quyền lực nhất thế giới, cao to như một cầu thủ bóng rổ, đang chìa bàn tay to như cái quạt thằng Bờm về phía tôi, với nụ cười rạng rỡ, phô hàm răng sáng bóng. Tôi quá xúc động, cứ ngẩn tò te, quên cả câu nói thông thường nhất khi mới đi học tiếng Anh hơn bốn mươi năm về trước. Chắc hẳn Tổng thống Obama quá quen thuộc với chuyện này nên ông ta siết chặt tay tôi, nhắc lại: “How are you doing?” Tôi như choàng tỉnh, lập tức chào Tổng thống và mời ông ta vào chùa. Cùng đi với tôi trong cuộc đón tiếp là nhà sư trụ trì chùa Ngọc Hoàng, tên là Thông. Ông này người Hoa, chỉ ở Việt Nam sáu tháng, mặt mũi hiền lành, nhe răng cười suốt từ đầu đến cuối, chẳng nói câu gì. Toàn bộ cuộc nói chuyện về lịch sử ngôi chùa chỉ tốn khoảng 15 phút. Còn lại là những câu hỏi ngẫu nhiên khác trong quá trình đi thăm quan. *Trò chuyện này, có câu trì chuyện gì ấn tượng nhất, nay ông vẫn còn nhớ? Tôi nhớ nhất là hai câu. Sở dĩ tôi nhớ hai câu này vì sau này ngay cả báo chí Mỹ cũng đăng tải không chính xác. Câu thứ nhất là câu tôi trả lời câu hỏi của tổng thống Obama: “Tại sao nhiều người đến viếng chùa?” Tôi đáp: “Vì nhiều lý do nhưng lý do quan trọng nhất là để cầu có con trai!” Tổng thống Obama bật cười: “I like daughters!” (Tôi thích con gái). Báo chí Mỹ đăng (và báo Việt Nam đăng theo) như sau: “Vị sư trụ trì đã yêu cầu tổng thống cầu nguyện để có được con trai!” Vị sư trụ trì tên Thông, như tôi đã nói, không hề thốt ra câu nào trong suốt cuộc đón tiếp. Thật là oan uổng cho ông! Câu hỏi thứ hai của tổng thống: “Tại sao trước bàn thờ có 3 cây nhang?” Tôi đáp: “Ba cây nhang theo Đạo Giáo có nghĩa là tinh, khí, thần”. Lúc đó chúng tôi đang đứng trước điện thờ Ngọc Hoàng, vị thần tối cao của Đạo Giáo. Chùa Ngọc Hoàng nguyên là điện Ngọc Hoàng, là một ngôi chùa Đạo Giáo, sau mới biến thành chùa thờ Phật, mới đổi tên là Phước Hải tự, nhưng dân gian vẫn quen miệng gọi là chùa Ngọc Hoàng. Thiết kế của chùa này là tiền Phật hậu Lão, phía trước thờ Phật, phía sau thờ Ngọc Hoàng. Khi ra đến phía trước, ngay trước bàn thờ Tam Tôn (Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí), tôi có chỉ hình tượng 3 cây nhang trước bàn thờ, giải thích: “Ba cây nhang này ở ngay đây lại tượng trưng cho Tam Bảo hay giới, định, tuệ.” Tổng thống mỉm cười, có vẻ lịch sự, nhưng tôi đoán chắc ngài cũng chẳng hiểu “ba món quý” (tam bảo) đây là ba món gì. Cuộc đón tiếp đã diễn ra đúng như dự kiến. Không có một sơ suất nào. Khi đi bộ ra về tôi còn được… bà chủ quán Tây Hồ đãi cho một dĩa bánh cuốn. *Câu chuyện thú vị quá, không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm đó. Xin hỏi thêm ông, với tư cách một nhà nghiên cứu về tôn giáo và triết học, ông nghĩ gì về ngày tháng khi chúng ta đang đối mặt với Covid-19? -Đang trong mùa đại dịch, bị trói chân trong nhà, nhìn về tương lai chắc chỉ thấy một màu u tối? Không. Tôi vốn quen làm bạn với sách nên không cảm thấy quá buồn bực. Có nhiều thời gian hơn để đọc những tác giả mà trong suốt thời gian tất bật với công tác giảng dạy không thể ngó ngàng đến. Gần đây dạy online thấy sinh viên có vẻ hào hứng, chăm học, chăm hỏi. Có lẽ chính họ cũng đang thay đổi các thói quen để thích nghi. Lướt qua facebook, thiên hạ dường như bớt nói nhảm hơn xưa. Ngay những chuyên gia nói nhảm để gây sự chú ý, nay cũng im hơi lặng tiếng. Con người biết cảm thông, đùm bọc nhau hơn trong hoàn cảnh khó khăn. Trong đêm trường tăm tối vẫn còn nhiều tia sáng của lòng yêu thương. Tôi thực sự mong muốn, rất mong muốn cuộc sống sẽ quay trở lại như xưa, thời của ồn ào, bụi bặm, đường sá nghẹt đông những mảnh đời chen nhau vội vã, nhưng vẫn tìm thấy trong cảnh khốn khó hiện nay một điều gì đó, giống như một thông điệp, giống như một ngọn nến nhỏ, một cơ hội nào đó để tìm về những ý nghĩa, những kết nối, đã đánh mất trong cõi đời xoáy lốc. Khu chung cư nơi tôi ở đã bị cách ly, phong tỏa hơn mười ngày nay. Đã có người chết. Tôi tự hỏi không biết cảm xúc của mình như thế nào khi cơn đại dịch đích thân tìm đến viếng thăm. Cũng tương tự như Steve Jobs trong những giờ khắc cuối cùng nằm trên giường bệnh, khi ông cảm thấy rất rõ sự lạnh lẽo của cái chết đang đến gần, Steve Jobs chợt thấy những điều quan trọng trước đây, tiền bạc, danh vọng, thành công, bây giờ trở thành vô nghĩa. Như mọi triết gia đã biết: cái chết rất có thể là một bài học lớn nhất của con người. Nó tạo ra sự khủng khiếp, làm hoang mang, gây nhức nhối, mọi ý nghĩa, mọi hành động đều mất hết giá trị, nhưng cũng có thể nó là cơ hội để chúng ta nhìn lại cuộc đời mình, nhìn thật sáng suốt, tỉnh táo để thấy chúng ta đã làm được gì, đánh mất điều gì, đã yêu thương hay căm hận. Rồi những cơn chấn động này cũng qua, cũng sẽ trở thành lịch sử, những người may mắn còn ở lại để tiếp tục cuộc hành trình, có lẽ đã chiêm nghiệm được một bài học lớn. Họ thấy rằng họ đã quá ít yêu thương. Họ thấy rằng họ đã đánh mất nhiều thứ quan trọng trong cuộc đời. Họ cũng sẽ ao ước giá họ có thể cầm được một ngọn nến soi đường cho ai đó vẫn còn lang thang trong cõi đời vô tận. *Hoàn toàn đồng ý với ông, cám ơn ông đã mở lòng dành cho cuộc trò chuyện này. L.M.Q Bài đăng báo AN NINH THẾ GIỚI số 240 tháng 8/ 2021.

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

Chị tôi lái xe 🚗 Hôm trước tôi đi nhờ ô tô với vợ chồng ông anh tới ăn liên hoan giỗ cụ thằng bạn. Đám giỗ vui quá nên hai anh em uống say mềm, lúc về, tôi bảo anh: “Say thế này lái xe nguy hiểm lắm! Hay mình bắt taxi về anh nhỉ?” Anh thở phì phò, mắt đờ đờ, mồm tóp tép như định nói gì đó, thì vợ anh đã lên tiếng trước: “Sao phải bắt taxi! Chị lái được mà!” Tôi rụt rè kéo áo ông anh hỏi nhỏ: “Chị lái được thật không anh?” Ông anh lại thở phì phò, mắt đờ đờ, mồm tóp tép định nói, thì chị lại nói trước: “Đừng có khinh thường chị! Hai tháng nữa là chị thi lấy bằng rồi đó chú!” Biết tôi vẫn còn hoang mang, ông anh cố cất giọng nhè nhè trấn an: “Đừng lo! Vợ anh đã từng lái ô tô chở một bà cụ hàng xóm đi lên tận trên huyện cơ mà! Tiếc là chỉ đi được một đoạn thì phải quay lại!” - “Sao phải quay lại ạ?” -“Vì bà cụ vãi đái ra quần, phải quay về thay quần khác. Rồi lấy lý do là hết quần, bà cụ dứt khoát không đi nữa!” Nghe nói Thạch Sanh trước khi vào hang giết chằn tinh cứu công chúa đã phải làm vài bát rượu để lấy can đảm. Tôi lúc ấy có lẽ cũng vậy, nếu không nhờ rượu, chắc chả đủ can đảm bước lên xe. Vào trong xe, tôi và ông anh phê quá thiếp luôn đi. Lát sau, tôi giật mình tỉnh dậy, thấy xe đã nổ máy nhưng vẫn đứng im chỗ cũ, chưa đi được mét nào. Tôi hỏi sao chưa đi, thì chị bảo là chị đang tìm cái chân ga, rờ mãi chưa thấy nó đâu. Rồi bất ngờ tiếng động cơ rú lên như con lợn bị chọc tiết, còn chị thì gật gù: “Đây rồi! Đúng chân ga đây rồi!” Nhưng cái xe vẫn cứ đứng đó. Tôi sốt ruột ngó lên, thấy chị đang loay hoay thắt dây an toàn. Chị bảo việc thắt dây an toàn tuy chỉ là một hành động nhỏ, nhưng nó thể hiện đạo đức, trách nhiệm và ý thức rất lớn của người lái xe. Rồi chị càu nhàu: “Sao cái dây an toàn hôm nay khó thắt thế nhỉ?” Tôi bảo: “Dây an toàn của ghế lái nó ở bên tay trái chị ạ! Còn cái dây chị đang cầm là dây của ghế phụ, không thể quàng cái dây đó qua người chị được đâu!” Ơn giời, cuối cùng thì cái xe có vẻ như đã chuyển động được rồi. Nhưng thay vì chỉ lùi một tí tẹo là ra được đường lớn, thì chị lại cho xe tiến lên, quyện một vòng quanh ngõ. Tôi thắc mắc thì chị bảo: “Chị mới đi học lái được vài buổi, thầy mới chỉ dạy tiến thôi, chưa dạy lùi. Mà tiến với lùi quan trọng gì đâu, miễn sao cuối cùng vẫn ra được đường to” Đúng là cuối cùng vẫn ra được đường to thật – dù là phải sau một hồi quyện vòng vòng. Xong, chị hít một hơi, nói giọng hệt như giọng cảnh báo của mấy cô hướng dẫn viên hàng không trước khi máy bay cất cánh: “Sẵn sàng chưa? Ta đi nhé!” Chị vừa dứt lời, cái xe rú lên như con chó đang ăn vụng bị chủ bắt gặp phang cho cái đòn gánh vào lưng, nó giật đánh “hự” một phát rồi lao vọt đi. Cú giật khiến tôi và chồng chị như bị vật ngửa ra sau, đầu đập cái “uỵch” vào thành ghế. Nếu ghế không làm bằng đệm mút mà là bằng sắt thép xi măng, thì chồng chị và tôi đã bị chấn thương sọ não rồi. Dưới sự khống chế của chị, chiếc xe giống như một đứa trẻ bị tăng động: nó cà giật cà giật, đang lao nhanh thì hồn nhiên khựng lại, rồi đang khựng lại, bỗng đột ngột lao nhanh… Còn chị, chị vừa lái xe vừa chửi: “Đồ thần kinh!” Tôi hỏi: “Chị chửi em à?” Chị bảo: “Không! Chị chửi mấy thằng xe đi sau, ban ngày mà cứ bật đèn sáng trưng” Tôi thở dài: “Chúng nó xin đường chị đấy ạ! Tại chị không đi hẳn ra làn ngoài, cũng không vào hẳn làn trong, rồi cứ giật đùng đùng, nên chúng nó không dám vượt!” Chị nghe vậy thì “À” lên một tiếng, vẻ như đã hiểu ra, nhưng chị vẫn không nhường đường cho chúng nó! Đến chỗ ngã tư có cột đèn giao thông, chị quay lại hỏi tôi: “Đang đèn đỏ hay xanh vậy chú?” Tôi sửng sốt: “Chị không nhìn thấy à?”. Chị bảo: “Chị bị mù màu kết hợp với loạn thị bẩm sinh, nên nhìn không rõ lắm!” Một người đàn ông dắt con chó định băng qua ngã tư, nhưng có lẽ nhờ tạo hóa ban cho cái bản năng sinh tồn nhạy bén, con chó dường như đánh hơi được mối nguy hiểm đang gần kề, nó dứt khoát không chịu sang đường, mặc cho chủ nó đang ra sức kéo nó đi. Chỉ khi xe của chúng tôi băng qua khỏi ngã tư rồi, con chó mới tươi cười để cho chủ dắt sang. Tôi chưa kịp thở phào vì xe đã vượt qua ngã tư an toàn thì bỗng “vèo” một phát, cái xe lắc mạnh rồi lạng qua bên phải, sát sạt và suýt tông vào một bà đang đi xe đạp. Tôi thắc mắc: “Tự nhiên sao lại lạng xe vào vậy chị?” Chị tỉnh bơ: “À! Chị tránh bãi cứt trâu!” Ôi chúa ơi! Phát ấy mà có cái xe công-ten-nơ nó đi bên đó, nó húc cho một phát rồi nó cán lên, thì có phải là tất cả chúng tôi đã hi sinh anh dũng để bảo vệ sự toàn vẹn cho cái bãi cứt trâu hay không? Hồi sinh viên, tôi đã từng ngồi xe khách cả nghìn cây số từ Bắc vào Nam, nhưng chuyến đi ấy, tôi thấy nó không dài và nhiều bão táp như cái chuyến xe với lộ trình chưa đầy 5 cây số này! Tôi vốn không mê tín, càng không bao giờ tin vào bói toán, nhưng trên chuyến xe ấy, tôi chưa khi nào thôi nguyện cầu cho lời phán của thầy bói là đúng, bởi có lần đi xem, thầy bảo tôi ít nhất phải sống thọ tới năm 80 tuổi (tất nhiên, thầy chỉ nói là sống thôi, chứ cũng không nói rõ là sống thực vật hay động vật) May quá, cuối cùng đã thấy thấp thoáng bóng dáng tòa chung cư nơi tôi đang ở ẩn hiện sau làn bụi mờ. Tôi khẩn khoản: “Chị ơi! Làm ơn cho em xuống” Chị nhiệt tình: “Vẫn chưa tới mà, để chị đưa vào tận cửa” Tôi cuống quýt: “Dạ thôi! Em xuống đi bộ cũng được rồi” Ra khỏi xe, đặt chân xuống đường, tôi thở phào, trong lòng dâng lên một cảm giác bình yên đến lạ! Tôi không hối hận vì quyết định nhảy xuống đi bộ của mình, bởi có rất nhiều người đã sẵn sàng đánh đổi cả danh vọng, sự nghiệp, thậm chí cả cuộc đời, chỉ để tìm được cho mình những phút bình yên, trong khi tôi lại có được thứ đó chỉ nhờ vài bước chân đi bộ… Nhưng nhìn ông anh tôi vẫn đang há mồm ngáy khò khò trong xe, tôi tự nhiên thấy dằn vặt ghê gớm. Liệu tôi có phải thằng em khốn nạn quá không khi bỏ mặc anh với hiểm nguy để đi tìm bình yên cho riêng bản thân mình? Tôi đứng trông theo chiếc xe chở ông anh cà giật cà giật lao đi, rồi tay chắp trước ngực, mặt ngửa lên trời, miệng lầm rầm: “Anh ơi! Cầu chúc cho anh được an lành!” Sưu tầm 22 1 lượt chia sẻ Thích Bình luận Chia sẻ

. Chuyện về người thầy của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Xuân Ba TP 22/08/2021 Truyền thông trong và ngoài nước đang loan khắp cái tin, Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Kalama Harris, sắp thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Tôi chợt nhớ đến một người… Nga Sơn xứ Thanh với tôi cũng là một chốn đi về. Nhất là làng Điền Hộ. Cái làng ấy lắm sự lạ. Điền Hộ tên cũ, tên mới là Nga Điền có gần 80% dân Công giáo. Quá vãng xa ấy, đầu làng Điền Hộ có nhà cụ Chánh Phi, Nguyễn Xuân Phi, thân phụ nhân vật chính trong câu chuyện sắp nói tới. Cụ Chánh đây không phải chánh tổng mà là chánh trương, một chức sắc bé mọn trong xứ đạo. Người con cả cụ Chánh Phi là linh mục Nguyễn Xuân Phong, tiến sỹ văn chương Pháp. Người con thứ là Nguyễn Hữu Chỉnh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục VNCH. Thứ tiếp là GS-TS Nguyễn Tiến Hưng. Thứ nữa là Nguyễn Hữu Trí, giáo sư đại học ở Pháp. Năm xa ấy cái nhà xi măng lẫn vôi cát hai tầng xây cất theo lối nửa cũ nửa mới của nhà cụ Chánh Phi hẵng còn. Các nhà chức việc của Ủy ban xã Nga Điền từ lẩu lâu đã trưng dụng ngôi nhà vô chủ đi Nam ấy để làm trụ sở Ủy ban xã. Cố mường tượng ra nội thất một quá vãng, tầng dưới 3 phòng, tầng trên 2 phòng. Còn nguyên cái tầng trệt một phòng ông Chủ tịch xã ngồi và cán bộ dưới quyền. Trong cơn gió bể rào rạt từ mạn cửa Thần Phù thoảng về như có gì khang khác? Như là chút chi hơi hướng của người xưa? Tôi đương nghĩ đến con trai cụ Chánh Phi, cậu bé Hưng hồi ấy mới 9 tuổi. Nga Sơn và xứ Thanh đương xơ tướp trong nạn đói năm Dậu 45. Nhà cụ Chánh hằng tâm hằng sản bỏ gạo thóc kho lẫm ra cứu tế khắp nơi. Đêm nào cũng thế, gia nhân cụ Chánh nấu một nồi cháo hoa thực to. Sáng sớm hôm sau, cậu bé Hưng dùng cái muôi gỗ múc cháo chao vào những cái bát mẻ của đám ăn mày đông đúc cứ sáng sáng lại quây trước cửa nhà Chánh Phi. Cái năm tôi giở lại Nga Điền thì ngôi nhà hai tầng cũ kỹ ấy đã biến mất. Thay thế là một ngôi trụ sở theo lối mới sáng choang! Bây giờ lấp lánh tấm biển có hàng chữ đại loại Công sở xã Nga Điền. Nhảo ít bước lối giữa làng gặp cái nhà xiêu vẹo. Nhưng ngày trước là cơ ngơi bề thế của gia tộc họ Trần. Cơ ngơi ấy đã bằng trụi tự hồi nào. Cái còn là nhà ấy đã góp cho đất nước một anh tài âm nhạc. Người đó sinh năm 1925, tên là Trần Anh Bường. Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám… Ấy đấy. Của ông ấy đấy! Ca khúc có tên Nỗi lòng người đi viết lối khoảng giữa những năm 50. Bao năm rồi mà vẫn luyến láy diết da trong tâm tưởng ối người. Nhắc đến dòng nhạc vàng lẫn nhạc hải ngoại thì phải kể đến Anh Bằng tức Trần Anh Bường - cái tên cũ của người cũ ở làng Điền Hộ. Trút hơi thở cuối cùng bên xứ Hoa Kỳ năm 2005, Anh Bằng để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ trên 500 ca khúc trữ tình trong đó có hơn 200 nhạc phẩm chuyên phổ thơ của bạn bè và những bài thơ ông thích! Cuối làng có tên mới là xóm 4 cũng có một nhà họ Trần khác. Bây giờ nền cũ nhà ấy chỉ còn võng vãnh một khoảnh con rau muống. Có nổi danh không thì không biết. Nhưng một trong những người con của nhà ấy đã từng khuynh đảo chính trường miền Nam một thuở. Người ấy là bác sĩ Trần Kim Tuyến! Nhân vật khủng đó chắc nhiều người đã biết qua sách báo phim ảnh. Người từng được nhà tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Xuân Ẩn cứu thoát buổi trưa 30 tháng Tư ấy, cũng đã trút hơi thở tàn tận xứ Anh quốc tít mù. Có một lúc nâng chén rượu trắng Kim Sơn thửa bằng thứ nếp giống mới nhưng êm giọng ở nhà một ông bạn cũ ở Điền Hộ, tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, phải vào một ngày đẹp giời nào đó hoặc đúng cữ mưa gió chi đó, ba người con ấy của làng Điền Hộ, hồi còn tha hương chung dưới vòm giời Nam lại chả đã từng ngồi, từng tụ với nhau? Mỗi người hành riêng cái nghề, sống với cái tài, cái sở trường mình hạp mình thích. Nhưng thể nào cái vẩy trên làn da tuổi tác của ba vị lại chả vương chút ngấn phù sa của con sông Càn chảy qua làng Điền Hộ mà thuở bé cả ba từng ngụp lặn vẫy vùng? GS Nguyễn Tiến Hưng, Thầy Hưng Lẩn thẩn nhớ thêm, giữa những năm 90. Thủ tướng Võ Văn Kiệt gợi ý cho ông Cao Sĩ Kiêm, khi đó là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước mời người tài của nước ngoài về giúp nước. Ông Kiêm nhắm đến đội hình chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ thế giới (IMF). Đầu tiên chỉ là chuyên gia lãnh vực ngân hàng. Sau ông Sáu Dân gợi ý nên mời thêm chuyên gia một số lãnh vực khác nữa. Đáp ứng nhu cầu đổi mới của Việt Nam, giữa năm 1994, WB và IMF cử sang Việt Nam 3 chuyên gia. Một ông Pháp chuyên lĩnh vực thanh tra. Một ông Nhật chuyên về ngân hàng. Ông thứ ba là người Mỹ gốc Việt, GSTS Nguyễn Tiến Hưng chuyên về đào tạo chung. Biên ra thì dài cái tâm trạng ngổn ngang của một người xa nước 19 năm! Đi và về với tư thế và tâm thế khác nhau. Rồi bất ngờ có một cuộc gặp ngắn với vài yếu nhân của Ban lãnh đạo trong đó có ông Thủ tướng Sáu Dân Võ Văn Kiệt, ông Phan Văn Khải… mà các vị ấy lại chủ động gặp. Thời gian gặp ngắn thôi, nhưng với TS Nguyễn Tiến Hưng, dường như đã xác quyết nhanh một tâm thế, rằng nên coi đây là một cơ duyên hay trách nhiệm? Ông không xung phong, không xin nhưng là được cử! Và được nhất nước Việt Nam chấp thuận, hơn thế nữa được hoan nghênh. Trách nhiệm của một yếu nhân của cơ quan WB trước yêu cầu đòi hỏi của cố hương, có lẽ TS Nguyễn Tiến Hưng biết mình phải làm gì? Nhân viên nhà khách Bộ Quốc phòng thường gọi là nhà khách Phạm Ngũ Lão thời ấy đã quen với sự có mặt của người đàn ông tóc muối tiêu, dáng dấp đường bệ có những sải bước khoan thai tá túc ở nhà khách lâu nay. Có lẽ họ không thể nào biết được, người đàn ông đó từng là một yếu nhân của chính quyền Sài Gòn. Năm 1957, chàng trai người Việt độ tuổi hơn hai mươi xuất dương sang Mỹ theo học ngành kinh tế tại Đại học Virginia từ năm 1958 và lấy bằng Tiến sĩ năm 1965. Tài năng đã đưa vị TS ấy đến các bục giảng ở nhiều trường Đại học của Hoa Kỳ. Từ 1966 đến 1970, ông là chuyên gia kinh tế của Quỹ tiền tệ quốc tế. Rồi ông về nước giữ chân phụ tá về Tái thiết cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (1971-1973) rồi làm tổng trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển (1973-1975). Đoạn lý lịch trích ngang ấy thì những yếu nhân trong Ban lãnh đạo nước Việt thời điểm ấy đều biết. Nhưng nhiều người chưa tường thời điểm đó ông đã từng nổi danh ở Hoa Kỳ và phương Tây là tác giả cuốn Palace File (Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập) bằng tiếng Anh viết năm 1986. Cuốn sách gần như thứ tiểu thuyết tư liệu đặc sắc ấy khiến người chủ sự chủ chốt trong cuộc là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi đó đang tá túc ở Boston đã phải bỏ ra 46 USD để mua một lúc 2 cuốn (giá bán 23 USD/cuốn). Cũng cần nói thêm TS kinh tế Nguyễn Tiến Hưng ấy chưa từng viết lách gì, không thuộc hội văn bút nào cả mà sau này đã viết thêm mấy cuốn nữa cũng nổi tiếng không kém Khi Đồng minh nhảy vào và Khi Đồng minh tháo chạy. Tâm tư Tổng thống Thiệu. GS-TS Nguyễn Tiến Hưng từng giảng dạy tại các trường đại học Howard, Trinity, NC Wesleyan, kinh tế gia tại IMF, WB, đầu những năm 80 đã trở lại vị trí GS ở đại học Howard ở WashingtonDC. Howard có lịch sử hơn 100 năm được coi là Havard của người da màu, nơi đào tạo nhiều tiến sĩ người Mỹ gốc Phi nhất ở Hoa Kỳ. Cô sinh viên da màu Kalama Harris sinh năm 1964 là học trò của GSTS Nguyễn Tiến Hưng khóa học 1982-1986, sau này đã trở thành Thượng nghị sĩ và đương kim Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Trở lại với nhà khách Phạm Ngũ Lão. TS Nguyễn Tiến Hưng không ở một mình mà cùng bà vợ người Việt và hai cậu con trai đã lớn. Thói tò mò vớ vẩn đã khiến tôi trong câu chuyện với ông Cao Sĩ Kiêm đã bật ra một câu hỏi ngớ ngẩn! Nhưng ông Cao Sĩ Kiêm đã vui vẻ giải đáp ngay, lương khi đó WB, chứ không phải Việt Nam - viện trợ mà - trả cho mỗi chuyên gia như TS Hưng hàng tháng là sáu ngàn USD. Mức lương ấy thời điểm giữa những năm 90 trong mặt bằng sinh hoạt Hà Nội có lẽ cũng tươm? Nhiều vị ở Hà Nội và một số tỉnh thành trong diện đào tạo cán bộ nguồn thời gian đó nay nhiều người đang chững chạc ở các cương vị này khác, hẳn còn lưu lại trong ký ức những ấn tượng sâu đậm về kiến thức và phương pháp sư phạm của GS-TS Nguyễn Tiến Hưng. Tôi có một ông quen hàm thứ trưởng của một Bộ quan trọng nay cũng sắp hưu. Hồi cán bộ bạch đinh có dự một khóa đào tạo cán bộ nguồn. Lần đó ngồi với nhau anh chàng bộc bạch rằng, nếu đã không biết thì thôi, nhưng đã từng bập vào Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập thì tâm trạng nó lạ lắm? Hỏi sao lạ? Thì được bộc bạch thế này. Lạ là những ngày đầu được nghe GS Hưng giảng, cứ có cảm giác bị chia lòng chia trí! Là anh chàng bị phân tán ám ảnh bởi ông thầy đang nói kia với cái cười dễ mến luôn thường trực kia mà đã từng trao đổi tay đôi với các yếu nhân của Hoa Kỳ như Tổng thống Nixon, cố vấn Henry Kissinger, Đại sứ Matin vv… Lại là người nắm giữ toàn bộ hồ sơ mật về bang giao Việt-Mỹ trong thời gian từ cuối 1971 tới lúc cuối cùng vào mùa Xuân 1975. Cũng vị TS này hồi 1974-1975 có hàng chục lần lui tới Quốc hội Hoa Kỳ để xin viện trợ! Vv… Cũng cần nói thêm, trong nội các của Chính phủ Việt Nam có một học trò của GS Hưng ngày ấy đương coi sóc ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Hẳn mọi người còn nhớ hình ảnh hai người phụ nữ quyền lực của Việt Nam và Hoa Kỳ tại cuộc gặp trực tuyến song phương tháng 7 năm 2021. Đó là Janet Yellen nữ thống đốc đầu tiên của Cục dự trữ Liên Bang Mỹ thời Obama. Dưới thời J. Biden bà chững chạc ở vị thế Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ với Thống đốc (cũng là nữ đầu tiên ở Việt Nam) Nguyễn Thị Hồng. Bao nhiêu là những ngổn ngang ngáng trở đã và đang phát sinh trong lãnh vực tài chánh, tiền tệ trong quan hệ hai nước mà hai người đàn bà này phải có trọng trách thu xếp êm thuận? Trong khóa học năm xa ấy, các học trò còn lưu giữ lại tấm thiệp chúc mừng năm mới của thầy Nguyễn Tiến Hưng. Cánh cửa 2017 sắp khép lại. Từ ngàn trùng xa cách, thầy gửi đến từng em trong lớp đào tạo 22 thành viên quý mến của thầy những lời chúc tốt đẹp nhất. Cầu mong cho 2018 sẽ mang lại cho các em và gia đình sự bình an và sức khỏe (dù là tương đối). Chỉ có thế, còn mọi sự khác: ta cứ phó mặc Trời sắp xếp. Thầy cám ơn Nguyễn Việt Hà đã “tạo điều kiện” để thầy còn giữ được những kỷ niệm của một lớp học ấn tượng đối với thầy (trong sự nghiệp giảng dạy trên 40 năm). Thầy sẽ trân quý (“treasure”) những kỷ niệm ấy, nó sẽ không bao giờ nhạt nhòa trong trí óc. Thầy Hưng 30Hung Nguyen và 29 người khác 1 bình luận 8 lượt chia sẻ Thích Bình luận Chia sẻ

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

GẶP CAO THỦ Bốn người khách vốn thuộc giới Văn, Thi sĩ, Học giả, Nhà giáo vào một quán nhậu. Trong khi chờ chọn món ăn, có cô gái hầu bàn đến cười duyên: - Em rót bia cho mấy anh uống nhé? Anh A liền tán: - Xin lỗi, em tên là gì và hiện ở đâu? Cô gái cười dịu dàng đáp lời: - Hỏi quê… rằng biển xanh dâu, hỏi tên… rằng mộng ban đầu đã xa !!!! Anh B vỗ đùi: - Úi chà! Giỏi thơ thiệt! Tuyệt vời, rót bia đi! Cô gái mỉm cười nói: - Dạ! Em cảm ơn quý anh! Anh C đon đả: - Lấy thêm ly mời em cùng ngồi uống cho vui với bọn anh. Cô gái nhỏ nhẹ trả lời: - Dạ! Em cám ơn anh đã mời! Thế là bàn nhậu lại có thêm một bông hồng giữa đám đàn ông sỏi đá. Anh D mời tất cả cùng cụng ly: - Coi bộ em cũng giỏi thơ văn thơ nhỉ? Cô gái cười rất duyên: - Em cũng học mót chút ít để góp chuyện cho vui mà! Quý anh không thấy phiền chứ? Chắc quý anh đây giỏi văn thơ lắm thì phải? Anh A xoa bụng, ưỡn ngực: - Cũng đủ xài. Ai hỏi gì nói nấy. Nhất là lãnh vực văn học, không bao giờ bị kẹt! Thế là quá giỏi rồi. Vậy, em đố các anh về lĩnh vực văn học nhé? Cả bàn nhốn nháo hẳn lên, vui như cá gặp nước. Bọn họ là nhà giáo, nhà thơ, nhà văn, học giả cả mà… tất cả hớn hở cụng ly chờ đợi cuộc vui. Cô gái cười, cất giọng oanh vàng: - NẾU CÓ 1 ÔNG KHỎA THÂN CÕNG 1 ÔNG CŨNG KHỎA THÂN, câu tục ngữ nào tả được cảnh này các anh nhỉ? Bốn vị khách nhìn nhau và không tìm ra câu tục ngữ nói về trường hợp hy hữu này. Anh C thẳng thắn, chúng tôi xin chịu thua. Cô nói ra câu tục ngữ này đi! Cô gái bình tĩnh giải thích: - Này nhé! Một ông khỏa thân, cõng trên lưng một ông cũng khỏa thân, lúc ấy sẽ xẩy ra tình trạng mà câu tục ngữ nói là "GẬY ÔNG - ĐẬP LƯNG ÔNG". Cả bốn ông đồng loạt nói: - Úi trời! Câu tục ngữ sao mà đúng quá đi! Cả bàn lại cười rộ lên. Vừa rót thêm bia, cô gái vừa đố tiếp: - CŨNG CÁI ÔNG KHỎA THÂN ẤY, ÔNG TA NHẨY TÕM XUỐNG NƯỚC, TỤC NGỮ NÓI SAO NÀO? Bốn vị khách lại bí, họ lại yêu cầu cô gái giải đáp. Cô gái cười tủm tỉm: - Ông khỏa thân mà nhảy xuống nước sẽ gây nên cảnh, "CHIM SA - CÁ LẶN". Cả bàn lại cười vang như pháo Tết. - Úi trời! Đúng quá đi. "CÁ" trông thấy ''CHIM'' hãi quá phải lặn đi chỗ khác là cái chắc. Thừa thắng xông lên, cô gái lại đố tiếp: - Thưa quí anh, CŨNG CÁI ÔNG KHỎA THÂN ẤY, ÔNG TA NGỒI LÊN HÒN ĐÁ, THÌ TỤC NGỮ BẢO SAO NÀO? Bốn khuôn mặt thông minh kia lại đờ đẫn lên. Cô gái thong thả giải thích: - Ông khỏa thân ngồi lên hòn đá, lúc ấy tục ngữ phán rằng, "LẤY TRỨNG - CHỌI ĐÁ". Cả bàn lại cười vang. Ông D hăm hở: - Đúng quá đi chớ. Trứng này không bể được! Cô còn câu đố nào nữa không? Cô gái lại ra câu đố tiếp: - MỘT THIẾU NỮ KHỎA THÂN, NGỒI BỆT XUỐNG ĐẤT, KHÔNG CHỊU ĐỨNG DẬY, THÌ THEO TỤC NGỮ, CÁC ANH NÓI SAO NÀO? Bốn khuôn mặt sáng láng trông thật thảm thương, bí rị. Cô gái trả lời tiếp: - Cái cô thiếu nữ khỏa thân ngồi bệt xuống đất diễn ra cái cảnh mà tục ngữ gọi là "ĐẤT LÀNH - CHIM ĐẬU" Đúng chưa thưa quý anh? Cả bốn ông đều đồng loạt đứng lên vổ tay tán thưởng và gật đầu tỏ vẻ bái phục! (Nguồn: Internet - Hình ảnh )

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

ĐÓ LÀ SƠN NAM! Hồi ký Lê Phú Khải (Trích) Sơn Nam kể với tôi: Hồi tao mới lên Sài Gòn kiếm sống, một lần bà già tao từ quê lên hỏi: Mày lên đây làm gì để sống? – Viết văn. Bà già hỏi lại: Viết văn là làm gì? Tao thưa: Viết văn là có nói thành không, không nói thành có (!). Bả nổi giận mắng: Mày là thằng đốn mạt. Tao không cãi, chỉ làm thinh! Sau chừng như thương con quá, bà lại hỏi: Thế viết văn có sống được không? Tao bảo: Viết một giờ bằng người ta đạp xích lô cả ngày! Bả thấy vậy không hỏi gì nữa rồi lặng lẽ ra về. Sơn Nam đã viết văn từ đó đến nay, 50 năm có lẻ. Tập truyện nổi tiếng nhất của ông là Hương rừng Cà Mau đã tái bản nhiều lần. Ông được độc giả tấn phong là nhà “Nam bộ học” với hàng loạt tác phẩm khảo cứu: Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, Văn minh miệt vườn, Cá tính miền Nam, Bến Nghé xưa … Ông rành về phong tục, lễ nghi, ẩm thực của dân Nam bộ. Mỗi buổi sáng, ông thường uống cà phê ở quán sân Nhà truyền thống quận Gò Vấp đường Nguyễn Văn Nghi. Ai có việc gì cần hỏi về đất nước con người Nam bộ thường ghé tìm ông ở đó. Kể cả mời ông đi tế lễ ở đình chùa! Có người làm ăn khá giả tìm ông để biếu ít tiền uống cà phê (!) Dạo nhà xuất bản Trẻ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập, có mời ông với tư cách là cộng tác viên ruột lên phát biểu trong buổi lễ long trọng đó. Ông nói ngắn gọn: “Tôi sức yếu quá, nếu khỏe như Huỳnh Đức thì đã đi đá banh rồi. Lại xấu trai nữa, nếu không đã đi đóng phim như Chánh Tín từ lúc còn trẻ. Vừa ốm yếu lại vừa xấu trai nên đành đi viết văn vậy. Bây giờ Nhà xuất bản Trẻ làm ăn khấm khá, các anh chị có cơm ăn, tôi cũng có chút cháo!” Mọi người cười rộ. …Dạo Sài Gòn kỷ niệm 300 năm, Sơn Nam có theo một đoàn phim ra Quảng Bình dự lễ tưởng niệm Tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh người Quảng Bình có công khai phá đất Nam bộ. Khi làm lễ, Sơn Nam giở gói đồ khăn đóng áo dài của mình đem từ Sài Gòn ra, mặc vô và tế lễ rất đúng bài bản. Các cụ Quảng Bình khen nức nở: Trong Nam người ta có lễ hơn cả mình ngoài này! Sơn Nam nói: Trong Nam cũng có nhiều thằng lưu manh lắm, nhưng cử người đi xa, phải cử thằng có lễ chớ! Các cụ Quảng Bình ngẩn người! Trong giới nhà văn, Sơn Nam là tác giả được một nhà xuất bản lớn ở thành phố Hồ Chí Minh mua bản quyền hầu hết tác phẩm. Khi tôi hỏi nhà văn giá bao nhiêu ông lắc đầu: “bí mật” (!) Những lần trà dư tửu hậu với Sơn Nam như thế, tôi thường mời ông ăn trưa, vì biết ông đi bộ đến quán cà phê rồi ở đó đến tối mới về. Vào quán, bao giờ ông cũng kêu: Cho cái món gì rẻ nhất, ngon nhất, và ngồi được lâu nhất (!) Sơn Nam để lại cho đời một sự nghiệp sáng tạo thật đồ sộ. Bao gồm nhiều đầu sách khảo cứu, truyện ngắn, tiểu thuyết. Đọc Sơn Nam người ta kinh ngạc về sự độc đáo của văn phong. Ông viết như nói, như một ông già Nam bộ kể chuyện đời trong quán cà phê. Nhưng sức nặng của thông tin và cảm xúc của người viết khiến lời văn biến hóa khôn lường. Đừng có ai đi tìm thể loại hay bố cục trong một truyện ngắn hay một cuốn sách của Sơn Nam. Nhưng đã chạm đến nó là phải đọc đến trang cuối. Vì càng đọc càng thấy yêu nhân vật của ông. Càng thấy yêu mảnh đất Nam bộ, miền cực nam của đất nước. Lần cuối cùng tôi gặp Sơn Nam là cách đây vài tháng, tại nhà riêng của ông ở một con hẻm đường Đinh Tiên Hoàng. Hôm đó tôi đem một cái nhuận bút của báo Cà Mau về cho ông. Không ngồi dậy được, ông phải nằm tiếp khách. Bất ngờ ông hỏi tôi: Một tỷ là bao nhiêu tiền hả mày? Câu này ông đã hỏi tôi một lần, nghĩ là ông hỏi giỡn, nên lần đó tôi không trả lời. Nay ông lại hỏi, nên tôi thưa: Là một nghìn triệu “bố” ạ! Ông trợn mắt: Dữ vậy? Tôi nói: Không tin “bố” hỏi con gái “bố” kia kìa. Khi biết rõ một tỷ là một nghìn triệu, nét mặt nhà văn nặng trĩu ưu tư. Có lẽ ông đang nghĩ đến những vụ tham ô, lãng phí cả trăm tỷ, ngàn tỷ mà ông đọc được trong những xấp báo đang để quanh người ông kia! Nếu ai hỏi tôi về Sơn Nam, tôi sẽ trả lời: Sơn Nam là một nhà văn rất vui tính, đã… chết vì quá buồn! 14-8-2008 Sơn Nam đã đi xa. Nhiều người bây giờ còn nhớ câu nói dí dỏm của ông: “Làm văn chương là nghèo rồi. Nếu làm nghề này mà giàu được thì Ba Tàu Chợ Lớn đã làm rồi!” Lúc còn sống, Sơn Nam ý thức một cách rõ ràng về cái sự nghèo của nhà văn. Bây giờ thì Sơn Nam của chúng ta không còn nữa. Nhưng nghĩ cho kỹ thì ông không nghèo. Trái lại, rất giàu có là đàng khác. Ngắm ngôi nhà lưu niệm Sơn Nam tọa lạc trên một thế đất 2000 mét vuông, nhìn ra phong cảnh cỏ cây, sông nước và những gì có trong ngôi nhà đó, người ta phải suy nghĩ như thế. Ngày 13 tháng 7 năm Canh Dần, tức ngày 22 tháng 8 năm 2010, nhà lưu niệm Sơn Nam được vợ chồng chị Đào Thúy Hằng, con gái của nhà văn khánh thành nhân ngày giỗ thứ hai của ông, tại ấp 4 xã Đạo Thạnh ngoại ô thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Là một công trình văn hóa “phi chính phủ” nên ngày khánh thành không có giấy mời in ấn, dấu mộc nhiêu khê. Chỉ nhắn bằng điện thoại, ai biết thì tới. Nhà xây ba gian hai chái, hàn hiên rộng, thoáng mát, có cửa lá sách thông với ba gian bên trong. Một kiểu nhà ba gian hai chái ở miền Bắc, được các phú hào ở Nam bộ cải tiến cho hợp với miền Nam xứ nóng quanh năm. Đặc biệt, mái ngói hai tầng làm cho ngôi nhà rất bề thế. Anh Nghị, con rể nhà văn cho hay, chính anh lái máy ủi để ủi đất tạo thế một quả đồi thấp làm nền cho ngôi nhà. Vì thế, đứng từ thềm nhà nhìn ra, thấy được cả phong cảnh cỏ cây, sông nước phía trước. Để có được phong cảnh này, vợ chồng chị Hằng đã phải chắt chiu mua lại từng mảnh đất nhỏ của 5-6 chủ đất phía trước nhà trong gần hai năm. “Ông bà ta chỉ xây dựng phong cảnh một ngôi chùa, chứ không xây dựng một ngôi chùa.” Nguyễn Đình Thi đã có nhận xét xác đáng như vậy về kiến trúc đình chùa nước ta. Điều này rất đúng với nhà lưu niệm Sơn Nam. Ấn tượng nhất là ngay lối trước sân, phía bên phải là tượng Sơn Nam tạc trên một phiến đá dựng đứng, bên trái là bút tích, cũng được tạc trên đá: bài thơ duy nhất của ông, không đề, mà ông lấy làm lời tựa cho cuốn Hương rừng Cà Mau trong đó có hai câu kết mà bao nhiêu người thuộc: Phong sương mấy độ qua đường phố Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê. Tôi đặc biệt thích thú một cái máy chữ cổ, do một sinh viên có tên là Bùi Thế Nghiệp tặng nhà lưu niệm, kèm theo lá thư Sơn Nam viết lúc tặng anh cái máy. Số là, sinh viên Nghiệp là bạn đọc hâm mộ nhà văn. Cậu thường chở nhà văn đi chơi (Sơn Nam không biết đi xe đạp, xe máy – LPK). Lúc nhà văn bệnh nặng vào năm 2005, Nghiệp đến xin nhà văn một kỷ vật gì đó, phòng khi ông đi xa. Nhà văn đã cho anh cái máy chữ kèm theo lá thư nhỏ chứng nhận đây là máy chữ của Sơn Nam tặng. Nay đọc báo biết có nhà lưu niệm Sơn Nam, Nghiệp đến tặng lại. Với những nhà lưu niệm do người dân tự tạo nên như nhà lưu niệm Sơn Nam, ai dám bảo đồng bằng sông Cửu Long là “vùng trũng” văn hóa? Fb Pham Ngoc Thanh