Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022
TRƯỜNG QUỐC GIA SƯ PHẠM
FB Lưu Nhơn Nghĩa
Mấy ngày nay, bịnh thì không nhớ, tôi lay hoay tìm tài liệu và những kỷ niệm của ngành Sư Phạm, ráng viết truớc khi vô bịnh viện.
Thầy Lê văn Thời kể : thầy học Ecole normale ra, năm nay thầy chừng 100 tuổi, ai muốn biết cứ đọc cuốn " Hơn nửa đời hư " của ông Vương Hồng Sểnh.
Tôi chỉ kể lại thời sau 1954.
Ông Huỳnh Lộc kể : Ông học khoá 3 năm, điều kiện thi , Bằng Trung học Đệ nhứt cấp, khóa trình 3 năm, ra dạy Trung học Đệ nhứt cấp, đây là khoá cuối cùng hệ thống nầy, niên khóa 1960-63, ngạch Giáo học bổ túc. Trụ sở trường ở đường Thành Thái, Sài Gòn.
Ông Huỳnh kim Quế, sinh năm 1933 kể : Trường Quốc Gia Sư Phạm đặt trụ sở tại trường Kỹ thuật Cao Thắng ngày nay. Ai có Brevet ( Trung học Đệ Nhứt cấp sau nầy ), chỉ cần học 1 năm, năm 1949-1950.
Năm này, vì nhu cầu gia tăng, trường tuyển 100 giáo viên, ghi tên thi có 60 người nên tất cả đều được nhận.
Học sinh từ 17 tuổi đến 40 tuổi, lương $4075, cao hơn lương thư ký $ 200 ( tôi ăn cơm tháng $200/tháng).
Ông Quế học niên khoá 1951-1953, điều kiện thi, chứng chỉ lớp 3ème année, Đệ ngũ hay lớp 8. Học kỳ 3 năm. Thi ra trường có bằng Brevet, ngạch giáo viên Tiểu học, dạy lớp Nhứt, lớp Tiếp Liên , rớt thì dạy Sơ cấp, năm sau thi lại, đậu thì lên ngạch, rớt thì năm sau tiếp tục thi.
Ông Lưu Văn Nghĩa, hiện ở Tây Đức, sinh năm 1937, bắt đầu khóa Sư Phạm hệ thống mới, điều kiện: bằng Trung học Đệ Nhứt cấp, học 1 năm, năm 1960.
Học bổng $800/tháng, ra trường $4075/tháng,ăn cơm tháng chừng $550-$600/tháng, phụ cấp vợ $700/tháng, con $600/tháng, chỉ có vợ chánh mớì được phụ cấp, vợ bé không được.
Nếu có bằng Trung học ĐNC, đi dạy, lương $2300/tháng. Ông già tôi nghiến răng nhức xương về ước mơ tôi được vào Quốc Gia Sư Phạm.
Thạch ngọc Múi vô Sư Phạm SG năm 1961, Bằng Tú Tài 1, khóa 2 năm, ngạch Giáo học Bổ túc, hình như là khoá đầu hệ thống nầy.
Tôi thi vào mà rớt, hai bài Toán Lý hóa không trúng được nửa câu. Không biết lương bao nhiêu.
Đại khái, ở quê, mỗi tháng $1200 là dư sống, trước năm 1963, chỉ hưởng chừng 6 năm. Sau nầy lạm phát nhanh quá, giáo viên khốn đốn.
Đó là truờng QGSP Sài Gòn. Năm 1963, đã có trường Sư Phạm Long An, không biết Sư Phạm Vĩnh Long bắt đầu từ năm nào. Sau có SP An Giang, SP Sóc Trăng mở từ năm 1973.
Khi bỏ thi Tú Tài 1, muốn thi vô QGSP phải có bằng Tú Tài 2, học 2 năm, dạy Tiểu học, có khi dạy Trung học.
Năm 1963, có mở khóa Sư Phạm ban đêm, công chức Sài Gòn có Tú Tài 2, có thể xin vào học dễ dàng, trụ sở tại trường Đại học Sư phạm , cạnh trường Khoa học, ngạch Giáo sư Đệ nhứt cấp.
Năm 1957, tôi học Đệ ngũ, có thầy Phạm Lự, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm ( Tú Tài 2, thi vào học 2 năm), không biết khóa nầy ngưng năm nào. Sau các giáo sư tốt ngiệp Cao Đẳng Sư Phạm đều chuyển sang ngạch Đệ nhị cấp nếu có chức vụ.
Ông Bùi văn Đoàn, khóa Đại học Sư Phạm đầu tiên 1958-1960, kể. Khóa 2 năm, điều kiện Chứng chỉ năm đầu Văn khoa hay Khoa học thi vào, rất ít sinh viên, nên thi rất dễ, ngạch Giáo sư Đệ nhị cấp hạng 4, chỉ số lương 470 .
Ông Đoàn đổi về dạy trường Trung học Thoại ngọc Hầu, Long Xuyên, tô phở Bắc giá $3, cuốc xe lôi khá dài $2, chi tiêu các cuộc $1000/tháng, lương trên $5000/tháng, có thể mỗi tháng mua 1 lượng vàng, tương đương Aus$800 năm 2007.
Năm 1960, đã có khóa ĐHSP, Tú Tài 2 + 3 năm, cũng ngạch GSTHĐ2C.
Năm 1963, khóa Tú Tài + 4 năm, thêm 1 năm, nhưng ngạch như cũ.
Niên khóa 1964-65 không có khóa nào. Năm 1966, bắt đầu khóa Dự bị Đại học Văn Khoa hay Khoa học + 3 năm, tất cả là 4 năm. Khóa nầy kéo dài tới 1975. Năm 1970, lương trừ tiền cơm Quân trường Thủ Đức còn được hơn $8000, lượng vàng $12 ngàn.
Lương năm 1975, ngạch Đệ nhị cấp hạng 2, $34000, lít xăng $250, lượng vàng tháng 2-75 chừng $125000.
Tôi thuộc nhóm nầy, nhớ đến đâu kể đến đó. ĐHSP gồm 2 ban, Văn chương và Khoa học, mỗi ban có 2 ngành, Đệ nhứt cấp và Đệ nhị cấp, thi vào phải có chứng chỉ năm đầu Văn khoa hay Khoa học. Đ1C học 1 năm, Đ2C học 3 năm.
Ban Khoa học gồm :
1 Vạn vật
2 Lý Hoá
3 Toán
Ban Văn chương gồm
1 Triết học
2 Sử Địa
3 Việt Hán
4 Pháp văn
5 Anh văn
Nhóm Toán Khoa học, học bên dãy Khoa học, ít qua lại, dù cùng học ban Văn chuơng hay Khoa học cũng chỉ biết lớp mình thôi. sau nầy nhờ đi chấm thi hay huấn luyện Quân sự mới biết nhau. Sinh viên các môn có lối cư xữ riêng.
Ban Vạn vật.
Sinh viên ban nầy không nổi,đông nhứt ban Khoa học, nhưng có nữ sinh viên đẹp tươi mát nhứt bên khối Khoa học.
Biết thân, môn học nghe nói dễ, không cần thông minh, chỉ cần học gạo là đậu, tỷ số ra trường cao. Ra trường chỉ dạy tư thêm, không mở cours luyện thi riêng được.
Ban Lý Hóa.
Sinh viên ban nầy không có mặc cảm với ban Toán, tính theo hệ số thông minh,ngang ngửa với sv Toán, ra trường có thể dạy tư và mở cours, tiền bạc không kém Toán.
Toán.
Năm tôi học, ban nầy rất ít sinh viên, nghe nói khó đậu, phải thông minh lắm mới dám học Toán.
Hầu hết nam sinh viên, chỉ có duy nhứt một nữ sinh viên. Chị nầy rất được ngưỡng mộ. Bọn nó nói cô mập và nhan sắc tàn phai, vì học Toán khô khan. Toán là môn tàn phá sắc đẹp, nghe nói vậy, tôi không dám phẩm bình cho mang vạ miệng.
Sinh viên Toán đánh xì phé và xập xám hay lắm, vì giỏi Toán.
Khi đi gác Sinh viên học đường hay trong trại lính, mở sòng bạc, SV Toán thường kiếm tiền khá. Dĩ nhiên có vài ngoại lệ. Chàng Trần Ch., hôm ấy thua liên tiếp mấy đêm, mượn tiền bạn đòi không trả. Trong câu chuyện cải nhau, Ch. chỉ tay lên trời nói, " Toán là một Khoa học chính xác nhứt, Toán là môn học gần nhứt với Thượng Đế, ".
Anh cho mượn tiền đâu có chịu nhịn, " Ê, mầy gần ai kệ mẹ mầy, mượn tiền thì phải trả ".
Ban Triết học.
Mấy anh Triết không anh nào giống anh nào. Anh nào cũng nghiêm trang, đi đứng ra vẻ Triết, ăn nói rất Triết, khi cười một mình, chỉ có ta mới hiểu ta, khi nhìn đời bằng nửa mắt, khi lắc đầu hay gật đầu cuời như Francois Sagan, un certain sourire, khi bất cần đời, áo quần lếch thếch như Triết gia theo phái existencialism của Jean Paul Sartre ( có anh đọc là Xát trờ ).
Vì quá siêu hình, nên không chơi được với ai. Mấy anh là người cõi trên. Sau năm 1966, vì ít nhu cầu, ban Triết dẹp.
Ban Sử Địa.
Sinh viên ban nầy kiến thức thông kim bác cổ, nắm vững thiên văn địa lý, rành chuyện năm châu bốn biển.
Biết Nga Mỹ nó muốn gì, hốt nắm cát biết có vàng. Vào quân trường Thủ Đức, anh em mới biết tài dân Sử Địa. Năm 70, khóa 4/70, bị động viên. Môn địa hình, đi phương giác, chấm tọa độ, vòng cao độ..., mẹ ơi, bọn Văn chương gốc ban C ở Trung học như điếc.
Mỗi lần đi hành quân, tìm cọc tọa độ, cứ đi theo mấy anh Sử Địa thì yên chí.
Năm đó, Mỹ cúp quân viện, quân trang quân dụng bị cắt, nhiều đứa không cần bắn đạn mã tử, khỏi lau súng. Môn tác xạ súng cối, Bazooka, hạn chế đạn, mỗi Trung Đội chỉ đuợc bắn tối đa 10 viên, thường có Thanh tra kiểm soát tại chổ.
Hôm bắn thực tập biểu diễn cho Thanh tra coi, dĩ nhiên 3 anh Sử Địa có khả năng đuợc chọn bắn, danh dự lắm.
Cả Đại đội chăm chú nhìn. Một anh cầm ống dòm chấm tọa độ, một anh điều chỉnh súng cối 60 ly, " chuẩn bị, chuẩn bị, sẳn sàng, sẳn sàng, bắn ", viên đạn phụt đi, thay vì hướng đông, nó bay về hướng Tây, rớt xuống trật mục tiêu, mấy con bò ăn cỏ trong tầm đạn một phen hoảng vía bỏ chạy. Viên Trung uý huấn luyện viên la, " Ê, anh quay tay quay chiều hướng ngược.".
Ban Việt Hán.
Xui là năm tôi chỉ có chừng 7 cô học, không thấy ai chim sa cá lặn, hương trời đắm nguyệt say hoa, xin lỗi, không phải ý kiến tôi. Nhiều anh gốc Hoa nói tiếng Quảng Đông. Một anh gốc Quảng Đông tán tỉnh cô Sử Địa, hôm dán kết quả thi các môn, nặng nhứt là môn Hán văn, dân gốc Việt ớn, hay rớt môn nầy nhứt. Trên đầu bảng, chàng Việt gốc Hoa đậu đầu, tên anh chỉ có hai tên, nghĩa là tên và họ, H M , không có tên lót , trai văn gái thị như Việt Nam, môn dễ là môn Ngữ học VN, anh lại rớt. Cô Sử Địa nhìn lên bảng bỉu môi, "thấy là biết Tàu rồi". Đi ngang qua lớp, nghe anh chị ban nầy ngâm thơ cổ, gân cổ cải, " chữ Việt gồm bộ "tẩu " và chữ gì, nét đá lên khi viết thảo, có thể là chữ " nhung ", Việt Nam nghĩa là mặc nhung y đi về chinh phục phương Nam. Hay, hào hùng quá ! Cũng có thể là chữ " Tuất ", nhà Thanh không chịu phong cho vua Gia Long là Đại Nam hay Nam Việt quôc vuơng. Đại Nam, lớn lối hả ? Nam Việt, vậy là bắt chước Quang Trung, Triệu Đà , ý nói phía Bắc là Bắc Việt hả ? chữ đó là chữ Tuất, chó chạy cong đuôi về phía Nam, đừng có quay đầu trở lại. Hay là chữ cân là cây búa, đúng theo ý, ta xách búa về phương Nam khai sơn phá thạch cho lúa ngập những cánh đồng bao la. Hay, cải nữa đi.
Ban Pháp văn.
Sinh viên ban nầy, chừng hơn 15 người, có trình độ, hầu hết con nhà giàu, học thức, gốc trường Pháp ra. Nam SV tướng rất sang, nói tiếng Pháp như Pháp. Nữ SV thì khỏi nói, dáng khoẻ mạnh, mặc đầm, dù áo quần cũ cũng trang nhã, mặc thế nào cũng đẹp tự nhiên, thường đi học bằng xe hơi, không hiểu sao các cô lại chọn ngành Sư Phạm, vì ra trường, ít thấy các cô đi dạy, các cô có gia đình cao sang hoặc xuất ngoại sang Pháp, hay dạy các trường tư thục Pháp ở Sài Gòn. Các cô ban khác cũng may đồ đầm mới mặc, nhưng dáng còn ngượng nghịu mất tự nhiên, không cách gì giống mấy cô Pháp văn thiệt. Các cô Pháp văn nói vậy, tôi lập lại, đừng trách tôi. Chưa thấy cô nào lấy anh gốc Sư Phạm ra, ai thèm theo mấy người đi tỉnh nhà quê.
Ban Anh văn..
Tôi rành ban nầy nhứt. Nhờ viện trợ Mỹ, Pháp bắt đầu lung lay. Bọn tôi được nâng đỡ, Giáo sư Lê Văn là thầy vừa là Giám Đốc ban Văn Chuơng. Anh văn đang thịnh hành, giờ dạy tư, dạy kèm, kiếm tiền dễ. Lớp tôi ra trường trước sau 32 đứa, còn 5 đứa ở VN. Đây là lớp quá đặc biệt về vợ con. Trong lớp nhiều phe nhóm.
Nhóm dạy tư, phát những tấm quảng cáo " tốt nghiệp MA, HC..." ở Mỹ, bạn bè có đứa chơi ác, lấy tấm quảng cáo dán ngay phòng ông Giám Đốc.
Bọn nầy chỉ dạy Đệ Nhứt trường tư và mở cours, năm nào cũng thi kỳ hai, vậy mà dạy tư rất thành công. Ra trường, không cần chọn nhiệm sở, mặc áo 4 túi ở Sài Gòn không bị động viên, xách cặp cho mấy ông lớn, có anh hãnh diện với học sinh trường tư, trong đó có em họ tôi, rằng họ là giáo sư cao cấp, được giữ lại Sài Gòn, bọn tôi bị động viên long đong ở quân trường. Mà tên học thủ khoa không dạy được trường tư, dạy học trò không hiểu.
Bọn tôi gầy nhóm 6 đứa, sưu tầm bài vở soạn tài liệu chia nhau học, giữ kín. Bọn nhóm khác cũng giấu. Thời đó mà có đứa gốc Bắc trong nhóm tôi chưa biết Chợ Lớn ra sao, nó chỉ lẩn quẩn ở khu quận Nhứt, giáo dục theo Tây. Sau nầy dẫn nó đi ăn mì lòng đèn Năm ngọn, hít hà ngon quá, đòi đi hàng tuần tới khi ra trường đi lính.
Ở nhà hàng Đại La Thiên, có màn, khi hút thuốc, có cô phì phà chảy đẹp, hai tay trắng, quẹt lửa cho khách. Sau vụ đó, bọn nó bắt đầu hút thuốc . Lại nhớ dẫn bọn nó ăn cơi nững té " kê noãn trà ", trúng gà trà ở hẽm Nguyễn Tri Phương, các cô Lý xiểu chể tới già H già còn mê. 6 đứa bây giờ còn 5, Quách Hên đã đi, rồi tới tôi, còn 4.
Bọn tôi bị nhốt trong chương trình nặng phần trình diễn, không mấy thực tế. Môn Ngữ học ( Linguistics ), không biết học làm gì, nhồi nhét đến độ bọn nó tiếu lâm hóa các từ ngữ chuyên môn thành từ ngữ thô tục. Lão Prof. Lombardi mập, ngồi xuống tới hết giờ với gói thuốc lá, Lão Clark giảng văn chương Anh, chữ 't' lão đọc như âm 't' VN, hỏi, lão nói ," Chớ nghi ngờ người gốc Đại học Oxford ", Lão Klotz nhảy lên nhảy xuống đóng vai làm mục sư trên bục giảng trong the Scarlet letter, mặt giả đú đởn ngạo ông mục sư. Mụ La Porte dạy Pháp văn, mở miệng là chửi Mỹ.
Ba năm học, tập sự dạy mấy tiếng và 15 phút ra trường, không khùng là may. Mụ Culpepper, cái máy chém. Thằng Lâm cay cú, dạy position của noun và adjective trong tiếng Anh và tiếng Pháp, nó cho thí dụ, ' she has a long neck," tiếng Pháp ," Il a le cou long ".
Ngày chọn nhiệm sở mới rõ mặt ai trắng ai đen. Nói là chọn tỉnh nầy, lúc ra Hội đồng Đại học thì chọn tỉnh khác, người chọn sau chới với, có khi chọn chổ xấu dù còn chổ tốt. Tôi vuớng vô trường hợp nầy, nhưng ở phía may.
Ngày 12-10-69. tất cả SV tốt nghiệp khóa I ra chọn nhiệm sở đã thông báo mấy tháng trước. Tên K trên tôi 3 hạng, nói nó chọn Rạch Giá, tôi chọn Củ Chi, cách Sai gòn 20 km, sáng đi chiều về, tuần 3 ngày, 3 ngày còn lại dạy tư Chợ Lớn, đêm dạy kèm mấy thằng Tây con lương cao.
Dĩ nhiên luôn luôn chọn thêm vài nhiệm sở phòng hờ. Phút chót nó nói chọn Củ Chi, tôi chới với, bất giác nói," mầy đi Củ Chi tao đi Rạch Giá, " nói là nói, thằng bạn thân ngồi cạnh nói nhỏ, còn Bến Lức, lại hiểu lầm có sự trao đổi ăn tiền, mà ăn tiền thật. Nghe tôi quạu nói, tên Th. dặn K. chọn Vũng Tàu, vì TH. đậu thấp. K. lên chọn Vũng Tàu, theo dự định Th sẽ chọn Củ Chi đổi cho K, mánh mung gì đó làm cô bạn chọn Vũng Tàu xanh mặt, phải chọn Cần Thơ. K. không ngờ tôi đậu trên TH., tôi chọn Củ Chi, hắn tiu nghĩu nghe anh khinh ra mặt.
Nhóm tôi 6 đứa còn thân nhau. Lúc ra trường bàn tới gia đình, tên trưởng thành bàn ra, chưa nhà cửa, chưa thành , bao nhiêu cơ hội học bỗng, chưa về được SG, lấy vợ chi cho vướng, lại phải tìm người có căn bản, 1 đầu lương khó kham.
Đang đi dạy, bị động viên bất ngờ, lại mất thêm thời gian, mãi lo tính toán, đổi đời, đi học tập cải tạo về hơi sồn sồn. Tính già thành non. Có đưá bây giờ con mới 9 tuổi, đứa nào cũng trên dưới 64. Nhớ ngày được biệt phái, tên bạn lè phè trong quân đội có sao mặc vậy, hắn lại may mấy bộ quân phục mới, " Biệt phái về dân sự, cần gì quân phục. Hắn nói tỉnh bơ, ' Mặc để chạy Lambretta xuống tỉnh đó anh ",
Thì cứ mặc bình thường có sao đâu, "
Không có bằng lái xe đó anh ", Vậy thì thi bằng lái xe.
Hắn nói thật, '" thi biết bao nhiêu lần mà không đậu đó anh ".
Bằng Đại học Sư phạm dễ hơn bằng lái xe.
Viết ra cho bà con biết cái mặt trái của nghề giáo. Học sinh tưởng thầy là nhứt trên đời. Đúng ra, đó là cái nghề không có quyền có thế, muốn ăn cùng không được, muốn quậy thì ngại.
Giáo sư ban Việt, Sử Địa cần chức tước, Giám học, Hiệu Trưởng, chỉ có con đường đó tiến thân. Hiệu trưởng mới lên Thanh tra, Giám đốc.
Đám Toán, Lý Hóa, Sinh ngữ lo mở Cours kiếm tiền. Ở trong chăn mới biết chăn có rận, tôi không quơ đủa cả nắm, nhưng anh giáo thua anh thiếu uý về uy quyền. Tỉnh tôi dạy, chưa thấy tên nào làm tôi phục, nhứt là khi ăn giỗ.
Tên Hiệu trưởng trường tôi cúi đầu đốt thuốc cho tỉnh trưởng, class B, ngạch B, luồn cúi để làm Trưởng ty, mẹ, nó nhục làm sao. Đối với đồng nghiệp thì hống hách, ăn gian giờ Thể dục, nữ công, vẽ, không ai dạy, cứ khai rồi chia nhau, làm học bạ giả, rồi vợ hắn thầu xây cất, bàn ghế.
Tên khác bị bắt gian lận thi Đệ thất, đúng ra hắn mới ở Tiểu học lên , chân ướt chân ráo bị gài , ngồi ăn, vừa than, " Hồi đó giờ tôi chưa có để người ta ở trên phiền á ".
Mặt hắn thật hèn. Năm 1972 ở Tây Ninh, giám khảo gốc cùng trường chơi nhau.Tỉnh trưởng đãi ăn, nhìn thấy tư cách khi ăn, biết người. Sau nầy có Ty học chánh, cơ hội ăn.
Ở Âu Mỹ, không có thành ngữ " Không thầy đố mầy làm nên ". Giáo viên không đòi hỏi sự kính trọng của học sinh.
Khi vào Sư Phạm, đã có qui luật rồi, thích thì làm, không thì nghỉ, lảnh lương chứ dạy không đâu. Tôi than phiền anh cảnh sát phụ cấp lương cao, anh nói khi gặp bọn cướp có súng, anh hứng đạn, còn bọn giáo viên có 12 tuần holiday sao chưa ai than phiền ?
Sau 1970, lạm phát phi mã làm nghề giáo lung lay, nhứt là ở quê, có gia đình sống chật vật lắm, túng làm càn.
Xưa thầy Tín dạy thêm giờ, đó là tình thương với học trò, thời đó nghề giáo, công chức, nếp sống rất cao, không cần tham nhũng.
Gần chết rồi, ngày mốt vô bịnh viện không biết ngày ra, sợ gì không nói hết. Nằm xuống, ai chửi người ấy nghe.
Chung cuộc, tôi may mắn chứ không phải tốt hay giỏi gì. Biết bao tên bạn giỏi mà nghèo không có cơ hội.
Nhắc tới muốn khóc, thằng Điểm gốc Tri Tôn ra Châu Đốc học, ở nhà bà con, phải tiếp dọn hàng không rảnh tay.
Trưa thứ bảy, tôi leo lên xe nhà về Tri Tôn, nó theo ra bến xe đứng nhìn, " mầy sướng quá, tao nhớ má tao mà không tiền về ".
Thời đó ở VN, thảnh thơi, không ai làm khó dễ, tôi không ham danh chức, nhẹ người. Tôi chỉ ham tiền, nhưng hà tiện ít xài, ham sắc mà chưa gặp người.
May mắn có việc làm tốt, ngoài trường công, dạy thêm trường Tàu, lãnh luơng năm 12 tháng, ban đêm kèm mấy thằng Tây con và mấy đứa Tàu học Tabert, Bác Ái từ nhỏ tới lớn, ăn cơm nhà.
Khi về Sóc Trăng, cơm nhà chệt ( chú ) tôi sẳn, sáng hủ tíu tiệm hia Tỷ con Túa Pề ( bác lớn ) Thêm Phên, trả tiền không lấy. Ông già tôi chở nước mắm xuống bán, cần bao nhiêu có bấy nhiêu nên tôi không bòn rút.
Dạy Củ Chi, sáng đi chiều về, có học sinh thương để mấy trái sầu riêng đầu mùa trong giỏ xe gắn máy, cám ơn, dọc đường, tôi ghé cho lại học sinh nghèo khác, không phải tôi tốt, vì tôi chịu không nổi mùi thúi sầu riêng.
Ngoài ra còn hai khóa Sư Phạm cấp tốc đặc biệt do Mỹ tài trợ. Tú tài 2. thi vào học 1 năm, ra dạy 1 năm, trở lại học 3 tháng hè, lại đi dạy thêm 1 năm, rồi trở về học 3 tháng hè là xong, ngạch Giáo sư đệ nhứt cấp.
Coi điểm thi.
Mỗi kỳ thi, có đám cò mồi chạy lo tiền cho thí sinh thi đậu. Hắn nhận càng nhiều càng tốt, tìm giám khảo quen hỏi điểm nếu gặp đúng trung tâm. Sau khi chấm, ráp phách, cộng điểm xong, vài ngày sau mới niêm yết kết quả.
Thí sinh trung bình khó đoán kết quả, cò mồi biết trước điểm chừng vài ngày, báo cho phụ huynh biết trước, lấy tiền, phụ huynh tuởng con mình nhờ cò mà đậu, còn thí sinh rớt thì có đủ lý do để nói.
Mỗi năm vào 2 kỳ thi kiếm cũng khá, trong túi cò luôn luôn có danh sách thí sinh, gặp bàn bè giám khảo thì chìa ra nhờ coi điểm, nghề nào cũng có cách làm tiền.
Lưu Nhơn Nghĩa.
.....
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)