Mấy ngày qua, nhiều người than phiền rằng chỉ thị 16 của thủ tướng rất mập mờ, khó hiểu nên khó thực hiện. Mới đây trong một cuộc họp, thủ tướng lại phê bình rằng có địa phương vận dụng máy móc, hiểu không đúng nghĩa cụm từ cách ly xã hội khi thực hiện chỉ thị 16 của thủ tướng.
Có nơi ra lệnh ngừng hoạt động của các chuyến đò qua lại trên sông, nơi thì đấp đất rào đường, nơi thì thu phí người đến từ địa phương khác....
Chuyện nầy làm Lão Nông nhớ lại chuyện cũ ở quê lão cách đây mấy chục năm, thời bao cấp, thiếu lương thực nên nhà nước ra chỉ thị cấm nấu rượu và cấm uống rượu, chỉ thị có đoạn nói rằng, các địa phương thường xuyên kiểm tra giám sát, khi phát hiện thì lập biên bản xử phạt và tịch thu phương tiện.
Một hôm, đoàn kiểm tra của xã phát hiện có bốn thanh niên nhậu lén sau vườn, dưới chưn một cây rơm, tiệc nhậu sắp tàn, chai rượu đã cạn và mồi nhậu chỉ còn lại cái đầu con cá lóc nướng trui. Đoàn kiểm tra liền lập biên bản, sau mục thành phần ăn nhậu có mấy người, họ tên, năm sinh và địa chỉ, tới mục phương tiện vi phạm gồm: một chai thủy tinh trong đó có rượu, một cái ly uống rượu, một đầu cá lóc nướng, một cây trúc lụi cá, một tàu lá chuối dùng để đựng mồi nhậu, một cây rơm. Trong lúc thu gom các phương tiện trên, anh lính hỏi anh chỉ huy làm sao tịch thu được cây rơm ? Anh chỉ huy suy nghĩ một lúc rồi ra lệnh: đốt bỏ, coi như mình tiêu hủy phương tiện.
Sau đó đoàn kiểm tra tới nhà một bà chị trước đây chuyên nghề nấu rượu nuôi heo, nhưng từ khi có chỉ thị, chỉ bỏ nghề, nồi niêu chị để trên gác bếp. Anh chỉ huy ra lệnh lập biên bản xử phạt và tịch thu phương tiện, chị phản đối: tui có nấu rượu đâu mà mấy chú phạt tui ? Anh chỉ huy nói, dù chị không nấu rượu nhưng chị có phương tiện nấu rượu. Trong lúc họ đang lập biên bản, bỗng chị chủ nhà la làng: bớ làng xóm ơi hiếp dâm, hiếp dâm ! Mọi người chưng hửng, anh chỉ huy nói bà có điên không, ai hiếp dâm bà, bà vu khống cán bộ hả ? Bà chủ nhà nói, mấy chú không hiếp dâm nhưng chú nào cũng có mang theo phương tiện hiếp dâm.
Cho nên, lão van lạy mấy ông mấy bà làm cái nghề soạn thảo văn bản cho chính phủ, nhất là những văn bản pháp quy ảnh hưởng tới toàn dân, phải viết cho mạch lạc rõ ràng dễ hiểu để khỏi phải tốn công làm thêm cái văn bản hướng dẫn thi hành chỉ thị, khổ quá, chúng ta là người Việt nói với nhau bằng tiếng Việt mà không hiểu nhau thì thật là vô lý.